Nghị quyết Quốc hội: Ngành Tài chính và Ngân hàng triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng
Ngày 29/11/2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, ngành Tài chính và Ngân hàng được giao triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
Một là, thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất, kinh doanh và giá thành sản phẩm để đại biểu Quốc hội và nhân dân giám sát; năm 2015, thực hiện xong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành;
Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách bình ổn giá; gắn kết lưu thông phân phối với người sản xuất, bán lẻ; mở rộng đối tượng thực hiện đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa;
Ba là, cơ cấu lại và tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo hệ thống quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế;
Bốn là, thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước; kiểm soát tình trạng chuyển giá làm thất thu; xây dựng lộ trình giảm bội chi ngân sách nhà nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nợ công; kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và do địa phương vay.
Đối với lĩnh vực ngân hàng triển khai các nhiệm vụ sau:
Một là, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế; từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; bảo đảm không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế;
Hai là, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vốn cho sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp; điều hành tỷ giá theo tín hiệu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu và bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam;
Ba là, quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới; bảo vệ quyền sở hữu vàng của người dân; có chính sách huy động nguồn lực vàng trong nhân dân để phục vụ mục tiêu phát triển;
Bốn là, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất điện, xuất khẩu và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Năm là, giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; kiểm soát cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán và nợ xấu của ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng.
Hoàng Hà
sbv
|