Thứ Sáu, 18/11/2011 09:41

Lãi suất huy động 'xì' qua vàng, ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước mạnh tay giữ trần lãi suất huy động tiền đồng (VND), ngay lập tức các ngân hàng đã chuyển sang cạnh tranh huy động vốn bằng ngoại tệ và vàng.

Một hiện tượng hiếm thấy trong huy động vốn là các ngân hàng đột ngột tăng lãi suất các ngoại tệ ngoài USD giữa tháng 11.

Cửa nào cũng lách được

Trước đây, thời kỳ huy động vốn bằng VND và USD dễ, hai loại lãi suất này luôn “nóng” trong danh mục lãi suất huy động của các ngân hàng. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay “trừng trị” nhiều đơn vị vi phạm trần lãi suất, mặt bằng lãi suất VND và USD đã thẳng băng. Cũng vì thế, số dư tiền gửi của khu vực dân cư ở nhiều ngân hàng đã giảm. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 10, theo NHNN đã giảm 0,74% so với tháng 9/2011, trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,29%.

Khó khăn với VND, USD, lãi suất huy động đang được lách qua vàng và các ngoại tệ khác để hút vốn.

Không “chịu thua”, các ngân hàng nhanh chóng tìm cách khác để huy động. Ngân hàng có lợi thế về vàng thì tăng lãi suất huy động vàng, ngân hàng lợi thế về ngoại tệ thì tăng lãi suất ngoại tệ. Ngày 16/11, Ngân hàng Á Châu (ACB), đơn vị sở hữu thương hiệu vàng miếng ACB, đã tăng lãi suất huy động chứng chỉ vàng từ cao nhất là 1,3%/năm lên 1,6%/năm các kỳ hạn 1,2,3 tháng. ACB còn có chương trình “Ngày vàng ACB” khi mua vàng, gửi vàng tại đây sẽ hưởng lãi suất đến 2,5%/năm.

Mạnh tay hơn, Tinnghiabank từ ngày 15/11 nâng lãi suất huy động chứng chỉ vàng cao nhất lên 3,2%/năm, tăng 0,5% ở mức cao nhất, các kỳ ngắn hạn như 1, 2 tháng lên 3%/năm, tăng 1%/năm. Còn Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đơn vị mạnh về thu ngoại tệ ngày 15/11, cũng quyết định tăng lãi suất tiền gửi EUR, CAD (đồng Canada), AUD (đồng Australia)… Tại đây, lãi suất huy động EUR cao nhất đã đến 3%/năm (trước đó chỉ 1-2%/năm); CAD cao nhất đã là 1%/năm và AUD cao nhất 3,8%/năm. Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tinnghiabank cũng chạy đua lãi suất ngoại tệ ngoài USD, khi SCB nâng lãi suất huy động EUR lên 4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; AUD lên 3,8%/năm còn Tinnghiabank kỳ hạn 6 tháng cũng có lãi suất là 3,8%/năm.

Sẽ có cuộc đua mới

Trao đổi với Đất Việt, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần giải thích, nguyên nhân tăng lãi suất ngoại tệ ngoài USD hoặc vàng là do xu hướng lãi suất các đồng tiền này trên thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là phần rất nhỏ. “Nước chảy chỗ trũng” là đương nhiên, nhưng số lượng người nước ngoài hoặc những nơi khác chuyển tiền qua Việt Nam để hưởng lãi suất này rất ít”, một chuyên gia ngành ngân hàng nhận xét. Theo vị này, động thái nâng lãi suất các động ngoại tệ ngoài USD hiện nay là do khó huy động USD, VND. “Trong khi lãi suất huy động USD cá nhân cao nhất là 2% và NHNN chỉ quy định lãi suất USD. Lượng kiều hối tại Việt Nam được chuyển về từ nhiều nước nhưng người dân thường chuyển qua USD để giữ. Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động ngoại tệ khác sẽ khiến người dân, DN cân nhắc thiệt hơn về lãi suất, phí chuyển đổi và sẽ gửi vốn này vào ngân hàng”.

Ông Nguyễn Trung Anh, Phó tổng giám đốc Công ty vàng Vina, cũng nhận định, việc cạnh tranh huy động VND, USD đã quá khó khăn khi chỉ có một mặt bằng lãi suất, nên các ngân hàng chuyển sang cạnh tranh bằng lãi suất vàng và ngoại tệ khác. “Khi huy động vàng và ngoại tệ, các ngân hàng được phép bán âm nguồn ở một mức cụ thể theo tiêu chuẩn của từng đơn vị, nên họ có thể bán vàng, ngoại tệ để lấy tiền đồng và mua đối ứng rất ít, nên số vốn này vẫn bổ sung tốt vào thanh khoản”, ông Trung Anh phân tích. Và những động thái này chắc chắn sẽ mở ra một cuộc cạnh tranh lãi suất huy động mới ở ngoại tệ phi USD và cả vàng thời gian tới.

Nên có trần lãi suất ngoại tệ và vàng?

Một số chuyên gia và đại diện các ngân hàng nhỏ nêu ý kiến: Khi đã có quy định về trần lãi suất VND, USD thì cũng nên áp trần với các loại tiền tệ lưu thông trong hệ thống ngân hàng và cả vàng. Vì điều này sẽ giúp thị trường đỡ “xì” lãi suất từ đồng tiền này qua đồng tiền khác.

Hà Phương

đất việt

Các tin tức khác

>   Người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay (18/11/2011)

>   “Dọn nợ” ngân hàng nhìn từ Hàn Quốc (17/11/2011)

>   Quảng cáo cho vay siêu tốc 'tấn công' ATM (17/11/2011)

>   2012: Lãi suất khó giảm (17/11/2011)

>   Căng thẳng thanh khoản đang “gõ cửa” ngân hàng? (17/11/2011)

>   Lãi suất ngoại tệ phi đôla tăng mạnh (17/11/2011)

>   Vừa lo tỉ giá vừa lo kích cầu (17/11/2011)

>   Tịch thu ngoại tệ mua bán trái phép (17/11/2011)

>   Thủ tướng chỉ thị kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, vàng (16/11/2011)

>   Tái cấu trúc ngân hàng: Nên lựa chọn cả nhà băng ngoại (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật