Dự báo mới cho xu hướng giảm lãi vay
Lạm phát kỳ vọng đang có dấu hiệu hạ nhiệt là cơ sở quan trọng để lãi suất huy động tiếp tục giảm dần trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, trần lãi suất có thể sẽ được xem xét giảm xuống mức thấp hơn con số 14% hiện nay.
Một dự báo mới cho xu hướng giảm nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường có nhiều khả năng định hình.
Sóng gió liên ngân hàng
Hầu hết các tổ chức đầu tư đều ghi nhận những diễn biến đáng chú ý của lãi suất liên NH kể từ thời điểm đầu tháng 10. Một tính toán cho thấy, lãi suất trên thị trường này có mức tăng phổ biến từ 4,5-6% ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất qua đêm tăng từ 12,5-13% lên 18-19% và cao nhất là kỳ hạn 1 tháng tăng từ 16% lên 22-24%. Đáng chú ý theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS), một số NHTM nhỏ thậm chí phải chấp nhận vay với lãi suất qua đêm lên đến 30% hoặc vay kỳ hạn 1 tháng với lãi suất lên đến 40% do có tình hình thanh khoản tương đối căng thẳng.
Thực tế tình hình huy động vốn giảm là lý do khiến một số NHTM nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản. Chỉ tính trong tháng 9, tổng số dư tiền gửi của khách hang tại các tổ chức tín dụng giảm tới 1,07% so với tháng trước do các NHTM thực hiện nghiêm quy định trần lãi suất huy động ở mức 14%. Chưa hết, lãi suất huy động VND tiếp tục giảm mạnh xuống 6% đối với những kỳ hạn ngắn (dưới 1 tháng) theo quy định mới của NHNN khiến các NHTM càng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.
BVS cho rằng, trong bối cảnh tiền gửi của các DN lớn thường bị chuyển thành kỳ hạn ngắn như 1 tuần vào thời điểm cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu tăng vốn để sản xuất kinh doanh, các khoản ủy thác của các NH lớn tại các NH nhỏ đáo hạn và tiền gửi từ dân cư bị rút về do lãi suất huy động giảm khiến nhu cầu vay vốn trên thị trường liên NH tăng, tạo áp lực đẩy lãi suất tăng cao. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào, tình hình thanh khoản khó khăn diễn ra tại một số NH buộc các NH này phải vay với lãi suất rất cao trên thị trường liên NH. “Thậm chí có NH còn chấp nhận bị phạt trả chậm để giữ nguồn vốn vay liên NH nhằm cân đối nguồn tiền duy trì thanh khoản trong ngắn hạn” – BVSC đưa nhận định trong báo cáo mới đây.
Kỳ vọng dài hạn
NHNN nhanh chóng thực hiện một loạt các biện pháp mang tính hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống NH nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường liên NH. Theo BVS, cụ thể NHNN bơm ròng một khối lượng vốn lớn trên thị trường mở và tái cấp vốn có điều kiện cho các NH nhỏ 1.000-5.000 tỉ đồng. Dù không đưa trích dẫn cụ thể, song theo đánh giá của tổ chức trên, tất cả những động thái của NHNN cho thấy sự linh động trong việc điều tiết cung tiền của cơ quan này, đồng thời hiện thực hóa thông điệp đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Với các động thái can thiệp của NHNN, dù đưa dự báo nhu cầu tiền thanh toán tăng có thể tạo áp lực lên lãi suất liên NH trong những tháng cuối năm, BVSC vẫn tin rằng NHNN sẽ tiếp tục có sự điều hành linh hoạt về cung tiền qua thị trường mở và tái cấp vốn nhằm tránh những biến động mạnh về thanh khoản cho hệ thống.
Trong bối cảnh đó, lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt và CPI tháng 10 chỉ còn tăng 0,36% - mức tăng thấp nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây sẽ là cơ sở quan trọng để lãi suất huy động tiếp tục giảm. Chuyên gia phân tích vĩ mô Trần Hải Yến cho rằng, khi đó NHNN có thể sẽ xem xét đến việc giảm trần lãi suất huy động xuống mức dưới 14%. “Tuy nhiên cần ít nhất 3-4 tháng nữa để điều này diễn ra (đặc biệt sau thời điểm Tết Nguyên đán, lạm phát sẽ giảm tốc nhanh). BVS bảo lưu quan điểm khi cho rằng lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm nhanh từ cuối quý I/2012” – chuyên viên Trần Hải Yến viết.
Nhóm chuyên gia phân tích của CTCK Thăng Long (TLS) cũng đánh giá, kỳ vọng về lãi suất giảm thêm trong những tháng tiếp theo sẽ khó trở thành hiện thực bởi hai lý do. Trong đó có lý do trần lãi suất 14% đang thấp hơn so với tỉ lệ lạm phát hiện tại. Thứ hai, sự đổ vỡ hàng loạt của “tín dụng đen” và sự sụt giá mạnh của các thị trường tài sản (CK và BĐS) khiến cho tỉ lệ nợ xấu tăng nhanh và đe dọa đến sự an toàn của các NH có hệ thống quản trị rủi ro kém. “Lãi suất sẽ chỉ có cơ hội giảm khi xu hướng dài hạn của lạm phát thực sự giảm và hệ thống NH được tái cấu trúc theo hướng an toàn, tạo niềm tin đối với người gửi tiền’ – TLS viết báo cáo triển vọng Việt Nam tháng 11.2011.
Văn Nguyễn
Lao động
|