Chủ Nhật, 18/12/2011 08:45

Cần hình thành thị trường mua bán nợ

Nhiều chuyên gia cho rằng nợ và tài sản DATC mua, bán là một loại hàng hoá kinh doanh nên việc tạo dựng thị trường mua bán nợ là yếu tố không thể thiếu.

Xuất hiện trong dự thảo báo cáo của Đảng uỷ khối DN Trung ương mới đây, những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đáng để giật mình: gần 8.000 tỉ đồng nợ ở tập đoàn Điện lực; khoảng 1.500 tỉ đồng của TCty Xăng dầu, hay hơn 600 tỉ đồng với TCty Hàng hải... Và, đằng sau những con số lỗ lớn của nhiều tập đoàn, TCty là câu chuyện về nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Nợ xấu ngày càng tăng

Theo ông Deepak Mishra – kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới (WB) hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.

Đến nay, tổng dư nợ tín dụng cả nước hiện khoảng 2,4 triệu tỉ đồng và nợ xấu chiếm 3,2%, tương đương 76.000 tỉ đồng. Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, trong số nợ xấu này, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 50%, tức khoảng 38.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và những tổ chức độc lập, nếu tính đúng tính đủ thì con số nợ xấu trên thực tế còn lớn hơn gấp nhiều lần. Và nếu vậy, tình hình nợ xấu rất đáng báo động.

Điều đáng quan tâm là trong lúc nợ xấu ngân hàng tăng nhanh thì việc mua bán nợ xấu theo quyết định 59/2006/QĐ-NHNN chưa đáp ứng nhu cầu, có nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Khi DN mất khả năng trả nợ, việc giải chấp các tài sản đảm bảo cũng không đơn giản. Vì thế, các định chế nước ngoài rất ít hoặc chưa muốn tham gia vào lĩnh vực này do e ngại rủi ro mua tài sản rồi về sau không bán được.

Thực tế này không chỉ gây khó cho các ngân hàng mà nó còn là một dấu hiệu đáng lo ngại cho cả nền kinh tế. Bởi lẽ, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên, tín nhiệm quốc gia giảm xuống, định hạn của các tổ chức tín dụng VN hạ xuống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh VN trên thế giới.

Hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.

Tạo dựng thị trường

Hiện tại, việc mua và xử lý nợ tại VN chủ yếu dựa vào Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC). Theo số liệu của DATC, đến cuối năm 2010, giá trị các khoản nợ thông qua hoạt động mua bán nợ và tài sản mà công ty đã thu hồi là 1.597 tỉ đồng, bằng 85,5% số nợ đã mua; doanh thu bán tài sản đã mua là 464 tỉ đồng.

Có thể thấy, con số này chưa thấm vào đâu so với thị trường nợ hiện tại. Nhưng dù sao, thông qua hoạt động của mình, DATC đã giúp các ngân hàng và chủ nợ xử lý một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để cổ phần hoá DNNN, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập.

Những việc này tạo tiền đề cho việc hình thành thị trường mua bán nợ. Vấn đề quan trọng là cho đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DATC chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, hạn chế.

Theo ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên phó cục trưởng cục Tài chính DN (bộ Tài chính), để tăng cường xử lý chuyện nợ nần, cần xem nợ và tài sản DATC mua, bán là một loại hàng hoá kinh doanh của Cty, thuộc tài sản của DN. Vì theo tinh thần của văn bản luật hiện nay (thông tư 39/2004/TT-BTC và thông tư 38/2006/TT-BTC...) thì nợ vẫn được xem là tài sản của nhà nước. Mặt khác quy định mua, bán xử lý các khoản nợ mua theo thoả thuận là chưa đúng bản chất của hoạt động này.

Theo luật DN, nhà nước với tư cách là chủ sở hữu cấp vốn điều lệ cho DATC và DATC chịu trách nhiệm dân sự trong phạm vi số vốn đó. Tài sản (trong đó có hàng hoá) là tài sản của DN, DN chịu trách nhiệm dân sự bằng toàn bộ tài sản đó.

Thế nhưng, trên thực tế, theo đánh giá của nhóm tư vấn chính sách Tài chính thì chủ sở hữu còn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, nhất là hoạt động mua bán nợ. Vì vậy, cần đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng cho hoạt động của DATC, nâng cao tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của DATC, đồng thời vẫn bảo đảm sự giám sát của chủ sở hữu.

Đề xuất giải pháp cho việc tái cơ cấu nợ, nhiều chuyên gia cho rằng nợ và tài sản DATC mua, bán là một loại hàng hoá kinh doanh nên việc tạo dựng thị trường mua bán nợ là yếu tố không thể thiếu. Theo đó, thị trường mua bán nợ nên có sự tham gia một số Cty mua bán nợ của nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài nhà nước. Trong đó, có thể DATC làm đầu tàu trong mô hình và nên mở rộng phạm vi hoạt động xử lý nợ đúng với tầm vóc của Cty xử lý nợ quốc gia.

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   ‘Nên biết chung sống với những cú sốc’ (16/12/2011)

>   Sẽ có thêm nhiều công ty buộc phải kiểm toán (14/12/2011)

>   Chi phí huy động vốn quốc tế của Việt Nam lên tới 9 - 10%/năm (12/12/2011)

>   Bình tĩnh với đồng euro (08/12/2011)

>   Nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng tại Vidifi (07/12/2011)

>   Ngành ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm (02/12/2011)

>   Nghị quyết Quốc hội: Ngành Tài chính và Ngân hàng triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng  (01/12/2011)

>   WB: 'Nợ Vinashin không ảnh hưởng tới tài trợ cho VN' (01/12/2011)

>   Mua bán nợ: Sức hút của thị trường 80.000 tỉ đồng (30/11/2011)

>   Nhiều DN chưa áp dụng chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (30/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật