Nợ xấu… liên ngân hàng!
Trong khi nhiều NHTM đang đau đầu xử lý nợ xấu gia tăng do chất lượng tín dụng ở những khoản vay của doanh nghiệp sụt giảm, không ít nhà băng lớn đang “ngồi trên lửa” trước xu hướng phát sinh nợ xấu trên thị trường liên NH mà lâu nay chưa hề có tiền lệ. Do vậy không ít NHTM lúng túng trong xử lý.
Chủ nợ “bất đắc dĩ”
Trong số báo gần đây, ĐTTC có bài “Chợ đen liên NH”, phản ánh những bất ổn trên thị trường liên NH như lãi suất, tài sản thế chấp, nợ xấu… và thực tế đang xảy ra. Trưởng phòng nguồn vốn của NH D., cho biết NH ông cấp hạn mức tín dụng tín chấp cho NH T. trên liên NH không quá 300 tỷ đồng.
Thế nhưng NH T. liên tục khất nợ và xin gia hạn trả nợ. NH D. phải cử đại diện qua NH T. thỏa thuận và liên tục gửi văn bản báo cáo tình trạng này với NHNN nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi được nợ. Không chỉ NH D. rơi vào tình trạng này mà hiện nay nhiều NH lớn đang là chủ nợ “bất đắc dĩ” của các NHTM nhỏ.
Sở dĩ các NHTM đang lúng túng trong xử lý nợ xấu vì thực tế nhiều năm qua trên thị trường liên NH chưa bao giờ xảy ra tình trạng vay rồi không trả. Ngay như giai đoạn khó khăn năm 2008 lãi suất vay cao cũng không đến mức không có khả năng trả. Còn hiện nay doanh số các NHTM nợ nhau không trả được rất lớn.
TS. PHAN THANH HẢI, chuyên gia NH |
Theo lãnh đạo NH D., vấn đề khó xử hiện nay là không biết hạch toán khoản nợ này vào đâu. Với nợ xấu phát sinh khi cho vay khách hàng là cá nhân, tổ chức kinh tế đã có chuẩn hạch toán các nhóm nợ theo Quyết định 493 của NHNN.
Nhưng với nợ xấu phát sinh từ cho vay các TCTD lại chưa có tiền lệ nên mỗi NH tự xử lý mỗi kiểu. Nếu hạch toán vào nợ xấu theo Quyết định 493 NH lo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thêm, càng gây khó cho NH trong phát triển thời gian tới. Do vậy, nhiều NHTM buộc phải “treo” vào tài khoản tiền gửi kỳ hạn dài.
Theo nguồn tin riêng của ĐTTC, hiện có ít nhất 5 NHTM nhỏ có trụ sở ở TPHCM là con nợ lớn trên liên NH, như T., T., W., P. và N.. Khu vực phía Bắc có 2 NHTM là B. và G.. Nhiều NHTM là chủ nợ cho biết, đầu tiên thỏa thuận với con nợ về việc gia hạn kỳ hạn trả nợ, sau đó chuyển văn bản thông báo phạt 150% lãi suất cho vay và yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp.
Đến khi đó, NH vay vốn không bổ sung tài sản thế chấp, NH cho vay chỉ còn biết gửi văn bản báo cáo lên NHNN. Được biết, có NH cho NH bạn vay 180 tỷ đồng nhưng được trả nợ theo kiểu “nhỏ giọt”, mỗi ngày 2-3 tỷ đồng. Dù ít nhưng chủ nợ cũng đành chịu vì như vậy còn đỡ hơn không nhận được đồng nào.
Chưa kể trường hợp con nợ là NH đang nằm trong diện bị NHNN giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Theo đó NH này bị quản chặt lượng tiền vào ra, chỉ ưu tiên chi trả cho khoản tiền gửi đến hạn trên thị trường dân cư. Điều này đồng nghĩa với việc nợ vay trên liên NH cũng phải tiếp tục gia hạn.
Mới đây, nhiều NHTM nhỏ ký hợp tác chiến lược với NH lớn, trong đó NH lớn cam kết hỗ trợ NH nhỏ về thanh khoản. Tuy nhiên, theo các NHTM nhỏ đây chỉ là chiêu tiếp thị giữa các NHTM với nhau. Bởi lẽ, nếu hỗ trợ sẽ không có chuyện một số NH nhỏ vẫn thất tín trên thị trường liên NH như hiện nay.
Nhiều NH là chủ nợ cho rằng các NH là con nợ có khả năng trả nhưng vẫn cố tình trì hoãn, một phần do lo ngại khó vay lại được hoặc nếu vay phải thế chấp, phần khác giữ vốn vay này mang cho vay lãi suất cao ở NHTM khác.
Chạy thanh khoản bằng ngoại tệ “lạ”
Thời gian gần đây, NHNN tích cực bơm tiền qua thị trường mở (OMO) nhưng tác dụng đến thị trường liên NH không nhiều. Bởi thời điểm này NHTM lớn không dám bơm vốn cho vay liên NH nhiều dù cho vay lãi suất nào NHTM nhỏ cũng chấp nhận.
Việc này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng “tự cấp tự túc”, nguồn vốn NH cuối năm tắc nghẽn dẫn đến việc khó đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm tăng cao của nền kinh tế.
Một diễn biến khá lạ gần đây trên thị trường tiền gửi là lãi suất huy động các loại ngoại tệ “lạ” như EUR, AUD, CAD... tăng nóng. Trước đây, chỉ NH nước ngoài và một số ít NH nội địa như Eximbank, VCB, ACB… huy động các loại ngoại tệ này với lãi suất khá thấp dưới 1%/năm.
Những NHTM này vốn có thế mạnh ở mảng cung cấp dịch vụ du học, thanh toán quốc tế nên có nhu cầu cho vay cũng như thanh toán các loại ngoại tệ nên việc họ huy động ngoại tệ “lạ” là điều dễ hiểu. Nhưng “lạ” ở chỗ nhiều NHTMCP khác cũng nhảy vào tham gia, đẩy lãi suất huy động các loại ngoại tệ lên 3-4%/năm.
Theo một lãnh đạo Eximbank, hiện nay lãi suất một số ngoại tệ “lạ” trên thị trường thế giới đang cao nên NH phải điều chỉnh tăng theo cho phù hợp. Tuy nhiên, điều cốt yếu là thị trường hiện đang rất khan vốn tiền đồng nên dù là ngoại tệ “lạ” cũng có thể tạo ra thanh khoản tiền đồng cho NH, thông qua việc thế chấp ngoại tệ “lạ” cho NH khác để vay tiền đồng.
Hơn nữa, hiện nay lãi suất huy động ngoại tệ “lạ” chưa bị khống chế trần như lãi suất huy động VNĐ và USD, do vậy các NHTM tăng lãi suất huy động ngoại tệ “lạ” nhằm hút vốn ngoại tệ. Không chỉ ngoại tệ “lạ” tăng lãi suất mà các NHTM cũng chạy đua huy động vàng với lãi suất khá cao để dùng thế chấp vay vốn trên thị trường liên NH. Diễn biến mới này khiến nhiều người lo ngại thời gian tới sẽ xảy ra hiện tượng người dân rút tiền đồng và chuyển sang gửi bằng EUR, AUD, CAD hay vàng để hưởng lợi.
Ngay cả khi các loại ngoại tệ “lạ” chưa phải là đồng tiền ưa chuộng của giới đầu tư trong nước, nhưng việc đua nhau nâng lãi suất huy động ngoại tệ và vàng đang đi ngược với mục tiêu chống USD hóa và vàng hóa của Việt Nam.
Thanh Như
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|