Thứ Hai, 14/11/2011 13:47

Cạn “room” tín dụng cuối năm

Cuối năm được xem là mùa cao điểm giải ngân tín dụng của các NHTM, nhưng khi hỏi đến điều này các NH đều cho biết đã ngưng cho vay, thu hồi vốn hoặc chỉ giải quyết với khách hàng cũ. Không chỉ bởi lý do nguồn vốn huy động sụt giảm nên phải  hạn chế cho vay, mà còn vì “room” tín dụng ở các NHTM đã cạn.

Đóng cửa tín dụng

Đang vào mùa cao điểm bơm vốn cuối năm nhưng tín dụng tại các NHTM đều sụt giảm mạnh. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết hiện dư nợ tín dụng của ACB không tăng được vì đã gần chạm mức 20% theo quy định của NHNN.

Gần 6 tháng qua ACB đã không tăng danh mục cho vay khách hàng cá nhân. “Lạm phát tăng, nguồn thu nhập trả nợ giảm trong khi lãi suất cho vay cá nhân ít nhất cũng phải 18%/năm.

Việc không cào bằng tín dụng 20% cho tất cả NHTM là hợp lý. Bởi lẽ NH nhỏ tăng 20% chỉ thêm vài ngàn tỷ đồng, nhưng với NH lớn tăng vài % đã tăng cả trăm ngàn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là có đủ sự minh bạch để công khai “sức khỏe” từng NHTM từ đó phân loại “room” tín dụng cho phù hợp. Điều này sẽ buộc các NH yếu, quản lý kém phải nỗ lực để hoàn thiện mình.

Ông LÝ XUÂN HẢI, Tổng giám đốc ACB

Không chỉ NH ngại cho vay mà cả người dân cũng không mặn vay vốn tiêu dùng” - ông Hải nói. Một lãnh đạo phụ trách khối khách hàng cá nhân của Eximbank cho biết NH này dư nợ ở lĩnh vực tín dụng cá nhân cũng sụt giảm mạnh, tín dụng hiện tại chỉ ưu tiên khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo ông Trần Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc của Saigonbank, hiện Saigonbank cũng chỉ ưu tiên tín dụng cho khách hàng cũ, không mở rộng thêm khách hàng mới. Trong khi đó, nhiều NHTM nhỏ khác đã ngưng cho vay từ 3-4 tháng qua vì “room” tín dụng 20% đã cạn.

Đặc biệt, nhiều NH nhỏ đang phải chật vật kéo giảm dư nợ sản xuất xuống dưới 16% nên ưu tiên nhất vẫn là thu hồi nợ và cơ cấu lại các khoản vay vốn nhằm đảm bảo an toàn, giảm dần tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng cao.

Không chỉ NHTM nội địa mà nhiều NH nước ngoài cũng đã ngưng cho vay mấy tháng nay. Một cán bộ của Standard Charterd cho biết đã ngưng cho vay, chỉ tập trung phát triển lĩnh vực tiền gửi, dịch vụ thanh toán, thẻ… mảng kinh doanh tín dụng phải chờ đến đầu năm sau mới có thể giải ngân mới cho khách hàng.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế của hệ thống NHTM đến ngày 20-10 ước tăng 0,05% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VNĐ và USD đều tăng 0,05%. So với cuối năm trước tín dụng của nền kinh tế ước tăng 8,61%.

Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2011 cho cả hệ thống NHTM sẽ thấp hơn rất nhiều mục tiêu đề ra 20%. Đây là là điều các NHTM đã tính đến. Mới đây, lãnh đạo NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng năm nay 12-13% là phù hợp và như vậy từ đây đến cuối năm “room” chung tín dụng cho nền kinh tế vẫn còn 3-4%.

Nhưng theo nhận định của các chuyên gia NH, cửa tăng tín dụng từ nay đến cuối năm sẽ chỉ diễn ra ở những NH quốc doanh lớn, không chỉ vì đang mạnh về thanh khoản mà còn vì “room” tín dụng ở các NHTM này vẫn còn.

Đối phó “room” tín dụng

Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết ở những NH có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng có thể dùng thủ luật tăng dư nợ tín dụng để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống.

Nhưng với các NHTM nhỏ do cạn “room” tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vẫn cao. Gần đây, một số NHTM nhỏ đã cạn “room” tăng trưởng tín dụng chung lẫn “room” tín dụng phi sản xuất nhưng lại bị “kẹt” đầu tư những dự án dài hạn với vốn lớn, cần giải ngân tiếp mới có thể thu hồi vốn vay cũ.

Trong bối cảnh đó, các NHTM bắt tay thỏa thuận với nhau NH nào còn dư “room” sẽ cho NH đã cạn “room” thuê lại “room” tín dụng dưới nhiều hình thức.

Hiện nay nhiều NH đã cạn “room” tín dụng. 

Điều này được thể hiện rõ qua việc nhiều NHTM nhỏ hợp tác với các NHTM lớn không chỉ để giải quyết vấn đề thanh khoản mà còn triển khai các dự án tài trợ, hợp vốn cho vay với số vốn cam kết lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Xu hướng này giúp cả NHTM lớn lẫn nhỏ cơ cấu, sàng lọc lại khách hàng tín dụng.

Trong khi đó, ở một số NH nước ngoài đối phó với “room” tín dụng kiểu khác. Một lãnh đạo của Bank of China chi nhánh TPHCM cho biết để đối phó với việc bị hạn chế tín dụng theo “room” 20% tăng trưởng chung cũng như dư nợ phi sản xuất, các NH nước ngoài sẽ chuyển những dự án tín dụng cần vốn lớn qua vay NH mẹ ở nước ngoài sẽ không bị quản lý về “room” tín dụng. Chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam chỉ đứng ra giám sát, quản lý và thu hồi nợ vay.

Nguồn tin từ NHNN cho biết năm 2012 NHNN sẽ căn cứ vào “sức khỏe” của từng NHTM để quy định “room” tăng trưởng tín dụng trong năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều NHTM nhỏ vẫn có tâm lý sợ công khai tình trạng của mình sẽ khiến khách hàng không gửi tiền.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng hiện nay nợ xấu tăng cao khiến các NHTM e ngại cho vay, dẫn đến vòng quay tiền giảm, làm ảnh hưởng đến thanh khoản.

Bước sang năm 2012 NHNN vẫn sẽ tiếp tục quản lý tăng trưởng tín dụng một cách chặt chẽ nên các NHTM cũng chưa thể mở rộng hầu bao tín dụng. Đặc biệt, theo nguyên tắc hàng hóa hiếm, giá không bao giờ thấp và lãi suất tín dụng khó có thể giảm.

Mai Thảo

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Tái cơ cấu ngân hàng: Nợ xấu, trọng tâm đầu tiên? (14/11/2011)

>   Năm 2012, mặt bằng lãi suất có thể vẫn cao (14/11/2011)

>   NHNN sẽ công khai nợ xấu của ngân hàng (14/11/2011)

>   Bong bóng BĐS - ngân hàng: Tội đồ và nạn nhân (14/11/2011)

>   Chạy đua kéo giảm nợ (14/11/2011)

>   Những giải pháp căn cơ giúp hạ nhiệt lãi suất (13/11/2011)

>   Cán cân nào cho đồng vốn cuối năm? (13/11/2011)

>   Công khai kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng là cần thiết (13/11/2011)

>   Tiết kiệm có hút được tiền? (12/11/2011)

>   Lãi suất huy động vàng lập đỉnh mới (12/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật