Một nửa loại thuốc BVTV có thể bị loại khỏi thị trường
Hiện thị trường có hơn 3.000 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và nhiều khả năng trong thời gian tới số lượng này sẽ giảm xuống còn khoảng 1.500 nếu các quy định trong một bản dự thảo thông tư về quản lý thuốc bảo vệ thực vật được thông qua.
Hiện Cục bảo vệ thực vậy đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về Quản lý thuốc BVTV thay thế thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT vốn đang có hiệu lực. Nội dung khiến các doanh nghiệp lo lắng nhất là dự thảo cho rằng các sản phẩm sau 10 năm có mặt trên thị trường là sản phẩm không đạt chất lượng và doanh nghiệp khảo nghiệm trở lại
Trong bản kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Cục Bảo vệ thực vật, ông Trần Quang Hùng,Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lý giải rằng tên thương mại đã đăng ký của doanh nghiệp chính là tài sản của doanh nghiệp.
Còn sau khi sản phẩm đã được đăng ký sử dụng và lưu hành ra thị trường, nếu một loại thuốc nào đó trở nên lạc hậu không hiệu quả thì thị trường và người nông dân sẽ phát hiện được điều đó và sẽ không sử dụng sản phẩm đó nữa. Cục Bảo vệ thực vật không thể lấy lý do sau 10 năm có mặt trên thị trường là sản phẩm không đạt chất lượng và yêu cầu doanh nghiệp khảo nghiệm trở lại sẽ gây tốn kém chi phí cho khảo nghiệm và lãng phí thời gian.
"Biện pháp hành chính này sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chứ không có lợi ích gì trong việc bảo vệ mùa màng", ông Hùng cho hay.
Ông Hoàng Hải, Giám đốc Công ty An Nông, Long An có cùng quan điểm như ông Hùng khi cho rằng, tên thương mại là tài sản vô hình của doanh nghiệp, nhưng để được chứng nhận doanh nghiệp phải mất hơn 1 năm khảo nghiệm với tổng chi phí trên 200 triệu đồng/một sản phẩn, vì thế, việc giảm còn một nữa tên thuốc BVTV như Cục Bảo vệ thực vật đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo nói trên sẽ thiệt hại cho doanh nghiệp ít nhất 4.000 tỉ đồng.
Ông Hải cho rằng, việc quan trọng nhất của cơ quan quản lý là quản lý chất lượng các loại thuốc BVTV đang lưu hành trên thị trường bằng những biện pháp kỹ thuật, không thể vì thấy số lượng thuốc BVTV quá nhiều mà tìm cách cấm không cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng chỉ ra những mâu thuẫn trong bản dự thảo. Ở mục 5 điều 3 ghi là "các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký riêng lẻ để phòng trừ cùng một loại dịch hại, có thể được khuyến cáo phối trộn khi sử dụng".
Tuy nhiên, trong mục 7 điều 5 lại ghi rằng các loại thuốc trừ sâu nguồn gốc hóa học có hoạt chất là hỗn hợp từ 3 hoạt chất trở lên hoặc 2 hay nhiều hoạt chất thuộc nhóm lân hữu cơ, carbamate, pyrethroid bảo vệ thực vật không được đăng ký sử dụng ở Việt Nam.
Doanh nghiệp có thể khởi kiện
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng ngày 14-12, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho biết, nếu Cục Bảo vệ thực vật vẫn giữ những điều khoản ở trong bản dự thảo thông tư để áp dụng trong thực tế trong thời gian tới thì doanh nghiệp có thể kiện lên cơ quan này ra tòa án.
Theo Luật Doanh nghiệp quy định là một doanh nghiệp có thể kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm nên việc đưa ra điều kiện một sản phẩm sau 10 năm có mặt trên thị trường phải đăng ký lại ( khảo nghiệm lại) thực chất là một quyết định hành chính làm khó doanh nghiệp chứ không giúp gì cho công tác quản lý.
“Nếu sản phẩm thuốc BVTV đang lưu hành trên thị trường mà bị người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng thì cơ quan chức năng mới cho khảo nghiệm lại để đánh giá hiệu quả, còn trong trường hợp sau gần 10 năm có mặt trên thị trường ( theo quy định hiện hành) mà vẫn được người tiêu dùng chấp nhận thì sao lại bắt doanh nghiệp khảo nghiệm lại để đăng ký”, ông Hậu nói.
Ông Hậu cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp thiếu bộ phận pháp lý nên khi gặp vấn để gì về chính sách quản lý từ cơ quan chức năng thường bị lúng túng và họ biết bị thiệt nhưng không dám kiện vì sợ trù dập. |
Ngọc Hùng
TBKTSG
|