Thứ Ba, 15/11/2011 21:46

Kiểm soát lãi suất, tỉ giá bằng luật

Tỉ giá và lãi suất từng gây nhiều biến động thị trường, ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng nên Luật Giá cần chú ý đến lĩnh vực này

Dự thảo Luật Giá đã chính thức được Chính phủ trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ hai đang diễn ra. Góp ý cho dự thảo này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng luật có thể bỏ sót điều chỉnh những loại hàng hóa đặc biệt là lãi suất, tỉ giá, phí ngân hàng (NH).

Ai kiểm soát việc hạ lãi suất?

Đã 2 tháng rưỡi kể từ khi Thống đốc NH Nhà nước tuyên bố giảm lãi suất cho vay về mặt bằng 17%-19%/năm nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn vay với mức lãi suất này.

TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, xác nhận các thành viên của hiệp hội cũng đang loay hoay với bài toán vay vốn NH và chưa có lối ra. Hiệp hội này ghi nhận số DN tiếp cận được vốn vay 17%-19%/năm là rất ít.

Đối với khu vực được ưu tiên lãi suất là DN xuất khẩu, tình hình cũng chưa thật sáng sủa. Trả lời báo giới gần đây, đại diện Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết trong số 250 thành viên của hiệp hội rất ít DN vay được vốn 19%/năm trở xuống.

Còn một lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thì nói hầu như chưa có DN nào trong ngành vay được với lãi suất thấp như công bố của các NH thương mại. Thế nhưng, trong  hơn 2 tháng qua, hàng loạt NH đã công bố các gói lãi suất ưu tiên, giảm lãi suất cho vay ở mức 17%-19%/năm...

Còn đối với lãi suất huy động, tuy thị trường đã tạm yên sau các vụ vượt rào đầy tai tiếng của NH TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank) và NH Đông Á - Chi nhánh Tây Ninh trước đó nhưng sóng ngầm vẫn rất lớn, chỉ chực chờ bung ra nếu các NH nhỏ không giải quyết được vấn đề thanh khoản.

Không thể chủ quan với loại hàng hóa đặc biệt

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, tỉ giá và lãi suất thời gian qua đang gây biến động trên thị trường, ảnh hưởng gián tiếp đến giá một số mặt hàng (thông qua tăng đầu vào chi phí sản xuất vì vay vốn lãi suất cao hoặc do nhập khẩu hàng bằng ngoại tệ), tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Do đó, Luật Giá cần chú ý đến hai mặt hàng tiền tệ quan trọng này, không chỉ ở mức độ tăng giảm lãi suất, tỉ giá mà cả ở mức độ xử phạt các trường hợp vi phạm.

“Từ khi Nhà nước xử phạt vi phạm trên lĩnh vực ngoại hối với mức 500 triệu đồng thì tình trạng lũng đoạn trên thị trường ngoại hối yên ngay, hoạt động chợ đen cũng giảm hẳn”- ông Trần Hoàng Ngân lấy ví dụ để khẳng định tầm quan trọng của chế tài xử phạt vi phạm về giá.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, kiến nghị Nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ hơn lãi suất và phí NH dưới góc độ là giá của hàng hóa đặc biệt. Theo ông Phụng, thời gian qua, các NH “đẻ” ra hàng loạt phí đánh vào người vay tiền, bản chất của các loại phí này chính là lãi suất nên xét cho cùng, đây chính là hình thức tăng giá.

Phí sử dụng dịch vụ thẻ cũng đang có nhiều điều bất hợp lý. Trong hợp đồng phát hành thẻ, các NH thường ghi rõ “mức phí do hai bên thỏa thuận” nhưng bằng cơ chế thông báo phí qua website của NH, chủ thẻ hầu như không có điều kiện tìm hiểu về mức thu phí hoặc đổi sang dùng thẻ của NH khác. Do đó, dư luận dù bất bình về hiện tượng tăng phí sử dụng dịch vụ thẻ, trong khi chất lượng giao dịch không được cải thiện nhưng số lượng khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của các NH vẫn ổn định sau những đợt tăng phí.

Mới đây, một số NH đồng loạt tăng phí chuyển đổi ngoại tệ và phí quản lý ngoại tệ khiến thanh toán bằng ngoại tệ qua thẻ trở nên đắt hơn cả ngoại tệ trên thị trường tự do.

Lãi suất cho vay quá cao

Lãi suất cho vay của nhiều NH hiện vẫn ở mức rất cao. DN cần vốn để sản xuất kinh doanh hiện thường phải vay với lãi suất phổ biến 20,5% - 22,8%/năm (thời gian cố định lãi suất là 3 tháng).

Chỉ một vài NH áp dụng mức lãi suất vay ưu đãi 18,5% - 19,5%/năm cho số ít DN thân thiết. Như vậy, so với tháng 9-2011, lãi suất cho vay thông thường giảm không đáng kể dù trần lãi suất đầu vào 14%/năm đã được các NH áp dụng hơn 2 tháng.

Do 70% số tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh là vốn vay NH nên các DN chuyển hóa toàn bộ chi phí lãi suất vào giá thành sản phẩm sẽ làm giá cả hàng hóa tăng lên, tạo áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng, tác động không tốt đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Th.Thơ

Phương Anh

người lao động

Các tin tức khác

>   HDBank bị “xử”, các ngân hàng đã biết “sợ” (15/11/2011)

>   Ông Vũ Viết Ngoạn: "Các ngân hàng phải đồng nhất chuẩn về nợ xấu" (15/11/2011)

>   Biến động lãi suất vàng và ngoại tệ “lạ” (15/11/2011)

>   BĐS xì hơi, ngân hàng nào dễ bị 'choáng' nhất? (15/11/2011)

>   Ăn cắp thông tin thẻ ATM (15/11/2011)

>   Phải nắm được “sức khỏe” của từng ngân hàng (15/11/2011)

>   Nhập hàng mùa Tết gặp khó vì giá đô la (14/11/2011)

>   Bốn nhóm tín dụng bất động sản “thoát” rổ phi sản xuất (14/11/2011)

>   Tái cấu trúc ngân hàng: Không chỉ là sáp nhập  (14/11/2011)

>   NHNN phạt nặng HDBank vì vi phạm lãi suất (14/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật