Thứ Tư, 14/12/2011 18:47

Sẽ có thêm nhiều công ty buộc phải kiểm toán

Theo Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực vào năm sau, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp buộc phải thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính, chứ không riêng gì công ty đại chúng, công ty niêm yết như hiện nay.

Đây là thông tin do ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết bên lề hội thảo lợi ích của kiểm toán độc lập và báo cáo tài chính chất lượng tổ chức tại TPHCM, hôm nay (14-12).

Cụ thể, ông Mai cho biết ngoài các doanh nghiệp buộc phải kiểm toán theo quy định từ trước đến nay, thì một số doanh nghiệp có lợi ích công chúng, loại hình doanh nghiệp mà báo cáo tài chính có ảnh hưởng trên phạm vi rộng, đến toàn xã hội như các công ty tài chính, trong đó có công ty chứng khoán, bảo hiểm, các tổ chức tín dụng, thì phải được kiểm toán báo cáo tài chính, vì nếu các công ty này làm ăn thất bại, đổ vỡ thì ảnh hưởng đến rất nhiều người. Yêu cầu kiểm toán đối với các công ty này rất cao và nhiều điều kiện ràng buộc rõ ràng, cụ thể để thông tin đến với công chúng phải minh bạch và chuẩn xác hơn. Bên cạnh đó, đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần có quy mô lớn do chính phủ quy định các tiêu chí thì cũng phải yêu cầu kiểm toán.

Để có đủ lực lượng kiểm toán viên phục vụ cho việc kiểm toán nếu số lượng doanh nghiệp buộc phải kiểm toán tăng mạnh, ông Mai cho rằng một số tiêu chuẩn hành nghề kiểm toán cũng được mở rộng như với kiểm toán viên, sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính, kiểm toán có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề ngay, thay vì phải sau 3 năm làm việc mới được thi như hiện nay. Điều này sẽ tăng số lượng kiểm toán viên cho thị trường.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp hành nghề kiểm toán cũng được quy định chặt hơn. Trước đây chỉ cần 3 người có chứng chỉ hành nghề kiểm toán thì được mở công ty kiểm toán, nay phải có ít nhất 5 người. Vốn điều lệ cũng được quy định phải 5 tỉ đồng, tránh trường hợp doanh nghiệp có vốn vài trăm triệu cũng mở công ty kiểm toán, dễ xảy ra sai phạm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp được kiểm toán.

Tuy vậy, ông Mai khẳng định, dù Luật Kiểm toán độc lập ra đời sẽ giúp cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm soát chặt chẽ hơn, do công ty kiểm toán phải nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, nhưng đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tính trung thực, hợp lý khi xây dựng báo cáo tài chính. Nếu doanh nghiệp lập báo cáo tài chính vì những lợi ích riêng,  thì kiểm toán viên cũng chỉ giảm bớt được một số các sai phạm, chứ không thể phát hiện được hết. Và nhà đầu tư cũng nên hiểu về chuyên môn kiểm toán để đọc báo cáo của doanh nghiệp. Vì chỉ khi những đối tượng này đòi hỏi cao thì doanh nghiệp mới minh bạch hơn trong báo cáo tài chính của mình.

Có mặt tại hội thảo, ông Bill Palmer, Giám đốc khu vực châu Á của Hiệp hội nghề nghiệp của các kiểm toán viên công chứng Úc (ICAA) cho rằng, việc Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành vào năm sau đã nâng cao được chuẩn mực đối với các hoạt động kiểm toán, có cơ sở để công ty kiểm toán hoạt động.

Đồng thời ông Bill Palmer còn nói, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi cách nhìn khi thuê một công ty kiểm toán, ngoài việc nhìn vào chất lượng, uy tín của công ty thì phải nhìn vào năng lực kiểm toán viên, người trực tiếp thực hiện hợp đồng kiểm toán với doanh nghiệp, vì đây mới là người thực sự có ý kiến vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Và kiểm toán viên phải là người hiểu rõ ngành nghề kinh doanh của công ty để nhìn rõ được vấn đề đang tồn tại và đưa ra ý kiến tư vấn. Đồng thời, về phí kiểm toán, doanh nghiệp nên chọn công ty kiểm toán có mức phí không quá thấp, vì thường điều này ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán.

Còn với cơ quan nhà nước, ông Mai cho rằng Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhưng tính đồng bộ, kịp thời chưa đạt được, đặc biệt khâu kiểm soát, xử lý sai phạm không chặt chẽ, tạo ra sự lờn thuốc.

Theo VACPA, tại Việt Nam hiện có 170 công ty kiểm toán, nhưng chỉ có 10-15 công ty lớn, hoạt động mạnh, trong nhóm này có 4 công ty quốc tế là KPMG, Deloitte Touche Tohmatsu, PricewaterhouseCoopers, Ernst&Young. 4 công ty này đã chiếm đến 70% thị phần, 20 công ty trong nước chiếm khoảng 20% thị phần, số lượng lớn các công ty còn lại chỉ chiếm khoảng 10% thị phần.

Một công ty trong nhóm 4 công ty lớn có giá phí bình quân 380 triệu đồng/hợp đồng kiểm toán, các công ty Việt Nam có giá phí từ 35-50 triệu đồng. Theo bộ hồ sơ kiểm toán mẫu mà VACPA xây dựng thì mức phí phải trên 50 triệu đồng mới thực hiện được đầy đủ các thủ tục kiểm toán.

Thanh Hương

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chi phí huy động vốn quốc tế của Việt Nam lên tới 9 - 10%/năm (12/12/2011)

>   Bình tĩnh với đồng euro (08/12/2011)

>   Nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng tại Vidifi (07/12/2011)

>   Ngành ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm (02/12/2011)

>   Nghị quyết Quốc hội: Ngành Tài chính và Ngân hàng triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng  (01/12/2011)

>   WB: 'Nợ Vinashin không ảnh hưởng tới tài trợ cho VN' (01/12/2011)

>   Mua bán nợ: Sức hút của thị trường 80.000 tỉ đồng (30/11/2011)

>   Nhiều DN chưa áp dụng chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (30/11/2011)

>   Nâng cao chất lượng kiểm toán để bảo vệ môi trường đầu tư (29/11/2011)

>   Kho bạc Nhà nước huy động hơn 65.000 tỷ đồng (29/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật