Thứ Bảy, 17/12/2011 15:01

Cơ hội đã trở thành thách thức?

Trò chơi truyền hình (gameshow) đầu tiên, SV96, có màn đố vui ấn tượng, là tiền bối của chương trình “Hỏi Xoáy - Đáp Xoay” đang rất nóng bây giờ. Một đội chơi đưa ra chiếc hộp sắt vuông, trong đó đựng đầy đinh 10 phân, dựng lên tua tủa. Câu hỏi: hình ảnh biểu tượng cho cái gì?

Hồi đó chưa bạt ngàn đinh tặc để gợi liên tưởng, đội bị đố lúng túng. Câu trả lời làm khán giả quên luôn. Và chắc chắn không có câu trả lời nào hay hơn được đáp án: hình ảnh nền kinh tế Việt Nam, nơi ngành nào cũng muốn vươn lên làm ngành “mũi nhọn”!

Mười năm sau đó, Việt Nam thành công trong việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

“Có một thời như thế”

Những ngày cuối năm 2006, không khí đầy náo nức và lạc quan. Việt Nam - thành viên thứ 150, đứng trước cơ hội tiếp cận thị trường mênh mông của 149 thành viên còn lại. Dường như cả thế giới đang dồn cả vào Việt Nam. Năm 2007 chỉ tính riêng đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán đã ước đạt 4 tỉ đô la Mỹ. Cùng năm đó, luồng vốn FDI lập kỷ lục với 21 tỉ đô la Mỹ, song con số này chỉ bằng một phần ba vốn FDI năm 2008, với các dự án đăng ký hơn 71 tỉ đô la.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có một bước đi chiến lược và kịp thời bằng việc ra Nghị quyết số 16/2007/CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ (GAP) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Nội dung chính của GAP là đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và các hoạt động cụ thể mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện. GAP cũng yêu cầu các cơ quan này xây dựng, cụ thể hóa những yêu cầu, nhiệm vụ chung bằng một chương trình hành động riêng của mỗi cơ quan.

Những hội nghị cấp quốc gia được tổ chức khắp ba miền để phổ biến 75 nhiệm vụ chủ yếu theo 12 nhóm cơ bản của GAP, từ công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin về WTO; xây dựng pháp luật, thể chế; phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn tới an sinh xã hội và thậm chí là phát huy giá trị văn hóa dân tộc...Nhìn chung, đây là một kế hoạch toàn diện với kỳ vọng tạo ra được sự chuyển biến tích cực, kịp thời trong toàn bộ hệ thống các cơ quan hữu trách nhằm tận dụng những cơ hội, vượt qua được những thách thức, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, độ nóng của môi trường trong giai đoạn đầu gia nhập WTO lại không làm nóng sự thực thi kế hoạch hành động quốc gia. Sau một năm rưỡi, chỉ có khoảng 60% các kế hoạch cấp bộ, ngành, địa phương được xây dựng hoàn chỉnh. Về nội dung, đa số các kế hoạch này được đánh giá là bản sao của chính GAP, thể hiện ở việc lặp lại đầy đủ số nhóm vấn đề trong văn bản cấp trung ương. Người ta bắt gặp đề xuất các hành động phổ biến như xây cảng, dựng sân bay, lập trường đại học... ở hầu khắp các tỉnh thành. Thậm chí, nhiều địa phương cách TPHCM hay Hà Nội chỉ vài chục cây số, vẫn hăng hái đề nghị “phát triển thị trường chứng khoán”. Lợi thế so sánh, đặc trưng thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt, không ngăn được các kế hoạch mang hình hài sản phẩm đại trà, tới nỗi không đọc tên địa danh thì khó phân biệt kế hoạch của một tỉnh miền núi và một tỉnh đồng bằng.

Sự tản mát của các hành động chính sách là minh chứng cho việc lập kế hoạch theo phong trào, đồng thời sự trùng lặp nhiệm vụ cũng phản ánh tính yếu kém trong khả năng liên kết vùng, liên kết ngành. Yêu cầu lên danh mục ưu tiên những cơ hội cần tận dụng đã trở thành một thách thức khác bổ sung vào danh mục những thách thức sau gia nhập WTO. Thách thức này, đáng tiếc, từ thói quen “hoa thơm mỗi nơi hưởng một chút”, lại không thể “vượt qua”.

Quả cầu lơ lửng

Có người ví Việt Nam vào WTO giống như một khinh khí cầu, bay lên bằng cách hun lửa cho nóng giãy. Vừa lơ lửng thì đã va chạm với gió, sét, rồi kim châm. Nhìn qua thì có vẻ đúng. Năm 2007 chớm bùng nổ kinh tế đã gặp 2008 bão tài chính toàn cầu, tới mức năm 2009 phải tung gói kích thích ngót 8 tỉ đô la khiến lạm phát được đà bùng lên từ năm 2010 tới 2011.

Cũng cần phải thấy rằng, sau khi gia nhập WTO, nhiều vấn đề không được lường trước đã xảy ra. Có những vấn đề dự kiến sẽ xảy ra thì lại không hề xuất hiện. Vì thế, hội nhập kinh tế cần được xác định như một quá trình động, mở và linh hoạt. Thay vì ý nghĩ: đàm phán vậy là xong, xoa tay chờ mùa gặt, cần thông tỏ quá trình đó chỉ mới bắt đầu. Đi hết gần một nửa khoảng thời gian đáp ứng điều kiện của nền kinh tế thị trường (kết thúc năm 2018), Việt Nam đã chuẩn bị phải dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều dòng hàng hóa đến từ các nước trong khu vực (2014), và đây đều là những thách thức buộc phải chủ động giải quyết.

Thế nhưng sau giai đoạn hứng khởi ban đầu, các hoạt động liên quan tới WTO có xu hướng giảm đi, trong khi hiểu biết về WTO vẫn hạn chế, từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tới người dân. Thậm chí đã có ý kiến lo ngại rằng khi lứa cán bộ từng bôn ba đàm phán nghỉ hưu, lớp kế cận sẽ không giữ được kiến thức dày dặn về WTO như ngày nào. Từ góc độ chiến lược thì bản thân GAP, với phạm vi bao trùm hầu hết các lĩnh vực, cũng đã hoàn tất đa số các hành động chính sách từ năm 2010. Sự thiếu vắng một nghị quyết mới nối tiếp GAP không chỉ thể hiện khoảng trống của tư duy hội nhập, mà còn thể hiện sự lúng túng trong việc xác định đâu là những ưu tiên “mũi nhọn” của giai đoạn tiếp theo.

Bảo Bảo

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Yahoo! Khẳng định kết quả nghiên cứu thị trường internet di động (17/12/2011)

>   Thị trường điện thoại, máy tính vẫn tăng trưởng mạnh (17/12/2011)

>   Xuất khẩu thuỷ sản sang châu Âu: Lo thu tiền hàng thật nhanh (17/12/2011)

>   Xuất khẩu thủy sản đạt 6 tỉ đô la Mỹ (16/12/2011)

>   Ngành thép từng điêu đứng vì... tham tán (16/12/2011)

>   Vốn cho doanh nghiệp: Rất thiếu và rất… nhiều! (16/12/2011)

>   Khu công nghệ cao TPHCM: Xuất khẩu hơn 1,4 tỉ USD (16/12/2011)

>   Dự báo và giải pháp cho 3 lĩnh vực của nền kinh tế 2012 (16/12/2011)

>   ĐBSCL: Giá cá tra đồng loạt đi xuống (15/12/2011)

>   Sợ quản lý giá theo kiểu bao cấp (15/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật