Thứ Năm, 17/11/2011 15:21

2012: Lãi suất khó giảm

Ngày 16-11, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định năm 2012 các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn về thị trường, tín dụng, tỷ giá….

Biến động từ ngoại lai

TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cho rằng: Kinh tế Việt Nam năm 2012 đón nhận một tâm thế khó khăn hơn năm 2011. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều thách thức mới từ bên ngoài.

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng các cam kết WTO,  khu vực mậu dịch tự do ASEAN, ASEAN+… Theo đó hàng loạt mặt hàng sẽ nằm trong diện giảm thuế theo lộ trình hội nhập.

Thứ hai, thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, biến động chính trị có thể đột biến, kéo dài và nặng nề. Nhiều dự báo Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) phải đối diện vòng xoáy suy thoái mới và sẽ lan sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Thứ ba, một số khó khăn thị trường sẽ lớn và khó lường hơn dự báo. Thứ tư, giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu có thể tăng cao dần. Thứ năm, thị trường chứng khoán và bất động sản tiếp tục trì trệ.

Các doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kịch bản đối phó với những tình huống khó khăn, đặc biệt chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các phương án kinh doanh linh hoạt, an toàn cao nhất. Bên cạnh đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất khẩu, doanh nghiệp cần quan tâm phát triển thị trường trong nước. Ngoài ra, cần tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh để đối phó với các tranh chấp thương mại quốc tế.

Ông HÀ HUY TUẤN, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, các chuyên gia dự báo năm 2012 giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh và nhiều đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, EUR tiếp tục suy yếu, trong khi yen Nhật, nhân dân tệ và rúp Nga sẽ tăng giá chậm…

Kinh tế thế giới phát triển kém sẽ khiến giá trị những hợp đồng xuất khẩu thấp và tình trạng bảo hộ mậu dịch sẽ ngày càng tinh vi hơn, đa tầng lớp hơn. Những khó khăn này sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Phan Thế Hào, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại TPHCM, thời gian qua nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, trong đó hơn 30% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp coi đây là cơ hội.

Cụ thể các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản đã được hưởng lợi khi giá xuất khẩu sang các nước tăng. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD như cà phê, cao su, điều, tiêu, thủy sản, gạo… Vì vậy, dù tình kinh tế còn nhiều biến động nhưng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vẫn có.

Đối phó khó khăn nội tại

Một vấn đề được các chuyên gia đặt ra là nền kinh tế nước ta hiện nay phát triển thiếu bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa thể có ngay sự đột biến về chất. Theo TS. Nguyễn Minh Phong, lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao.

Với mức lạm phát năm 2011 18-19%, dù muốn hay không cũng khó có thể hạ lãi suất thêm. Bằng chứng là vừa rồi Chính phủ tung ra 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 3-5 năm, lãi suất 12,5%/năm đều thất bại, nhưng TPCP 10 năm bán hết. Điều này cho thấy trước mắt lãi suất 12-13%/năm khó chấp nhận và năm 2012 lãi suất phải trên 15%/năm.

“Năm 2012 định hướng của Chính phủ vẫn tiếp tục thắt chặt tài chính tiền tệ, kiềm chế lạm phát dưới 10% trong khi vẫn cần duy trì tốc độ tăng trưởng để bảo đảm việc làm và an sinh xã hội.

Đây là thách thức từ 2 mục tiêu kép. Như vậy, sản xuất kinh doanh sẽ còn gặp nhiều khó khăn, phá sản và thất nghiệp ngày một tăng, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô có thể trở thành thách thức lớn hơn nếu không có giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt, thị trường chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng trong nước chưa có triển vọng bứt phá.

Theo nhiều chuyên gia, năm 2012 thị trường ngoại hối sẽ chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống NHNN, dự trữ ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, yếu tố áp lực lên tỷ giá vẫn còn vì phụ thuộc vào tình hình lạm phát, cán cân thanh toán và chính sách tiền tệ và những giải pháp xử lý mang tính “thời vụ” của NHNN. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp lẫn gián tiếp năm 2012 có xu hướng giảm và bất ổn, đặc biệt là vốn gián tiếp giảm do xu hướng thoái vốn của các quỹ đầu tư.

Trong tình hình kinh tế nhiều biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước ta sẽ phải tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn như thiếu vốn, lãi suất cho vay của các NHTM vẫn ở mức cao, khan hiếm ngoại tệ, biến động tỷ giá, đòi hỏi nỗ lực lớn của các doanh nghiệp.

Mai Thảo

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Căng thẳng thanh khoản đang “gõ cửa” ngân hàng? (17/11/2011)

>   Lãi suất ngoại tệ phi đôla tăng mạnh (17/11/2011)

>   Vừa lo tỉ giá vừa lo kích cầu (17/11/2011)

>   Tịch thu ngoại tệ mua bán trái phép (17/11/2011)

>   Thủ tướng chỉ thị kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, vàng (16/11/2011)

>   Tái cấu trúc ngân hàng: Nên lựa chọn cả nhà băng ngoại (16/11/2011)

>   Dự báo mới cho xu hướng giảm lãi vay (16/11/2011)

>   'Độ mở van tín dụng bất động sản quá hẹp' (16/11/2011)

>   Đừng quá khắt khe với ngân hàng nhỏ (16/11/2011)

>   Khi ngân hàng phải thế chấp để vay tiền doanh nghiệp (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật