Cán cân nào cho đồng vốn cuối năm?
Luật bảo hiểm tiền gửi đang được các Đại biểu Quốc Hội thảo luận, thì trong cộng đồng dân cư khách hàng cũng đang rất e ngại và thắc mắc.
Luật chưa thông, quyền lợi khách hàng ra sao?
Thật ra luật bảo hiểm tiền gửi với mức phí bồi thường thiệt hại khi có sự cố xảy ra là 50 triệu đồng ( đối với tiền gửi VNĐ) đã có từ lâu và khách hàng không thắc mắc nhiều nhưng nay trước những thông tin truyền thông, khách hàng lại đặc biệt quan tâm. Thêm vào đó, những thông tin bên lề của NHNN kêu gọi các ngân hàng nhỏ tự nguyện sáp nhập, tái cơ cấu,… càng góp phần tạo tâm lý bất an, e ngại khi giao phó tài sản cho những ngân hàng nhỏ.
Việc ấn định lãi suất ngang bằng 14% và các ngân hàng không được phép huy động vượt mức quy định này bao gồm cả các hình thức khuyến mãi, tặng thưởng. Tổng số vốn chưa cao, mạng lưới chưa rộng, sản phẩm công nghệ hạ tầng còn hạn chế thì việc cạnh tranh theo kiểu công bằng này các ngân hàng nhỏ khá khó khăn. Tự cứu lấy mình, để tồn tại phát triển và thu hút nguồn vốn từ cộng đồng dân cư, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng đồng thời có thể cho vay ra bên ngoài, các nhà băng đanh cạnh tranh nhau bằng các chương trình khuyến mãi, các dịch vụ gia tăng.
Nhưng đây chỉ là giải pháp hiện thời, về lâu dài thì sao? Đã có vài ngân hàng phải chuyển hướng kinh doanh sang một mô hình mới, như sắp tới đây GiaDinhBank sẽ thay đổi bộ nhận dạng thương hiệu với tên gọi Ngân hàng TMCP Bản Việt ( Viet Capital Bank), hay vừa rồi BIDV đã giành 13.000 tỷ để hỗ trợ cho các ngân hàng như Ficombank ( 5.000 tỷ); Bắc Á Bank (BacABank) ( 3.000 tỷ) ; GPBank ( 5.000 tỷ) nhằm hỗ trợ tính ổn định và an toàn trong hệ thống ngân hàng theo chủ trương của NHNN. Vì vậy, luật Bảo hiểm đưa ra thỏa luận trong giai đoạn này đặc biệt được dư luận quan tâm. Theo Đại biểu Trần Du Lịch thì “10 năm vừa qua cái may cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi là không phải trả tiền cho ai đối với hệ thống ngân hàng thương mại mà tới thời điểm này cũng mới chi trả cho 39 tổ chức tín dụng nhân dân với số tiền 21 tỷ đồng”. Và “Bởi vì người ta nghĩ rằng Chính phủ và ngân hàng Nhà nước không để cho ngân hàng phá sản, chứ không phải người ta nghĩ rằng tôi được bảo hiểm 50 triệu đồng mà tôi mạnh dạn gửi tiền”.
Đây là phát biểu rất thực tế vì người đi gửi tiền trước đây họ chưa quan tâm nhiều vào bảo hiểm tiền gửi vì họ tin rằng ngân hàng là kênh “giữ tiền trả lãi” an toàn nhất.
Nếu đóng vai trò là một người có số tiền vài chục tỷ, bạn có “tự tin” mang đến gửi một ngân hàng nhỏ khi mà thông tin về bảo hiểm tiền gửi tối đa chỉ 50 triệu đồng khi ngân hàng đó phá sản và tâm lý liệu ngân hàng đó có bị sáp nhập hay không, rồi tiền của mình sẽ ra sao, đi về đâu, sẽ mất đi hay như thế nào? Với hàng loạt các tâm lý e ngại như thế, vì vậy gửi ở nhà băng lớn mặc dù không phải tham gia các chương trình khuyến mãi nhưng lãi suất vẫn được 14%/năm, vừa an toàn vừa tiện lợi về giao dịch. Chính những tác động này đã phần nào làm cho ngân hàng nhỏ đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Thực chất, nếu có sự cố xảy ra, thì quyền lợi của khách hàng luôn được bảo vệ đầu tiên, dù ngân hàng lớn hay ngân hàng nhỏ đều được NHNN “bảo trợ” để đảm bảo rằng quyền lợi của người gửi tiền luôn được đảm bảo theo cam kết.
Bức tranh tài chính cuối năm….
Thị trường tài chính được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả nhất trong hai quý gần đây . Suốt năm 2011, thị trường bất động sản và chứng khoán ì ạch, ảm đạm thì gửi tiết kiệm, đầu tư vàng, ngoại tệ là những kênh giao dịch sôi động, biến đổi liên tục. Tuy nhiên chủ trương siết huy động để tạo điều kiện cho lãi suất vay giảm của NHNN vẫn chưa được thực thi đúng như mong muốn. Hiện nay, cá nhân và doanh nghiệp vẫn vay với mức lãi suất rất cao từ 26 – 28%/năm, chính trong nội bộ ngân hàng, thị trường liên ngân hàng cũng liên tục biến động, Theo số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn liên tục biến động. Đáng chú ý là lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng tới 20,59 điểm % từ 15,99%/năm lên 36,58%/ năm. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng cũng tăng 0,26 điểm % từ 15,29%/năm lên 15,55%/ năm.
Lãi suất vay không giảm việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vào hai tháng cuối năm cũng khó khăn do nhiều ngân hàng đang hạn chế cho vay, tập trung thu hồi nợ. Đều này đã tạo nên bức tranh khá phức tạp cho thị trường tài chính. Hàng loạt các vụ vỡ nợ bị phanh phui, nguyên nhân chủ yếu là “mượn nợ - giữ nợ” từ nhiều năm trước để đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, và nay hai thị trường này “chậm phục hồi” thì vỡ nợ là lẽ đương nhiên.
Để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cuối năm, nhu cầu về vốn của Doanh nghiệp là rất lớn, nhu cầu về vay tiêu dùng để mua sắm, sửa chữa nhà của của cá nhân cũng cao nhưng ngân hàng lại thu hẹp cho vay , lãi suất tiền gửi lại “ấn định”, luật bảo hiểm tiền gửi chưa thông, lãi suất Vàng – USD biến động, bảo hiểm tiền gửi cho loại hình này cũng chưa có,…điều này phần nào tạo nên khó khăn chung cho sự phát triển của kinh tế quý cuối. Nếu như các dự thảo sớm được các thành viên trong Quốc Hội thảo luận thống nhất, hi vọng rằng thị trường tài chính đầu năm 2012 sẽ mở ra một bức tranh mới, tươi sáng hơn.
Dung Hạ
Tầm nhìn
|