Chủ Nhật, 20/11/2011 17:17

Nuông chiều ngân hàng yếu?

"Năm 2012, hoàn toàn có cơ sở để gỡ bỏ trần lãi suất huy động tiền đồng 14%/năm, nhưng trước tiên phải tái cấu trúc lại hệ thống tài chính trước khi nghĩ tới chuyện này".

TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) – Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia nhận định như vậy khi trao đổi với PV báo điện tử Infonet.

Nuông chiều ngân hàng yếu?

Có cơ sở để bỏ trần lãi suất

-Mức lãi suất trần huy động 14%/năm đã được cơ quan điều hành duy trì khá lâu, khiến nhiều ngân hàng (NH) vừa qua lâm vào cảnh khốn khó. Theo ông, bối cảnh kinh tế năm 2012 có đủ điều kiện để gỡ bỏ mức trần này?

Quan điểm cá nhân của tôi từ trước tới nay vẫn không ủng hộ duy trì mức trần lãi suất huy động. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, mức trần lãi suất huy động hiện nay lại đang tạo ra một “không gian” để thanh lọc lại các NH, phân loại rõ rệt NH nào sức khỏe ra sao.

Xét về tình hình tương quan chung của nền kinh tế, năm 2012 lạm phát dự báo sẽ ở quanh mức 10%, lãi suất không còn là sức ép lớn… việc bỏ trần lãi suất huy động tiền đồng 14%/năm suốt thời gian dài qua, theo tôi là hoàn toàn có cơ sở.

Thế nhưng, việc các doanh nghiệp (DN) thời gian qua không huy động được vốn thông qua lãi suất, không đơn thuần là do ngân hàng (NH) khó khăn trong nguồn huy động. Một nguyên nhân khác, là do một số NH khi huy động được vốn từ dân cư lại chỉ mở “hầu bao” cho một số ít DN thuộc các dự án bất động sản “ruột”. Điều này dẫn tới hệ lụy là các NH lộ rõ “sức khỏe” yếu khi thị trường bất động sản rơi vào cảnh đóng băng.

Vậy nên, tôi cho rằng, gỡ bỏ được trần lãi suất huy động hay không, trước tiên phải tái cấu trúc lại hệ thống NH.

-NHNN vừa ban hành Thông tư số 35/2011/TT-NHNN quy định việc công bố và cung cấp thông tin của NHNN. Theo đó, từ ngày 1/4/2012, sẽ công khai nợ xấu của các ngân hàng. Mục tiêu minh bạch hóa thông tin có thực hiện được, khi ngay chính các NH đang lúng túng trong phân định cách tính nợ xấu?

Để hấp dẫn và giữ chân các nhà đầu tư (NĐT) buộc các NH phải công bố những con số đẹp nhất. Nợ xấu, khó khăn NH hiện nay là hiện hữu, có thật chứ không chỉ đơn thuần là điểm mặt các con số.

Thước đo thị trường là thanh khoản và giá trị thực. Bối cảnh hiện tại thì tôi không tin về các con số nợ xấu công bố trong báo cáo của NH.

Còn việc các NĐT tiếp tục đầu tư hay rút vốn tại NH là do sự quyết định của họ. NĐT nào cũng đủ tỉnh táo và khôn ngoan để đánh giá đúng thực chất về chất lượng con số mà các NH công bố. Quyết định đi hay ở của các NĐT cũng giúp quá trình tự sắp xếp lại thị trường NH diễn ra nhanh hơn.

-Cơ cấu lại các khoản nợ của NH, ngoài việc thúc đẩy mua bán các khoản nợ, có ý tưởng đưa ra: phát hành chứng khoán nợ giá thấp bán cho các cổ đông NH. Theo ông, đây có phải là cách khôn ngoan?

Giải pháp này cũng có thể là công cụ để xem xét. Nhưng nếu “gói” các khoản nợ lại, rồi chứng khoán hóa và đẩy nó ra thị trường, trong hoàn cảnh hiện tại thông tin định giá sản phẩm là khó. Thêm nữa, khi người mua tham gia mua – bán mà không nắm được thông tin một cách chính xác thì sẽ tích lũy rủi ro. Lúc đó, liệu pháp này lại là con dao hai lưỡi, chuyển rủi ro từ một số ông chủ trực tiếp của NH sang một số ông chủ mới.

Đây là một cuộc chơi trên thị trường, nếu làm, tôi cho rằng, chỉ nên thử nghiệm ở mức độ quy mô vừa và nhỏ, và thuần túy là thị trường tự do, tư nhân, không có sự tham gia của Nhà nước, vì sẽ ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cần sự giám sát chặt chẽ, minh bạch thông tin, mà điều này Việt Nam hiện chưa làm được.

NHNN đang “chiều” NH yếu?

-Ông nhìn nhận thế nào về một số động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây: tuyên bố không để NH nào phá sản, nới van tín dụng tiêu dùng, bất động sản đối với một số đối tượng… Điều này hàm ý NH Nhà nước đang ra tay “cứu” một số NH yếu đang ngấp nghé phá sản?

Động thái giữ trần lãi suất huy động vừa qua cũng là một cách để NH Nhà nước nhận diện sức khỏe của từng NH yếu, mạnh ra sao từ đó cân nhắc hướng giải quyết triệt để. Việc NH Nhà nước tuyên bố không để NH nào phá sản, lựa chọn giải pháp “mềm” dựa trên những đánh giá thực trạng và tình hình hệ thống tài chính hiện nay.

Có thể hiểu đây là động thái kéo dài thời gian, giảm cơn đau trong chốc lát. Khi đã lựa chọn một giải pháp mềm, điều kiện đủ để vực dậy sức khỏe hệ thống tài chính, là NH Nhà nước phải tính tới sử dụng một loạt các giải pháp cứng đi kèm.

Vì trước sau gì quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cũng sẽ diễn ra, nếu NH nào quá yếu thì đương nhiên sẽ phải sáp nhập lại với anh mạnh hơn.

- Cụ thể, điều kiện đủ - giải pháp cứng mà cơ quan điều hành nên tính tới là gì, thưa ông?

NH Nhà nước đã “bật đèn xanh” mở van tín dụng bơm vốn vào một số lĩnh vực: DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp, DN kinh doanh bất động sản thuộc các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội … thì phải có sự giám sát chặt chẽ quá trình bơm vốn vào các dự án này. Nếu không lượng vốn thực bơm thì ít, mà chạy loanh quanh thì nhiều.

Không loại trừ khả năng sẽ có những biến tướng, lợi dụng kẽ hở chính sách, một số NH lại bơm vốn ngược trở lại các dự án bất động sản mà họ đang đầu tư… điều này sẽ khiến rủi ro thanh khoản mà số NH này đang “gánh” càng phình to.

Nếu là vậy, chính sách sẽ chỉ có thể cắt cơn đau hiện tại, nhưng sẽ kéo dài nỗi đau của nền kinh tế.

Thu Hoài thực hiện

Infonet

Các tin tức khác

>   Cái giá của cam kết tỷ giá (20/11/2011)

>   'Chùn tay' với... thẻ thanh toán quốc tế (19/11/2011)

>   Lãi suất ở VN cao hàng đầu khu vực (19/11/2011)

>   Hơn nửa tháng, bơm ròng vốn gần 10.000 tỉ đồng (18/11/2011)

>   ‘Trần lãi suất 14% là giải pháp tạm thời’ (18/11/2011)

>   Lãi suất huy động 'xì' qua vàng, ngoại tệ (18/11/2011)

>   Người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay (18/11/2011)

>   “Dọn nợ” ngân hàng nhìn từ Hàn Quốc (17/11/2011)

>   Quảng cáo cho vay siêu tốc 'tấn công' ATM (17/11/2011)

>   2012: Lãi suất khó giảm (17/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật