Thứ Tư, 30/11/2011 14:37

Mua bán nợ: Sức hút của thị trường 80.000 tỉ đồng

Kinh tế vĩ mô bất ổn đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội cho một nhóm nhà đầu tư. Đó là kiếm lời từ việc mua bán nợ.

Để tái cấu trúc doanh nghiệp, một trong những yêu cầu đầu tiên là xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng, làm sạch bảng cân đối tài chính. Vì thế, theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), thuộc Bộ Tài chính, vai trò của các công ty mua bán nợ lúc này rất quan trọng, quyết định một phần tiến độ tái cấu trúc, qua đó cũng mở ra cơ hội lớn phát triển thị trường nợ gần 80.000 tỉ đồng của Việt Nam.

Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC)

Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình tái cấu trúc, một công ty mua bán nợ như DATC đóng vai trò như thế nào?

Các doanh nghiệp nhà nước trong diện tái cấu trúc thường rơi vào 1 trong 2 nhóm. Một là nhóm doanh nghiệp kinh doanh tốt và có tài chính lành mạnh nhưng muốn tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn. Nhóm còn lại là những doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh nhưng tình trạng tài chính yếu kém, nợ nhiều và không có khả năng trả nợ. Vì thế, muốn tái cấu trúc thành công, điều đầu tiên là phải tăng cường sự lành mạnh nội tại của các doanh nghiệp này.

DATC là định chế được Thủ tướng Chính phủ thành lập với nhiệm vụ xử lý nợ tồn đọng để lành mạnh hóa tài chính doanh nghiệp nhà nước, nhất là những doanh nghiệp đang khó khăn về mặt tài chính thuộc diện chuyển đổi sở hữu.

Trong các khoản nợ của doanh nghiệp tái cấu trúc, có cả nợ phải thu lẫn nợ phải trả. DATC sẽ tập trung xử lý nhóm nợ nào?

Nợ phải trả là nghĩa vụ của doanh nghiệp phải trả cho các chủ nợ, chủ yếu là các ngân hàng. Đây là điểm rắc rối nhất cần phải xử lý khi tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém tài chính. Khi đó, công ty mua bán nợ phải đàm phán với các chủ nợ, đặc biệt là các ngân hàng, để mua lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Trên cơ sở quyền chủ nợ được kế thừa, công ty mua bán nợ sẽ đánh giá lại thể trạng doanh nghiệp để đưa ra phương án cơ cấu lại tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đàm phán với các chủ nợ để họ nhanh chóng đồng thuận bán nợ cho công ty mua bán nợ.

Như vậy, về cơ bản, DATC tập trung vào việc xử lý nợ phải trả của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có nợ phải thu thì DATC cũng có thể mua nợ phải thu để tạo dòng tiền đi vào doanh nghiệp để họ tiếp tục hoạt động.

Khi mua các khoản nợ của doanh nghiệp, DATC đã trở thành chủ nợ. Để sinh lời từ các khoản nợ đó, chắc chắn không phải khoản nợ nào DATC cũng mua?

Về bản chất, mua nợ xấu cũng là hoạt động đầu tư nên DATC phải đánh giá và chọn lựa khoản nợ nào có thể mua, mua với giá bao nhiêu và sau khi mua thì áp dụng biện pháp xử lý nợ nào để có được giá trị gia tăng cao nhất.

Đối với những doanh nghiệp còn tiềm năng phát triển nhưng hiện gặp khó khăn tài chính, DATC sẽ đàm phán mua nợ và sau đó thực hiện tái cấu trúc tài chính cho doanh nghiệp thông qua giải pháp như xóa nợ, khoanh nợ, chuyển một phần nợ thành vốn góp cổ phần, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược cùng góp vốn vào doanh nghiệp. Khi đó, với vai trò vừa là cổ đông (thậm chí là cổ đông chi phối) vừa là chủ nợ, DATC sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó tạo dòng tiền đi vào để có nguồn trả nợ.

DATC đã làm theo cách này đối với trên 40 doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã thành công. Thậm chí, có những doanh nghiệp (sau khi tái cấu trúc) đã đạt tỉ lệ sinh lời cao, chi trả cổ tức lên tới 30-40%/năm.

Có ý kiến cho rằng việc DATC mua nợ của doanh nghiệp nhà nước chẳng khác nào dùng vốn nhà nước để xử lý vốn doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác, chỉ là bỏ tiền từ túi này sang túi khác. Ông nghĩ gì về điều này?

Nói như vậy là không đúng bởi hoạt động mua và xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần là dòng tiền chạy từ đơn vị này sang đơn vị khác mà điều quan trọng là tạo ra giá trị gia tăng cho DATC, cho doanh nghiệp nhà nước (con nợ), cho chủ nợ cũng như mang lại nhiều tác động lan tỏa tích cực cho nền kinh tế. Nếu không có việc mua bán nợ, khoản nợ xấu sẽ tiếp tục nằm đó mà không sinh lợi, ngân hàng không thể thu hồi nợ, còn doanh nghiệp mắc nợ thì hoạt động không ổn định, thậm chí phải đóng cửa.

Công ty đã có nghiên cứu nào về các khoản nợ mà doanh nghiệp nhà nước phải trả cho ngân hàng và các đối tác?

Đối với mỗi đơn vị kinh doanh, nợ phải trả có thể bắt nguồn từ vay ngân hàng, từ giao dịch mua hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, nợ phải trả cho các ngân hàng thường chiếm tỉ trọng lớn trong tổng nợ của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xử lý nợ phải trả tại doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

Tổng dư nợ tín dụng cả nước hiện khoảng 2,4 triệu tỉ đồng và nợ xấu chiếm 3,2%, tương đương 76.000 tỉ đồng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong số nợ xấu này, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 50%, tức khoảng 38.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và những tổ chức độc lập, nếu tính đúng tính đủ thì con số nợ xấu trên thực tế còn lớn hơn gấp nhiều lần. Và nếu vậy, tình hình nợ xấu rất đáng báo động.

Thế nhưng, lượng vốn của DATC có hạn so với quy mô nợ xấu, nên sẽ rất khó khăn để xử lý các khoản nợ lớn của các doanh nghiệp nhà nước?

Đúng vậy. Bản thân một mình DATC không thể làm hết, mà cần nhiều chủ thể và cơ quan khác hỗ trợ, trong đó có các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà trước hết là chính các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng chủ nợ. DATC cũng được Thủ tướng cho phép phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh để mua các khoản nợ có quy mô lớn. Sự kết hợp như vậy mới có thể giải quyết được bài toán nợ xấu trên thị trường.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là thời điểm mang lại nhiều cơ hội cho thị trường mua bán nợ Việt Nam? Còn ông đánh giá như thế nào về thị trường này?

Thị trường nợ xấu có 2 loại là sơ cấp và thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, các ngân hàng (chủ nợ) bán nợ trực tiếp cho các nhà đầu tư ban đầu như DATC. Sau khi mua khoản nợ này, họ mới tiến hành các biện pháp xử lý nợ và bán lại khoản nợ vừa mua cho một hay một số nhà đầu tư khác (thị trường thứ cấp).

Thị trường nợ xấu Việt Nam nhìn chung rất tiềm năng. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế vĩ mô, tiền tệ bị thắt chặt, thị trường bất động sản bất ổn thì quy mô nợ xấu chắc chắn sẽ tăng cao. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác được thị trường này lại là chuyện khác.

Vậy theo ông, cần làm gì để phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam?

Nợ xấu Việt Nam thường có chất lượng rất kém. Thế nhưng, các ngân hàng lại đưa ra giá chào bán rất cao, lên đến 60-70% mệnh giá, thậm chí 100%, kể cả những khoản nợ không có tài sản bảo đảm. Với mức giá ấy, cung và cầu nợ xấu không thể gặp nhau.

Vì vậy, đối với các ngân hàng, cần thực hiện cơ chế “cây gậy và củ cà rốt” để vừa khuyến khích vừa buộc ngân hàng phải bán nợ. Nhưng trước hết bản thân từng ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước cần công khai minh bạch số liệu nợ xấu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần hiểu rằng chất lượng nợ xấu kém, nên mức giá bán đưa ra cần phải hợp lý để nhà đầu tư còn có cơ hội kiếm lời.

Đối với nhà đầu tư, cần đưa ra những chính sách ưu đãi về thuế, thẩm quyền riêng biệt của chủ nợ thứ cấp, quyền tham gia vào quản trị kiểm soát doanh nghiệp phải xử lý nợ... Quá trình xử lý tài sản đảm bảo nợ hay thanh lý tài sản doanh nghiệp cũng phải được đơn giản hóa thủ tục và có cơ chế để thực hiện nhanh chóng trong trường hợp phải phá sản doanh nghiệp. Những yếu tố đó rất cần thiết để giúp các nhà đầu tư thứ cấp hiểu rằng họ được khuyến khích và sẽ thu được lợi ích khi tham gia mua bán, xử lý nợ xấu.

Có lẽ hiện có ít đối tượng tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu. Theo ông, nên thu hút thành phần nào vào thị trường này?

Ngoài DATC là công ty xử lý nợ quốc gia, có khoảng gần 20 ngân hàng đã hình thành công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, tức đơn vị xử lý nợ xấu của chính ngân hàng đó. Bản thân các đơn vị này cũng được phép mua bán các khoản nợ xấu trên thị trường nhưng đến nay ít có vụ mua bán nợ nào được thực hiện.

Thời gian vừa qua, cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác mua bán nợ xấu nhưng sau đó không triển khai được bởi tính đặc thù của nợ xấu Việt Nam và tính thụ động của thị trường.

Trong khi đó, một thị trường nợ xấu, muốn hoạt động hiệu quả, cần có tính năng động và cạnh tranh lành mạnh với sự tham gia tích cực của nhiều chủ thể như Nhà nước, các ngân hàng, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian. Đặc biệt là cần khuyến khích sự góp mặt của các nhà đầu tư trong nước. Những đối tượng này khá am hiểu tình hình, nên dễ dàng hơn khi mua bán và xử lý nợ xấu.

Vũ Dũng

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Nhiều DN chưa áp dụng chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (30/11/2011)

>   Nâng cao chất lượng kiểm toán để bảo vệ môi trường đầu tư (29/11/2011)

>   Kho bạc Nhà nước huy động hơn 65.000 tỷ đồng (29/11/2011)

>   Tiệm vàng cất giữ hàng trăm ngàn USD (27/11/2011)

>   Cực hình từ tín dụng “đen” (24/11/2011)

>   Tỷ giá nhìn từ lương (22/11/2011)

>   Bất cập hệ thống ngân hàng gửi tới tân Thống đốc (18/11/2011)

>   Miếng pho-mát trên bẫy chuột! (17/11/2011)

>   Luật phòng chống rửa tiền: Đừng làm 'cho có' (17/11/2011)

>   Rửa tiền: “Đọc luật là lách được ngay” (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật