Mua bán nợ và tài sản tồn đọng: Nút thắt cơ chế
Cùng với tái cấu trúc DN, hoạt động mua bán sáp nhập giữa các DN, trong đó có DNNN đang và sẽ diễn ra hết sức sôi động. Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN ông Phạm Thanh Quang - TGĐ Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) cho rằng: Tiến độ xử lý nợ và tài sản - một trong những khâu không thể thiếu trong mua bán sáp nhập DN thời gian qua chậm, kéo dài khiến nhiều DN khách nợ rơi vào cảnh “sống dở chết dở” bởi những nút thắt của cơ chế.
Ông Quang cho biết, là DN 100% vốn nhà nước, hoạt động của DATC phục vụ mục tiêu sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN. Bằng giải pháp và phương thức cơ bản là tập trung vào hoạt động mua bán nợ và tái cơ cấu DN, DATC giúp các DN cơ cấu lại tài chính, bảo đảm có vốn tiếp tục hoạt động cũng như đủ điều kiện chuyển đổi sở hữu. Đồng thời, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý giúp DN cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi được chuyển đổi sở hữu.
- Vậy sau 8 đi vào hoạt động, tính đến thời điểm hiện tại, DATC đã tái cấu trúc được bao nhiêu DN và hiệu quả đến đâu, thưa ông?
Đến nay, DATC đã thành chủ nợ của trên 100 DN, đồng thời thực hiện tái cấu trúc gắn với việc chuyển nợ thành vốn góp cho 70 DN khách nợ, còn lại đang xử lý khoảng 20 DN.
Sau khi được xử lý về tài chính, cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuyển đổi thành Cty cổ phần, hầu hết các đơn vị trên đều hoạt động có hiệu quả hơn trước khi tái cơ cấu như: giảm lỗ, hòa vốn, tiến tới có lãi, một số DN tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 20-30%, cổ tức tiền mặt 25- 30%. Một số DN đang trong quá trình thoái vốn. Trong đó, phải kể đến 1 số trường hợp điển hình như: Cty Sadico Cần Thơ, Cty Mía đường Sơn La, Cty cổ phần Đường Kon Tum, Cty Procimex Đà Nẵng... .
- Trên thực tế thời gian vừa qua, hoạt động mua bán sát nhập giữa các tổ chức, DN ngoài quốc doanh diễn ra khá phổ biến và nhanh chóng, tại sao hoạt động mua bán nợ đối với các DNNN vẫn ì ạch, thưa ông?
Hoạt động mua bán sát nhập giữa các DN ngoài quốc doanh là một hoạt động kinh tế bình thường dựa trên nhu cầu của cả hai bên và thường là giữa các DN cùng ngành nghề. Việc mua bán phần lớn chỉ đơn thuần bơm thêm tài chính, cơ cấu quản trị đưa người vào quản lý chứ không vướng phải các thủ tục pháp lý phức tạp và chồng chéo như với các DNNN.
Trong khi đó DN khách nợ của DATC thường là những DN rơi vào tình trang phá sản, một con nơ nợ rất nhiều chủ nợ, yếu toàn diện phức tạp hơn nhiều.
- Có thể nói trong thời gian vừa qua rất nhiều DN cần phải xử lý nợ tồn đọng và DATC được xem như là phao cứu sinh của DN đang trong tình trạng bế tắc. Tuy nhiên, hiện có khoảng 3/4 số vốn nhà nước cấp cho DATC chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, mà gửi vào ngân hàng. Tại sao lại có sự bất hợp lý như vậy, thưa ông?
Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN được Thủ tướng Chính ký Quyết định thành lập năm 2003, vốn điều lệ 2000 tỉ đồng do Ngân sách Nhà nước cấp và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/1/2004 với mục tiêu xử lý các khoản nợ tồn đọng và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, vật tư ứ đọng kém, mất phẩm chất (gọi tắt là nợ và tài sản tồn đọng) góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính DN, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DN nhà nước. |
Về mặt hình thức thì việc chúng tôi mua lại nợ chỉ là chuyển từ chủ nợ này sang chủ nợ khác không có ý nghĩa nhiều đối với DN bị mua. Vấn đề là phải xử lý DN yếu kém đó như thế nào. Bản thân DN yếu kém thua lỗ triền miên không thể vay được vốn nữa thì mới cần đến chúng tôi xử lý.
Cơ chế hiện nay lại không cho chúng tôi hỗ trợ DN khách nợ vốn. Mặc dù Luật DN không cấm và chúng tôi cũng có đề suất nhưng Bộ tài chính sợ rủi ro nên “phanh” lại. DN khách nợ khi tìm đến chúng tôi cũng giống như người bệnh “thập tử nhất sinh” vì vậy trước hết phải chữa bệnh. Muốn chữa bệnh thì phải có tiền, bồi bổ thì mới có sức “cày” để trả nợ.
Về phía người mua, đơn giản nếu mình mua một căn nhà cũ, muốn bán được giá thì cũng phải bỏ ra chút tiền tân trạng lại cho đẹp hơn thì mới dễ bán. Giám sát xử lý tồn tại, tài sản nào không cần dùng thì bán đi, xóa nợ sạch sẽ sau đó mới có thể huy động được vốn từ bên ngoài. Họ bỏ tiền vào thì chúng tôi mới rút tiền ra được để quay vòng làm tiếp các DN khác.
Vấn đề thứ hai trên thị trường nợ xấu hiện nay là NHNN không có quy định buộc các NHTM phải bán nợ nếu họ để tỷ lệ nợ xấu cao hoặc họ không đủ năng lực xử lý nợ xấu nên đa số NHTM còn e ngại trong bán nợ. Ngoài ra, nếu có chào bán nợ xấu thì họ đòi giá rất cao đến phi thực tế, 70% thậm chí cả 100% mệnh giá món nợ. Điều này khiến cho việc đàm phán rất mất thời gian, ảnh hưởng nhiều tới nỗ lực mua và xử lý nợ xấu của DATC. Có những trường hợp hàng năm trời chưa dứt điểm được. Chẳng hạn như Cty Dâu tằm tơ do kéo dài nợ đến 20 năm, tồn tại qua nhiều đời giám đốc nên đối chiếu hồ sơ chậm khó giải quyết dứt điểm, gây lãng phí và ảnh hưởng tới người lao động.
- Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 59/2006/QĐ-NHNN ban hành Quy chế mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng, điều này liệu có khắc phục được những hạn chế mà ông nêu ở trên?
Dự thảo đó nó mới chỉ mang tính quy trình chứ không có mang tính bắt buộc. Hiện nay đang tồn tại thực tế là có những khoản nợ của ngân hàng tồn tại hàng chục năm vẫn bị “treo” không bán. Như vậy “con nợ” cũng sống dở chết dở. Theo quy định hiện nay, các khoản nợ xấu phải đưa ngoài bảng tài sản, tức là nhà nước đã chịu một phần rồi nhưng ngân hàng cứ treo đấy không xử lý. Cứ để như vậy vừa làm không lành mạnh tài chính chính, ngân hàng vừa tốn kém nguồn lực xã hội. Trong khi đó, theo thông lệ thế giới đối với các DN như vậy phải xử lý tài sản đảm bảo cho phá sản để ngân hàng rất nhanh thu được nợ.
Chính vì vậy chúng tôi đang kiến nghị với NHNN là trong dự thảo thông tư này, nếu là nợ xấu nhóm 5 bắt buộc phải bán trong vòng 6 tháng - 1 năm; Đối với các khoản nợ xấu khác cũng phải có quy định thời gian cụ thể. Trong quá trình bán nợ, nếu không thỏa thuận được giá thì sẽ cố định giá theo tỉ lệ phần trăm nhất định với từng nhóm nợ xấu.
- Trong thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, DATC có sự chuẩn bị như thế nào để đồng hành cùng Chính phủ trong lộ trình này?
Mục tiêu của DATC chủ yếu vẫn tập trung vào các TCty, tập đoàn nhà nước.
Chúng tôi đang xây dựng đề án nâng cao năng lực cho DATC trong đó có tăng năng lực mua nợ, trước mắt là phải nâng từ Cty lên TCty đồng thời tăng quy mô vốn gấp đôi từ 2500 tỉ lên 5000 tỉ. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cần phải sớm có những cơ chế quy định cụ thể để hoạt động mua bán nợ được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Nam thực hiện
diễn đàn kinh tế việt nam
|