Hàng không Việt Nam: Lùi một bước để... lùi tiếp?
Tới thời điểm này, việc Jetstar Pacific sẽ do Vietnam Airlines quản lý và chi phối thông qua việc được chuyển giao phần vốn Nhà nước từ SCIC đã rõ ràng. Nếu chỉ nhìn từ khía cạnh thị trường, rất nhiều người lo ngại tính cạnh tranh sẽ bị triệt tiêu khi hai hãng hàng không lớn nhất và chiếm gần toàn bộ thị phần hợp nhất, dù bất kỳ hình thức nào.
Thua lỗ nhưng vẫn... mừng?
Mới chỉ ra đời năm 2004 chính từ các cổ đông sáng lập là Vietnam Airlines (VNA) và Saigontourist với phần vốn chủ yếu do VNA quản lý nhưng sự xuất hiện của Pacific Airlines đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành hàng không Việt Nam, khi về mặt hình thức, đã có cạnh tranh - yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường phát triển. Và yếu tố hình thức đó đã nhanh chóng chuyển sang thực chất khi hãng hàng không Úc Qantas mua lại 27% thị phần của Pacific Airlines năm 2007 và đổi tên thành Jetstar Pacific, đồng thời chuyển hẳn sang mô hình hàng không giá rẻ.
Không ai có thể phủ nhận sự xuất hiện và hoạt động của Jetstar Pacific đã mang lại một luồng sinh khí mới cho thị trường hàng không Việt Nam. Nếu như trước đây, việc đi lại bằng máy bay chủ yếu dành cho những doanh nhân, quan chức và phương tiện đi lại chủ yếu của đại đa số người dân trên những hành trình dài là ôtô, tàu hoả, thì cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Jetstar Pacific đã mang đến những cơ hội đi máy bay cho đại bộ phận người dân có nhu cầu. Chỉ cần có kế hoạch đi lại tốt, người dân hoàn toàn có thể bay nội địa với giá vé rất thấp, chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí là 15.000 cho đường bay Hà Nội - TP.HCM.
Khi đó, thị trường hàng không đã chấm dứt cảnh 'một mình một chợ' của VNA và buộc đại gia này phải tham gia cuộc cạnh tranh về giá, linh hoạt nhiều khung giá vé khác nhau nhằm thu hút, giữ chân những nhóm hành khách có thu nhập trung bình, thấp. Cuộc cạnh tranh chưa đến độ quyết liệt nhưng rõ ràng, đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường hàng không trong xu hướng thị trường mà Việt Nam đang theo đuổi.
Tuy nhiên, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với những bất cập về cơ chế, quản trị đã khiến Jetstar Pacific lâm vào cảnh thua lỗ triền miên. Trong bối cảnh đó, 80% vốn của nhà nước tại đây do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC quản lý cũng bị thâm thụt nặng nề, buộc các cơ quan quản lý phải quyết định chuyển giao quyền quản lý phần vốn này sang một đơn vị có kinh nghiệm hàng không - chính là VNA.
VNA tiếp quản vốn, thị trường có bước lùi?
Cho tới thời điểm này, việc VNA sẽ tiếp quản vốn của SCIC trong Jetstar Pacific là chắc chắn, nhưng phương án tiếp quản ra sao vẫn chưa được công khai. Có hai phương án được đưa ra là Jetstar Pacific sẽ sáp nhập vào VNA hoặc Jetstar Pacific sẽ vẫn hoạt động độc lập, VNA giữ vai trò quản trị, điều hành vốn Nhà nước. Nhiều người nghiêng về phương án thứ hai bởi nếu Jetstar Pacific sáp nhập, phía đối tác Qantas sẽ phải thoái vốn nhưng cho tới thời điểm này, chưa có thông tin nào cho thấy hãng hàng không Úc định rút khỏi thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, dù VNA tiếp quản phần vốn của SCIC theo phương án nào thì hãng hàng không đang chiếm 80% thị phần này sẽ thâu tóm tiếp 17% của Jetstar Pacific và điều này khiến nhiều người lo ngại yếu tố độc quyền sẽ trở lại, người tiêu dùng không còn cơ hội lựa chọn và thị trường thụt lùi.
Dẫu vậy, có lẽ các cơ quan quản lý, Chính phủ đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định chuyển giao quyền quản lý vốn cho VNA và đương nhiên, các yếu tố về thị trường và phát triển của cả hai hãng đã được tính đến. Nhờ kinh nghiệm và tiềm lực mạnh cả về tài chính và quản trị, VNA có thể giúp Jetstar Pacific thoát dần khỏi cảnh khó khăn mà vẫn theo định hướng hàng không giá rẻ.
Hơn tất cả, người tiêu dùng mong muốn sự thay đổi về đơn vị quản lý vốn trong Jetstar Pacific không cắt đi những quyền lợi chính đáng của chính họ.
Quỳnh Trang
vnmedia
|