Xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu: Lo thu tiền hàng thật nhanh
Xuất khẩu thuỷ sản sang hầu hết các thị trường, nhất là châu Âu đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Các doanh nghiệp thuỷ sản hầu như không bán được hàng và đang phải lo thu hồi công nợ, đồng thời tính toán sàng lọc lại khách hàng, ràng buộc hợp đồng để tránh bị mất trắng…
Sau mùa nhập khẩu thuỷ sản phục vụ lễ Noel, tết dương lịch cách nay hai ba tháng, khách hàng châu Âu, theo thông lệ, từ đầu tháng 12 sẽ chuẩn bị cho hai quý đầu năm sau. Tuy nhiên, năm nay mọi chuyện lại diễn ra không như thông lệ, việc chào bán các mặt hàng thuỷ sản sang hầu hết các quốc gia châu Âu, khu vực vốn chiếm 40% thị phần hầu như bị ngưng trệ.
Khách hàng ít tiền
Khá nhiều doanh nghiệp cá tra chấp nhận hạ giá từ mức 3,2 – 3,3 USD xuống còn 2,8 – 2,9 USD/kg philê nhưng ít có giao dịch thành công, vì khách hàng còn trả giá thấp hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty Agifish An Giang (AGF), cho biết lúc này chỉ có những công ty có hợp đồng dài hạn thì tiếp tục giao hàng, số còn lại tuy vẫn duy trì sản xuất nhưng chủ yếu để tạo công ăn việc làm, giữ chân công nhân và phải tồn kho.
Khủng hoảng kinh tế châu Âu làm hầu hết nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng về dòng vốn, các ngân hàng thắt chặt tín dụng, nhiều doanh nghiệp lớn bị hạ thấp định mức vay, đối với doanh nghiệp thuộc tốp nhỏ hơn thì bị ngưng. Ông Trần Văn Lĩnh, giám đốc công ty thuỷ sản Thuận Phước, Đà Nẵng nói rằng đây đang là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Các khách hàng lớn châu Âu đã thông báo với Thuận Phước rằng họ không còn nhận được các khoản vay, bảo trợ thanh toán từ ngân hàng. Còn nhà nhập khẩu nhỏ thì hầu như mất khả năng giao dịch. “Ai ai cũng gửi email là gặp khó khăn về dòng tiền”, ông Lĩnh nói thêm.
Hiện nay, các doanh nghiệp thay vì lo bán hàng lại phải rà soát lại công nợ, khách hàng và kiểm soát các điều khoản hợp đồng chặt hơn. Trước đây, doanh nghiệp cho biết các giao dịch thường có công nợ 30 – 45 ngày, thậm chí nhiều hợp đồng doanh nghiệp xuất khẩu để khách hàng bán hết mới trả tiền. Còn bây giờ, quy định bắt buộc hợp đồng phải thanh toán theo L/C, đặt cọc trước và hàng cập cảng thì nhà nhập khẩu phải chuyển tiền ngay. Ông Nguyễn Văn Ký còn cho hay, đã thực hiện biện pháp phân chia khách hàng ra thành nhiều nhóm A, B, C… để đánh giá năng lực trả nợ, mức độ rủi ro khi giao hàng cho họ. “Tất cả hợp đồng lúc này phải đặt cọc trước 20 – 30% tuỳ vào khách hàng ở nhóm nào. Hợp đồng cũng ghi rõ khi hàng cập cảng nhà nhập khẩu phải thanh toán hết đơn hàng”, ông nói.
Tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), ông Trương Đình Hoè cũng khẳng định có quá nhiều rủi ro khi bán hàng sang châu Âu vào giai đoạn này. Cho đến nay, Vasep chưa nhận được phản ánh tình trạng khách hàng mất khả năng thanh toán, nhưng có khá nhiều trường hợp chi trả không đúng hạn hợp đồng. “Phương thức mua bán bây giờ đòi hỏi phải lấy tiền liền, và doanh nghiệp cần thận trọng lựa chọn khách hàng”, ông Hoè khuyến cáo.
Trong nước khốn khó
Nhiều nhận định cho thấy thị trường châu Âu khó có khả năng hồi phục trước quý 1 năm sau. Doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, đồng euro tiếp tục mất giá nhanh trong vài tuần gần đây gây ra tâm lý hoang mang, bao trùm thị trường. Tình trạng này khiến cho các đơn hàng thuỷ sản mua cách nay hai ba tháng thanh toán bằng đồng đôla, đến nay, nhà nhập khẩu do sợ đồng euro tiếp tục mất giá nên phải hạ giá để đẩy bán ra nhằm thu hồi vốn, càng khiến mặt bằng giá thuỷ sản trong khối này hạ thêm nữa.
Ảnh hưởng thị trường nhập khẩu đang tác động khá mạnh đến trong nước. Ngoại trừ giá tôm do mùa nghịch còn giữ ở mức cao, còn cá tra hiện đang lao dốc không phanh. Ngày 15.12, người nuôi chỉ còn bán giá cá loại một ở mức 25.500 đồng, thấp hơn gần 4.000 đồng so với cuối tháng 11.2011. Theo tính toán thì giá nguyên liệu như vậy vẫn còn cao so với mức giá cá philê mà khách hàng trả. Qua khảo sát, hiện chỉ còn một số ít doanh nghiệp còn vốn tự có hoặc trong diện được ngân hàng giải ngân thì tiếp tục mua cá sản xuất. Doanh nghiệp nào không còn khả năng thì buộc phải chọn giải pháp cắt giảm tối đa công suất, thậm chí ngưng hoạt động vì lúc này người nuôi không bán cá chịu.
Theo thông tin từ doanh nghiệp, tháng 12 là thời điểm nhạy cảm nhất trong năm đối với rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuỷ sản. Họ sẽ phải chạy vạy, có khi phải chấp nhận chịu lỗ, bán giá thấp để thu tiền về đáo hạn ngân hàng. Điều này thể hiện rất rõ trong khoảng hai tuần trở lại đây khi cá tra, tôm xuất khẩu giảm giá nhanh.
Giới doanh nghiệp thuỷ sản còn dự báo sau tháng 12 này, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều vụ đổ vỡ, phá sản. Theo ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, năm 2012 ngành cá tra sẽ không còn hơn 120 doanh nghiệp xuất khẩu nữa, con số tồn tại dự báo sẽ rất thấp.
Hoàng Bảy
Sài Gòn Tiếp thị
|