Thứ Sáu, 16/12/2011 16:39

Vốn cho doanh nghiệp: Rất thiếu và rất… nhiều!

Vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang rất thiếu, nhưng cũng rất nhiều!

Thông điệp nghe như chứa đựng nhiều nghịch lý này của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Nguồn vốn nào cho kinh doanh trong thời kỳ hậu khủng hoảng?” sáng 16/12 đã không vấp phải phản bác nào.

Do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng một số đơn vị phối hợp tổ chức, sự kiện này có sự tham gia của cả TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), nguyên trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO Lương Văn Tự… cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.

Vẫn cách nói nhiều ví von hoa mỹ nhưng ít tránh né, TS. Võ Trí Thành nói rằng, ông sợ hãi khi đến hội thảo này. Vì, mây đen đang kéo đến ngày càng nhiều trên bầu trời kinh tế cả thế giới và Việt Nam.

“Tôi có đồng nào thì vợ lấy đồng ấy, thế mà doanh nghiệp lại hỏi tôi làm thế nào có vốn? Nhưng tôi vẫn chia sẻ với tư cách người làm nghiên cứu, chứ không phải thành viên của tổ chức nào cả”, ông Thành nói.

Lồng ghép chủ đề tìm nguồn vốn trong tình hình kinh tế vĩ mô, vị quan chức của CIEM nhận định, cho dù có nhấp nhô vài điểm tích cực như cán cân thanh toán có thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng đôi chút, thâm hụt ngân sách giảm, song tổng thể thì nền tảng kinh tế vĩ mô 2011 vẫn yếu kém và thành quả thì hết sức mong manh.

Vị diễn giả này cũng nhấn mạnh rằng, thông điệp bất di bất dịch mà thị trường không thể lầm lẫn được, là năm tới cả chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn hết hết sức chặt chẽ và đầu tư sẽ giảm.

Ông Thành cũng “nói rất thật” với đại diện các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo là, vừa rồi một số quỹ đầu tư có tên tuổi trong nước cũng có huy động vốn bên ngoài song không được một xu nào hết.

Để “mách nước” cho các doanh nghiệp về nguồn vốn, TS. Võ Trí Thành cho rằng phải nhìn nhận bốn vấn đề.

Với vấn đề thứ nhất là tiền và vốn có nhiều không, ông hỏi và tự trả lời ngay, rằng đang rất thiếu, nhưng cũng rất nhiều.

Nói rất nhiều vì lượng tài sản tài chính hiện nay đang gấp 17 lần GDP của thế giới. Riêng khu vực Đông Á đã có dự trữ ngoại tệ 6.500 tỷ USD (trừ Việt Nam).

Phần lớn các nước Đông Á rất khác Việt Nam là tiết kiệm nhiều hơn đầu tư rất nhiều, tỷ trọng tiết kiệm của Việt Nam năm qua chưa đến 30% nhưng đầu tư trên 40%, ông Thành cho biết.

Nhưng tiền cũng rất thiếu, ông Thành tiếp tục phân tích. Vì bong bóng tài chính khổng lồ đang thủng bởi trò chơi bất động sản, các trò chơi phái sinh và vì các công cụ tài chính mới nên phải vá. Thanh khoản kém, tiền không "quay" được nên thiếu tiền, tiền rất nhiều mà rất thiếu là vậy.

Vấn đề thứ hai được ông Thành chia sẻ với doanh nghiệp là cần biết ai đang cầm tiền để còn "mỹ nhân kế".

Tất nhiên là ngân hàng trung ương và ngân sách. Đầu tư công nhiều năm chiếm đến 40% trong tổng 40% của GDP,  tín dụng trên dưới 140 tỷ USD và mỗi năm lại còn tăng, ông Thành phân tích.

Bên cạnh đó người dân cũng rất nhiều tiền, một nửa số kiều hối (năm 2011 khoảng 9,1 tỷ USD) là dành cho đầu tư, và người dân cũng cất giữ từ 500 - 1.000 tấn vàng. Các quỹ đầu tư của nước ngoài thì cỡ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD, theo ông Thành cũng là rất nhiều…

Vậy vốn đang chảy vào đâu? Đặt câu hỏi tiếp theo, vị chuyên gia của CIEM cho rằng, có thể hiện không có đủ thông tin ai đang ném tiền vào đâu, nhưng hoàn toàn có thể quan sát những lĩnh vực nào đang “chơi” được.

Với nhận định độ linh hoạt của chính sách tiền tệ sẽ còn cao hơn hiện nay, ông Thành phân tích, mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ không phải như nhau mà dựa vào nhiều yếu tố.

Bởi vậy, lời khuyên được ông đưa ra là doanh nghiệp phải biết “chơi” với anh bạn ngân hàng nào uyển chuyển. "Phải ăn cơm thật nhiều, nói chuyện thật lực", ông Thành hài hước. Rồi nghiêm túc nhấn mạnh hàm ý, là doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến độ linh hoạt và người “chơi” sự linh hoạt đó.

Vấn đề cuối cùng ở câu chuyện vốn, ông Thành lưu ý doanh nghiệp cần biết tự cải cách chính mình, biết cách để vốn đến.

Điều quan trọng là phải biết sống với các cú sốc, mà theo tình hình hiện nay thì các cú sốc sẽ còn dài dài. Nếu cú sốc còn lâu dài thì không có con đường nào khác là phải thay đổi toàn bộ kết cấu của doanh nghiệp, vị chuyên gia này chia sẻ với lời khuyên đã được ông Lương Văn Tự đưa ra với doanh nghiệp trước đó.

Kết thúc phần phát biểu không mấy lạc quan, ông Thành tặng hội thảo mấy câu thơ mà ông vừa sáng tác. Xuân này u ám quá xuân qua / lận đận long đong khắp mọi nhà / uống rượu cho say quên sợ hãi / Tết đến trốn chạy khỏi đưa quà.

Và, xuân này vẫn khó như xuân qua / lấp ló nguồn vốn đến mọi nhà / tay bắt mặt mừng chào xuân đến / sẻ chia chèo chống may thì qua...

Nguyên Hà

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Khu công nghệ cao TPHCM: Xuất khẩu hơn 1,4 tỉ USD (16/12/2011)

>   Dự báo và giải pháp cho 3 lĩnh vực của nền kinh tế 2012 (16/12/2011)

>   ĐBSCL: Giá cá tra đồng loạt đi xuống (15/12/2011)

>   Sợ quản lý giá theo kiểu bao cấp (15/12/2011)

>   "Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc khó giảm" (15/12/2011)

>   Kim ngạch xuất khẩu giày dép cả năm đạt 6 tỷ USD (15/12/2011)

>   Doanh nghiệp thép vượt khó (15/12/2011)

>   5 năm vào WTO: “Doanh nghiệp thủ đô thụ động” (15/12/2011)

>   Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Sờ đâu sai đó (15/12/2011)

>   Cảm nhận sức bền doanh nghiệp tư nhân (15/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật