Cảm nhận sức bền doanh nghiệp tư nhân
Cần tạo môi trường thuận lợi cho các DN tư nhân trong nước phát triển, vì cho dù khu vực này có ROE và ROA ở mức thấp nhất nhưng lại ổn định nhất trước các cú sốc liên tiếp tác động vào nền kinh tế.
Ngày 25/11/2011, Công ty CP báo cáo đánh giá Vietnam Report và báo VietNamNet đã chính thức công bố danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu năm 2011 - Bảng Xếp hạng VNR500 2011. Đây là năm thứ năm liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu, xếp hạng và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Trong suốt năm năm qua, việc công bố và vinh danh các doanh nghiệp trong Bảng Xếp hạng VNR500 đã góp phần tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp lớn - những "đỉnh cao" - của nền kinh tế Việt Nam. Và cũng trong khoảng thời gian đó, để có thể duy trì và có mặt trong BXH VNR500, các doanh nghiệp phải luôn nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra doanh thu và lợi nhuận ổn định. Và chính trong những trong nỗ lực đó họ sẽ tạo ra giá trị kinh tế đóng góp cho toàn xã hội. Chính vì vậy sự cạnh tranh để đạt được thứ hạng cao trong VNR500 là một sự cạnh tranh tốt đẹp cho nền kinh tế và xã hội.
Trong thời điểm cả nền kinh tế đang dần chuyển mình trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua với những mục tiêu tổng quát cùng một số chỉ tiêu chủ yếu vào đầu năm 2011, chúng ta cùng nhìn nhận lại bức tranh toàn cảnh của kinh tế Việt Nam qua lăng kính các doanh nghiệp lớn trong BXH VNR500 qua 5 năm công bố.
DN tư nhân ổn định nhất trước những cú sốc
Để đánh giá và đo lường hiệu quả quản lý tài sản, hiệu quả quản lý vốn và hiệu quả hoạt động, các chỉ tiêu sử dụng là ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản), ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) và tổng doanh thu.
Nghiên cứu Bảng xếp hạng VNR500, nhìn chung trong 5 năm qua, chỉ số này biến động không nhiều trong các doanh nghiệp lớn của toàn nền kinh tế, ngoại trừ trường hợp các doanh nghiệp FDI, đặc biệt ROA của khối doanh nghiệp FDI giảm mạnh kể từ năm 2008. Nguyên nhân là do lạm phát tăng cao và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động đến các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp tư nhân không có nhiều biến động đáng kể. Các doanh nghiệp nhà nước có ROA tăng vào năm 2009 và 2010 và trùng hợp với thời điểm Chính phủ tung gói kích thích để vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khi so sánh tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giữa các thành phần kinh tế qua các năm không có nhiều sự khác biệt như khi so sánh ROA. Sự khác biệt duy nhất đó là khác biệt về độ lớn của ROE và ROA do mẫu số của hai tỷ suất này khác nhau.
Biến động của hai chỉ số ROA và ROE phần nào phản ánh sự biến động nói chung của nền kinh tế, đặc biệt sự sụt giảm ROA và ROE của các doanh nghiệp FDI là một minh chứng cho thấy rõ nhất những cú sốc tiêu cực từ bên ngoài tác động lên nền kinh tế trong nước. Còn đối với 2 khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mặc dù cũng chịu tác động tiêu cực do lạm phát, lãi suất tăng cao, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng những chính sách kinh tế trong nước đã phần nào làm giảm tác động bất lợi của những cú sốc.
Từ phân tích này cho ra một gợi ý đối với chính sách, đó là cần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, vì cho dù khu vực này có ROE và ROA ở mức thấp nhất (điều này có thể phản ánh khối này ít nhận được ưu đãi hơn và sức ép cạnh tranh mãnh liệt hơn so với khối doanh nghiệp Nhà nước và khối doanh nghiệp FDI) nhưng lại ổn định nhất trước các cú sốc liên tiếp tác động vào nền kinh tế.
Trong khi đó, để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trưởng khác nhau. Tốc độ tăng tổng doanh thu năm 2010 đạt thấp nhất (8,62%), còn lại đạt ở mức độ khá cao, 37,5% năm 2008, 51% năm 2009 và 47% năm 2011. Kể cả khi đã tính đến tốc độ tăng giá của nền kinh tế thì các con số về tổng doanh thu cũng cho thấy Top 500 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.
Tập trung hoá cao và ít có biến đổi về ngành nghề
Trong 5 năm qua, số doanh nghiệp lớn nhất vẫn tập trung chủ yếu vào 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, với tỷ trọng tương ứng là 21,4% và 27,5%. Tiếp đến, Đồng Nai chiếm tỷ lệ trung bình trong 5 năm qua 8,4% trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Bình Dương chiếm tỷ lệ 5,8%. Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 3,52%, Hải Phòng chiếm 3,52%, Quảng Ninh chiếm 3,3%.
Bảng bên cạnh là tỷ trọng điểm phần trăm tăng giảm so với trung bình 5 năm. Màu vàng là khi năm đó tỷ trọng doanh nghiệp lớn hơn tỷ trọng trung bình trong giai đoạn 2007-2011, còn không có màu là khi tỷ trọng doanh nghiệp trong năm thấp hơn tỷ trọng trung bình. Có thể dễ dàng nhận thấy biến động tăng giảm của số doanh nghiệp qua bảng trên.
Trong 2-3 năm gần đây, số doanh nghiệp lớn nhất đều tăng tại Hà Nội và TP.HCM so với cả nước. Ngược lại với xu thế đó, tỷ trọng doanh nghiệp lớn nhất tại Đồng Nai và Bình Dương lại liên tục giảm.
Trong khi đó, trải qua 5 năm, nền kinh tế Việt Nam cũng ít chứng kiến sự biến động đáng kể về phân bổ ngành nghề thể hiện ở số doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam không có nhiều thay đổi khi phân theo ngành nghề hay lĩnh vực hoạt động.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tỷ trọng doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có chiều hướng tăng còn giảm trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản. Mặc dù, sự dịch chuyển rất nhỏ nhưng nếu xét trong một thời gian ngắn 5 năm thì điều này cũng cho thấy nhiều ý nghĩa. Nó phản ánh sự dịch chuyển trong cơ cấu nền kinh tế từ khu vực nông lâm thuỷ sản sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Tỷ trọng các doanh nghiệp lớn nhất trong BXH VNR500 phân theo lĩnh vực hoạt động, % |
|
Nguồn: Cơ sở dữ liệu Vietnam Report - VNR500. |
Như vậy, trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp lớn nói riêng gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các thách thức bắt nguồn từ các nhân tố bên trong cũng như bên ngoài. Bên trong, những phản ứng chính sách chưa được hiệu quả đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Bên ngoài, giá xăng dầu tăng cao, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra từ Mỹ năm 2008 và bây giờ là khủng hoảng nợ công châu Âu có ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp lớn - những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Từ phân tích dữ liệu 500 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam qua 5 năm 2007-2011, có thể nhận thấy rằng biến động ROE hay ROA của các doanh nghiệp phản ánh những nét lớn của nền kinh tế 5 năm qua. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc phần nào vào top 500 doanh nghiệp hàng đầu của nền kinh tế.
Điểm nổi bật khác là, các doanh nghiệp FDI hàng đầu chịu tác động bất lợi nhất từ các cú sốc bên ngoài so với các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các doanh nghiệp tư nhân khá ổn định dưới khía cạnh tỷ suất lợi nhuận trên tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Do đó, việc tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi và bình đẳng cho khối các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định vĩ mô cho nền kinh tế. Sự vững mạnh của một nền kinh tế chỉ có thể được nếu các doanh nghiệp của nó vững mạnh.
Buổi Lễ tôn vinh 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2011 cùng Diễn đàn VNR500 năm 2012 với chủ đề: Tầm nhìn chiến lược: Doanh nghiệp lớn và thách thức toàn cầu, sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2012 tại dinh Thống Nhất, TP.HCM. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua. |
Đức Lê
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|