Phải nắm được “sức khỏe” của từng ngân hàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10, trong đó có nội dung quan trọng là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 11 này. Về vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch.
° Phóng viên: Xin ông cho biết quan điểm về chủ trương tái cơ cấu ngân hàng?
° Ông TRẦN DU LỊCH: Chủ trương tái cơ cấu ngân hàng đã được hội nghị TƯ 3 nêu ra, đó là chủ trương đúng trong bối cảnh hoạt động của các ngân hàng thương mại đang có nguy cơ về nợ xấu, khả năng thanh khoản ở một số ngân hàng cá biệt rất khó khăn. Quan điểm đầu tiên của tôi về việc này rất cần cẩn trọng. Không vì mục tiêu tái cấu trúc mà để dẫn tới vỡ hệ thống.
° Theo ông, tái cơ cấu ngân hàng cần làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
° Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có nhiều cách để làm, phân loại. Ví dụ, có thể khuyến khích những ngân hàng lớn cùng với một số ngân hàng nhỏ liên kết lại trong vấn đề thanh khoản, tín dụng, tài sản, thậm chí có thể mua cổ phần lẫn nhau để giữ nhóm. Thứ hai, một số ngân hàng có thể tự nguyện hợp nhất lại để tăng khả năng của mình lên. Thứ ba, chẳng đặng đừng, NHNN có thể thực hiện quyền của mình là mua lại hoặc bắt buộc ngân hàng đó phải tái cấu trúc.
Cần có một lộ trình trên tinh thần chúng ta “nắm được sức khỏe” của từng ngân hàng một; khả năng an toàn của từng ngân hàng, sau đó lên hướng giải quyết cho từng nhóm và có chính sách cụ thể. Những ngân hàng tự nguyện làm tốt việc tái cấu trúc thì NHNN sẽ hỗ trợ bằng công cụ của mình, ví dụ như giúp về thanh khoản. Còn về mặt tín dụng, NHNN cũng có thể giúp cho các ngân hàng nhỏ hiện nay.
Ví dụ họ muốn tăng tín dụng lên thì NHNN cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các lĩnh vực như xuất nhập khẩu bằng những dự án tín dụng mà ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm về phương diện hiệu quả của nó. Lúc đó NHNN sẽ tái cấp vốn những dự án này. Như vậy là đã giúp ngân hàng nhỏ tăng tín dụng cũng như tăng tính thanh khoản. Điều đó cũng có nghĩa NHNN đóng vai trò người cho vay cuối cùng đối với một số đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức, các hợp tác xã, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.
Về mặt tổ chức, chúng ta phải đi từng bước, phân loại thành các nhóm. Về mặt chính sách tái cấu trúc ngân hàng gắn với trợ giúp thanh khoản, tài trợ tín dụng. Những điều này đi liền với nhau.
° Như vậy, chắc chắn sẽ không có sự đổ vỡ khi tiến hành tái cơ cấu ngân hàng?
° Trong điều kiện hiện nay không nên để đổ vỡ. Chính phủ cũng đang rất cố gắng điều này. Nhưng không phải vì vậy mà một số ngân hàng ỷ lại NHNN, không tích cực trong tái cấu trúc. Đối với những trường hợp này phải kiên quyết áp dụng biện pháp thứ ba như tôi đã nói ở trên.
° Vậy theo ông, tái cơ cấu ngân hàng sẽ cần một lộ trình như thế nào?
° Điều này, NHNN phải nắm rõ “sức khỏe” từng ngân hàng thì mới đề ra được một lộ trình hợp lý.
° Xin cảm ơn ông!
Lâm Nguyên
Sài Gòn Giải phóng
|