Thứ Tư, 14/12/2011 22:25

Xuất khẩu vào Mỹ: Không phải cứ giá rẻ là thắng!

Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ, khi làm ăn tại thị trường này nếu cạnh tranh về giá để đưa hàng hóa xuống quá rẻ sẽ bị quy vào việc bán phá giá, do vậy cần có một định hướng chung giữa các doanh nghiệp để duy trì một mặt bằng giá mà khách hàng có thể chấp nhận được.

* 2012: Nhiều thách thức với các thị trường xuất khẩu

Bên lề Hội nghị tham tán Thương mại, ông Đào Trần Nhân đã có cuộc trao đổi với Vietnam+ về cách thức làm ăn tại thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng như việc tránh khỏi các vụ kiến chống bán phá giá có thể xảy ra trong tương lai.

- Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, vậy xin ông cho biết những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Ông Đào Trần Nhân: Trong thời gian qua, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2010 kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 18 tỷ USD và năm 2011 lần đầu tiên dự kiến kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ vượt con số 20 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm thì trong vòng 5 năm tới khả năng con số này sẽ còn tăng gấp đôi, đạt 40 tỷ USD vào năm 2015, trong đó Việt Nam xuất siêu là chủ yếu.

Có thể thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là quan hệ đặc biệt, không giống các thị trường khác, vì quan hệ thương mại giữa hai nước đã bị chi phối bởi những nhóm lợi ích của Hoa Kỳ và những nhóm lợi ích đó thường xuyên có xu hướng muốn ngăn cản hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Do đó quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ cần phải có những biện pháp chống lại những vụ kiện thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Đơn cử, thời gian vừa qua nổi lên vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa của Việt Nam và đặc biệt trong luật rà soát hành chính lần thứ 6 sắp được thực thi thì phía Hoa Kỳ đã định sử dụng nước thay thế là Philippines để tính biên độ phá giá của hàng Việt Nam thay cho Bangladesh, nhưng với những căn cứ pháp lý thuyết phục và sự đấu tranh quyết liệt từ phía Việt Nam thì chúng ta đã thành công trong việc buộc Hoa Kỳ phải quay lại tính Bangladesh là nước thay thế và áp dụng mức thuế thấp nhất với cá tra và cá basa của Việt Nam.

Gần đây nhất, vụ kiện về mặt hàng ống thép của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức cảnh giác. Thực ra thì vụ kiện này không phải mới xảy ra mà phía thương vụ đã cảnh báo cách đây 2-3 năm và các doanh nghiệp cùng sản xuất những mặt hàng này của Hoa Kỳ đã vận động các nghị sỹ để khởi kiện chúng ta.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, một khi có các cảnh báo thì doanh nghiệp cần xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và có sự điều hòa số lượng hàng xuất khẩu cũng như điều hòa về giá, thậm chí nếu bán quá rẻ sẽ bị quy vào việc bán phá giá.

- Vậy theo ông, việc chống bán phá giá gặp thường xuyên thì vai trò của các tham tán thương mại là như thế nào?

Ông Đào Trần Nhân: Một yêu cầu đặt ra đối với tham tán ở thị trường Hoa Kỳ là phải nắm rõ luật pháp và có quan hệ tốt với giới luật sư, giới vận động hành lang và giới tư vấn đề cùng họ xây dựng đối sách cũng như chiến lược chính trị để tác động vào các bộ ngành, tác động vào các nhóm lợi ích, vận động những nhóm đang chống ta và vận động những nhóm ủng hộ ta trong vụ kiện này.

Ở Hoa Kỳ cần đặc biệt quan tâm đến 3 giới là: Các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành; thứ hai là các nghị sỹ và thứ ba là giới học giả. Ở đây phải nhấn mạnh đến giới học giả vì họ là người có nghiên cứu chuyên sâu, người viết bài cho các báo và đăng đàn chuyên sâu trong những lĩnh vực này. Do vậy nếu tranh thủ được sự giúp đỡ này thì họ sẽ nêu những vấn đề ở các hội nghị lớn có đông người biết đến giúp giải quyết vấn đề này được tốt hơn.

Không riêng gì vụ kiện chống bán phá giá ống thép mà đã có nhiều vụ kiện chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ trong thời gian qua. Tuy nhiên, vụ kiện về ống thép mới khởi động và kim ngạch xuất khẩu ống thép của Việt Nam sang thị trường này chưa phải là lớn và không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và người dân như mặt hàng cá tra, cá ba sa. Thế nhưng thị trường ống thép cũng là bài học để phía Việt Nam xem xét nghiêm túc để tìm hiểu cách làm ăn vào thị trường này cũng như có sự chuẩn bị về mặt pháp lý để chủ động kháng kiện trong vụ việc này.

Vấn đề ở đây không chỉ đơn giản là chống bán phá giá mà có thể leo thang lên thành chống trợ cấp và sẽ liên quan đến các biện pháp của Chính phủ Việt Nam và có thể lan tỏa sang các thị trường xuất khẩu khác và là tiền lệ cho các vụ kiện tiếp theo liên quan đến chống trợ cấp liên quan đến Chính phủ Việt Nam.

Hiện nay, Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép để tư vấn và phối hợp với thương vụ để giải quyết vụ kiện này. Kinh nghiệm của Hiệp hội Thép trong việc chống bán phá giá chưa có nhiều nhưng có thể học hỏi từ phía VASEP liên quan đến các vụ kiện của phía Hoa Kỳ đến cá tra và cá basa của Việt Nam.

- Để đẩy mạnh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ thì trong thời gian tới nên tập trung vào những mặt hàng nào thưa ông?

Ông Đào Trần Nhân: Chúng ta vẫn nên tập trung vào những mặt hàng truyền thống và những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ, hải sản và các mặt hàng nông sản. Nhưng phải nói thêm rằng Hoa Kỳ là thị trường lớn nhưng có những luật lệ vô cùng khắt khe, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.

Gần đây phía Hoa Kỳ mới đưa ra đạo luật mới mang tên "Đạo luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm". Vấn đề này thương vụ đã cảnh báo cho các doanh nghiệp và bộ, ngành trong nước để biết và chủ động hợp tác. Nhưng trước mắt phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần phải mời những chuyên gia của Mỹ sang để đào tạo cho doanh nghiệp về đạo luật mới này để tránh tình trạng xảy ra rồi mới lo chạy theo giải quyết.

Về phần mình, Thương vụ Hoa Kỳ sẽ nghiên cứu các biện pháp và luật pháp sở tại để hỗ trợ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, đặc biệt là nghiên cứu giải tỏa những khó khăn đối với những vụ kiện thương mại nếu xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Đức Duy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   2012: Nhiều thách thức với các thị trường xuất khẩu (14/12/2011)

>   Doanh nhân kêu cứu Bộ trưởng Vương Đình Huệ (14/12/2011)

>   Xuất nhập khẩu 2011 cán đích sớm, nhập siêu giảm mạnh (14/12/2011)

>   “Chìm xuồng” thí điểm thuê sếp cho doanh nghiệp nhà nước? (14/12/2011)

>   Sáng 14/12, VPF họp cổ đông chọn ghế "Tổng" (14/12/2011)

>   Vẫn chưa yên tâm đơn hàng dệt may 2012 (13/12/2011)

>   Nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Cuba (13/12/2011)

>   Chưa chính thức phát điện cạnh tranh vào 1/1/2012 (13/12/2011)

>   Vụ ACB đòi nợ Indochina Airlines: Bên bảo lãnh có lỗi (13/12/2011)

>   Yêu cầu các sở tài chính bình ổn giá dịp Tết 2012 (13/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật