Thứ Bảy, 17/12/2011 14:43

Nhìn cận cảnh ngành lúa gạo

Khi chuẩn bị bước vào sân chơi WTO, với năng lực cạnh tranh cao, ngành lúa gạo Việt Nam không hề ở “thế thủ”. Vậy mà, sau năm năm hội nhập WTO, ngành kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn chưa có sự chuyển biến về chất.

Trong hội nhập WTO, các quốc gia thường nỗ lực hết sức trong đàm phán về áp thuế nhập khẩu cao và hỗ trợ sản xuất để bảo hộ ngành lương thực trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu nước ngoài.

Nhưng khác với nhiều nước, với năng lực cạnh tranh cao, không phải nhận trợ cấp của các ngành kinh tế khác, ngành lúa gạo của Việt Nam có đầy đủ các vị thế quan trọng trong việc giữ vững an ninh lương thực quốc gia. Ngành này còn là chỗ dựa của nhiều triệu lao động nông thôn, đem lại hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm và là điểm tựa để giữ vững giá tiêu dùng, ổn định cán cân kinh tế vĩ mô. Do đó, sự quan tâm đến ngành lúa gạo Việt Nam trong hội nhập WTO không phải theo “thế thủ”, thiên về tính bị tổn thương, mà là làm sao phát huy được tối đa ưu thế cạnh tranh.

Sau năm năm hội nhập WTO ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đã tiến triển thế nào?

Sau khi hội nhập WTO, lĩnh vực xuất khẩu gạo đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ về lượng cũng như về kim ngạch. Kết quả ấn tượng này có phải do sự đóng góp quan trọng từ việc Việt Nam gia nhập WTO? Để xem xét tác động của WTO cần điểm qua các nhân tố (i) hàng rào thuế quan; (ii) tiếp cận thị trường; (iii) mở cửa thị trường xuất khẩu gạo.

Về phương diện thuế nhập khẩu, Việt Nam đã thành công trong đàm phán gia nhập WTO khi giữ nguyên mức bảo hộ (thuế nhập khẩu lúa gạo) ở mức như trước khi gia nhập. Trong khi đó, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các nước thành viên WTO có nghĩa vụ phải cho hàng hóa Việt Nam hưởng thuế suất MFN theo cam kết của họ trong WTO. Đây là một lợi ích quan trọng mà xuất khẩu gạo của Việt Nam hưởng lợi khi thâm nhập thị trường quốc tế sau khi vào WTO.

Tuy nhiên, lập luận này chỉ đúng trên lý thuyết chứ không phải trên thực tế.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo theo hình thức thương mại thường không vào trực tiếp được nhiều thị trường mà phải thông qua các tập đoàn kinh doanh nông sản quốc tế vốn đang chi phối thương mại gạo toàn cầu. Do đó việc giảm hàng rào thuế quan theo cam kết WTO không có nhiều ý nghĩa giúp gạo Việt Nam có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường. Như vậy, việc gia nhập WTO là điều kiện cần để mở cánh cửa rộng hơn cho gạo Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng của các nước, song điều quan trọng hơn đó là năng lực của chính các doanh nghiệp Việt Nam trong việc vượt qua các tập đoàn thương mại trung gian để kết nối trực tiếp với các nhà nhập khẩu và phân phối ở những nước này.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh sau năm 2007 được hỗ trợ phần nhiều bởi điều kiện thuận lợi của thị trường thế giới. Tồn kho gạo thế giới giảm mạnh cộng với khủng hoảng lương thực năm 2008 đã nâng đỡ thương mại và giá gạo thế giới, giúp xuất khẩu gạo Việt Nam được hưởng lợi. Mặt bằng giá gạo năm 2007 ở mức 270 đô la Mỹ/tấn, năm 2008 nỗi lo khủng hoảng lương thực đẩy giá gạo lên gần mức 1.000 đô la/tấn. Những năm sau đó, 2009-2011, giá gạo đã nhích lên mức 450 và 550 đô la Mỹ/tấn. Trong bối cảnh quốc tế thuận lợi song cơ cấu chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam chưa có chuyển biến căn bản, gạo phẩm cấp thấp và trung bình vẫn chiếm tỷ trọng lớn, gạo Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc ở các phân khúc thị trường cao cấp.

Theo cam kết WTO, năm 2011 Việt Nam mở cửa thị trường xuất khẩu gạo, cho phép doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp tham gia bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một điều khoản quan trọng nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến trong kết cấu ngành kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị cho tiến trình này khi ban hành Nghị định 109/2011 quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, vốn không chỉ là một khung khổ pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu gạo mà đã tạo dựng một sân chơi chung cho kinh doanh xuất khẩu gạo trong và ngoài nước. Theo thống kê gần đây đã có gần 140 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, trong đó có bốn doanh nghiệp nước ngoài. Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gạo sẽ không chỉ dừng ở các doanh nghiệp đăng ký mà còn thông qua các kênh đầu tư khác như đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, hoặc cả các dự án đầu tư có vốn của nước ngoài.

Như vậy, qua năm năm hội nhập WTO, ngành kinh doanh xuất khẩu gạo chưa có những chuyển biến về chất. Tác động của WTO về thuế quan còn mờ nhạt, trong khi về mở cửa thị trường chưa có thời gian để kiểm nghiệm. Nhiều khả năng việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra đợt sóng đầu tư ồ ạt vào ngành lúa gạo trong thời gian tới. Nguồn vốn mới có thể tạo ra động lực thúc đẩy ngành kinh doanh xuất khẩu gạo phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng vốn nhiều không đồng nghĩa với chất lượng được cải thiện tương xứng. Thêm nhiều các dự án đầu tư dàn trải, tràn lan, thiếu tính khả thi sẽ dẫn đến lãng phí tiền bạc, chỉ càng làm cho thị trường lúa gạo Việt Nam thêm biến động, suy giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Để luồng vốn đầu tư đi đúng hướng tạo đột phá cho ngành kinh doanh xuất khẩu gạo và kéo theo sự chuyển đổi của ngành hàng lúa gạo, Việt Nam rất cần đến vai trò của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch, xem xét nghiêm ngặt việc cấp phép dự án đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo. Nhà nước nên ưu tiên các dự án đầu tư đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến tiên tiến, sản phẩm gạo chất lượng cao hướng đến các phân khúc thị trường phẩm cấp cao.

Phạm Quang Diệu

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cơ hội đã trở thành thách thức? (17/12/2011)

>   Yahoo! Khẳng định kết quả nghiên cứu thị trường internet di động (17/12/2011)

>   Thị trường điện thoại, máy tính vẫn tăng trưởng mạnh (17/12/2011)

>   Xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu: Lo thu tiền hàng thật nhanh (17/12/2011)

>   Xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỉ đô la Mỹ (16/12/2011)

>   Ngành thép từng điêu đứng vì... tham tán (16/12/2011)

>   Vốn cho doanh nghiệp: Rất thiếu và rất… nhiều! (16/12/2011)

>   Khu công nghệ cao TPHCM: Xuất khẩu hơn 1,4 tỉ USD (16/12/2011)

>   Dự báo và giải pháp cho 3 lĩnh vực của nền kinh tế 2012 (16/12/2011)

>   ĐBSCL: Giá cá tra đồng loạt đi xuống (15/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật