5 năm vào WTO: “Doanh nghiệp thủ đô thụ động”
Vượt lên những khó khăn, sau 5 năm gia nhập WTO, Hà Nội cùng với cả nước có những bước chuyển biến đáng kể.
Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 10,8%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%, nhập siêu từng bước được kiểm soát; các vấn đề xã hội từng bước được thay đổi.
Tuy vậy, nếu bình tâm suy xét, mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa lại nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Hà Nội cũng như cả cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội.
Nhưng hơn hết, đối tượng chính tham gia trong tiến trình này là các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý còn nhiều thụ động trước sân chơi lớn; khiến chính họ lại tự hạn chế mình.
Tọa đàm “Doanh nghiệp Hà Nội - 5 năm gia nhập WTO” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội tổ chức ngày 14/12 đã đề cập nhiều tới vấn đề này.
Chịu thiệt do còn thụ động
Trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền sâu rộng đến mọi đối tượng về những cái được, cái khó và những điều cần làm khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy vậy, sau những hào hứng, e ngại ban đầu là sự thờ ơ, thụ động của nhiều doanh nghiệp khi đã đứng trong sân chơi đầy cơ hội và thách thức này.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chủ trương của Việt Nam là chủ động hội nhập nhập kinh tế quốc tế nhưng chúng ta đã thụ động rất nhiều. Cụ thể là ít người hiểu biết về những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, mặc dù đã có riêng một website giới thiệu về vấn đề này; hay vô vàn tài liệu do các cơ quan chức năng in ấn, phát hành. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng không quan tâm nhiều tới doanh nghiệp khi gia nhập WTO, còn để doanh nghiệp tự bươn trải, không lo tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động…”
Đánh giá về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tiến sĩ Trần Kim Hào và Nguyễn Bình Nguyên, Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, kể cả năng lực cạnh tranh trong quản lý, cạnh tranh về trình độ lao động, cạnh tranh trong chi phí sản xuất, cạnh tranh về tài chính, trong truyền thông và xúc tiến thương mại...
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này do nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Ví dụ có rất ít doanh nghiệp xây dựng được chương trình xúc tiến, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng một cách bài bản. Bởi đa phần doanh nghiệp chưa nhận thức đúng được giá trị và ý nghĩa của xúc tiến thương mại, quảng cáo. Vì vậy chi phí cho quảng cáo rất thấp, chỉ chiếm dưới 1% doanh thu, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm từ 10-20% doanh thu.
Chính do nhận thức, năng lực hạn chế, doanh nghiệp Hà Nội phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí thua ngay tại “sân nhà.”
Tham gia sâu rộng vào thị trường quốc tế
Việc hội nhập nền kinh tế thế giới luôn đi kèm với thách thức. Chính vì vậy, trong những năm tới, cả cơ quan quản lý của Hà Nội cũng như các doanh nghiệp muốn thụ hưởng những lợi ích do cộng đồng kinh tế thế giới mang lại, không gì khác phải thay đổi chính mình.
Ông Allaster Cox, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng: “Những khó khăn trong hội nhập là quá trình kêu gọi cải cách và xem xét lại toàn bộ các doanh nghiệp kinh tế và cả các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước, hệ thống ngân hàng, thương mại và các quy định về thương mại. Việt Nam cần cải cách hệ thống hành chính hơn nữa để phù hợp với xu hướng toàn cầu; cần khuyến khích doanh nghiệp thông qua lãi suất thực tế, giảm nhập khẩu bên ngoài. Doanh nghiệp cần tập trung để khắc phục khó khăn, tránh dàn trải nguồn lực.”
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội cho rằng trong những năm tới để chủ động hội nhập tốt hơn kinh tế quốc tế, Tổng công ty xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, tích cực phát triển hạ tầng thương mại. Theo đó, Tổng Công ty tiếp cận những bài học kinh nghiệm lớn về quản lý, phát triển mạng lưới, phát triển thương hiệu, kinh doanh tiếp thị…
Còn ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch KAT Group đề xuất: “Chúng tôi mong muốn những chính sách của Nhà nước, của thành phố Hà Nội quan tâm hơn nữa tới hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân, tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương lớn hiện nay như cải cách hành chính, bình đẳng các thành phần kinh tế, hoàn thiện hệ thống chính sách…”
Và thành quả của việc hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm tới đến đâu đang tùy thuộc vào những hành động của Hà Nội cũng như các doanh nghiệp./.
Đinh Thị Thuận
Vietnam+
|