Nhiều DN chưa áp dụng chuẩn báo cáo tài chính quốc tế
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi muốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do các DN chưa áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế.
Là một trong những tập đoàn lớn của Nhà nước, nhưng PetroViệt Nam lại gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế. Nguyên nhân chính lại chính nằm ở các chuẩn mực báo cáo tài chính. Bởi cho đến nay, những ngành đặc thù như Dầu khí, Năng lượng vẫn chưa có một hệ thống chuẩn mực BCTC theo thông lệ quốc tế, khiến nhà đầu tư nước ngoài phải mất nhiều thời gian mới đánh giá được các chỉ tiêu tài chính cũng như năng lực cạnh tranh của tập đoàn. Chính điều này đã cản trở tập đoàn tiếp cận với nguồn vốn quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN cũng thừa nhận, "Dầu khí là ngành có độ mở và hội nhập cao, đặc biệt trong thời gian tới phải thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, thị trường vốn quốc tế. Tuy nhiên, được họ quan tâm và đánh giá cao về năng lực tài chính, Petro phải sớm áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế. Còn chuẩn mực kế toán của Việt Nam hiện có một số điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, nên nhà đầu tư nước ngoài mất khá nhiều thời gian để tiếp cận với BCTC của chúng tôi".
Tuy nhiên, không chỉ những doanh nghiệp thuộc ngành Dầu khí, mà còn rất nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn hay các công ty đại chúng cũng rất thiếu các báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS). Theo kiểm toán Deloitte, hiện nay các thị trường vốn quốc tế như Singapore, Hongkong hay New York... đều yêu cầu các doanh nghiệp muốn huy động vốn từ những thị trường này phải cung cấp các BCTC theo chuẩn mực IFRS. Chính vì thế, để thu hút nguồn vốn ngoại một cách thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm áp dụng các chuẩn mực IFRS.
Ông David Anderson, Giám đốc điều hành công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte cho rằng: "Chuẩn mực kế toán Việt Nam sử dụng nguyên tắc chi phí để phân tích các nghiệp vụ kế toán và kết quả tài chính, trong khi chuẩn mực BCTC quốc tế sử dụng giá trị hợp lý. Ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ thấy họ phải lập 2 báo cáo, một báo cáo lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và một báo cáo lập theo chuẩn mực BCTC quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp sẽ phải chạy song song để đáp ứng yêu cầu của việc lập 2 báo cáo nói trên. Tuy đây là một quá trình không hề đơn giản, nhưng để thu hút được nguồn vốn lớn từ thị trường quốc tế thì các DN cần sớm đáp ứng được những yêu cầu này".
Petro Việt Nam cho biết, hiện đang xúc tiến làm việc với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp kiểm toán để xây dựng một chuẩn mực BCTC quốc tế cho các ngành dầu khí, năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm toán cho rằng, để giống như các nước phát triển khác, không chỉ có ngành dầu khí nói riêng, mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần sớm đi theo khung chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Khánh Ly
vtv
|