Tín dụng đen tìm mua nợ xấu ngân hàng
Một số tổ chức tín dụng phi chính thức hiện đã tung ra loại hình dịch vụ “mua nợ xấu nhóm 3,4,5” – nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn.
Sau khi phản ánh tình trạng DN phá sản vì tín dụng đen, báo DĐDN đã nhận được những phản hồi tích cực từ một số DN trên địa bàn TP HCM và đặc biệt là của độc giả ở nhiều khu phố ven nội đô, về sự phát triển của tín dụng đen.
|
Tín dụng đen không chỉ len lỏi đến tận nhà dân, “thế giới ảo” cũng được sử dụng để quảng cáo |
Bài viết sau đây nối tiếp chủ đề trên, nhưng ở một góc cạnh khác, phản ánh một điểm đến mới của tín dụng phi chính thức: Thị trường mua bán nợ và tài sản nợ của các ngân hàng.
Len lỏi từng khu phố...
Theo phản ánh của các cư dân thuộc khối phố 7, phường Quang Trung, quận Phú Nhuận (TP HCM) thời gian gần đây, họ nhận được rất nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay với nội dung: Đi vay có người bảo lãnh, cho vay đảm bảo an toàn 100%, cho vay duyệt hồ sơ chỉ trong 15 phút, cho vay sản phẩm mới nhất – hiện đại nhất...
Chị Ngọc Ba, lễ tân của một DN tư nhân nhỏ đóng trên địa bàn quận Phú Nhuận cho biết có ngày chị phải tiếp không dưới 5-7 cuộc điện thoại mời DN vay vốn phi chính thức, và thậm chí đôi khi các nhân viên tín dụng (tự xưng), không thuộc một tổ chức tài chính có đăng ký kinh doanh nào cụ thể còn “xông” vào tận văn phòng, gửi hồ sơ mời chào DN vay vốn. Trong các hồ sơ mà những nhân viên tín dụng tự xưng này gửi lại, thì hạn mức vay vốn tối thiểu là 200 triệu VND, tối đa lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm tỉ đồng. Và khác với một thời gian trước đây, cũng như khác với một số hồ sơ chào mời cho vay tiêu dùng cá nhân vẫn đang phổ biến hiện nay là các hạn mức tín dụng cho vay sẽ căn cứ trên việc chứng minh nguồn thu của người đi vay thông qua mức lương được trả qua tài khoản hoặc xác nhận bảng lương của Cty, tổ chức người đi vay đang làm việc, kèm thêm hộ khẩu tạm trú KT3..., thì các hồ sơ vay vốn dạng mới đã bỏ qua khâu chứng minh nguồn thu lẫn mục đích sử dụng tài chính, chỉ tập trung nhấn mạnh về yêu cầu thế chấp. “Thời buổi khó khăn, phải có thế chấp thì mọi việc mới ra ngô ra khoai, mà người vay cũng mới có cơ sở để được vay với lãi suất hợp lý, ngang bằng lãi vay ngân hàng (khoảng 20-30%/năm)” - bà Hồng Nhuệ, một môi giới nhà đất kiêm môi giới tín dụng tư nhân cho biết. Cũng theo bà Hồng Nhuệ, hiện nay, các chủ tín dụng tư nhân đều đặt tiêu chuẩn tài sản thế chấp của người đi vay là bất động sản, nhà đất trong phạm vi TP HCM, có sổ đỏ hoặc hồng, có diện tích lớn hơn 30m2 và đã đóng thuế trước bạ - tương tự với tiêu chuẩn về tài sản thế chấp mà một số NHTM đề ra khi xét duyệt, thẩm định hồ sơ vay vốn.
Anh Đức Chí - chủ một DN bất động sản của TP HCM tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi nhận được hồ sơ mời vay vốn phi chính thức có hạn mức cho vay lên đến 150 tỷ đồng, nhưng kèm theo điều kiện là “Không tài trợ dự án”. “Trong lúc nền kinh tế đang khó khăn và ngay cả các NH nói chung cũng rất cần vốn kinh doanh, thì không biết các tổ chức cá nhân huy động vốn như thế nào để có được những khoản tài trợ tài chính sẵn sàng như vậy. Và cũng không biết cá nhân nào sẽ có nhu cầu vay đến 150 tỷ đồng, hay sẽ phải thế chấp tài sản giá trị bao nhiêu để nhận được hạn mức vay “khủng” đó” - anh Chí nói.
Lần theo số điện thoại được in trên các hồ sơ, tờ rơi mời chào, trong vai những người có nhu cầu vay vốn, chúng tôi đã gọi đến số máy bàn 08.3929 xxxx trong giờ hành chính như chỉ dẫn nhưng số điện thoại này liên tục báo bận. Gọi đến số di động 0933.24 xxxx, đối tượng bắt máy ở đằng dây bên kia nhận là chuyên viên tín dụng V. (không nói thuộc Cty, tổ chức nào). Qua điện thoại, chuyên viên V. khẳng định một lần nữa về việc sẵn sàng cho cá nhân vay tới 150 tỷ VND và cam kết sẽ cho gia hạn từng năm theo lãi suất ngân hàng cho đến khi hết hạn hợp đồng.
“Gõ cửa” các ngân hàng
Đáng chú ý là một số tổ chức tín dụng phi chính thức hiện đã tung ra loại hình dịch vụ “mua nợ xấu nhóm 3,4,5” – nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn. “Chuyên viên tín dụng” V diễn giải: “Nếu chị có một khoản nợ với NHTM A, đang quá hạn từ 30 đến ngày đến dưới 90 ngày (thuộc nợ xấu nhóm 3) nhưng chưa có nguồn vốn nào để trả nợ, hãy gọi cho chúng tôi được tư vấn trực tiếp và được thẩm định giá trị tài sản thế chấp. Chúng tôi sẽ hợp đồng cho chị vay vốn để trả khoản nợ này cho NH hoặc sẽ đàm phán với NH để mua lại hợp đồng nợ này trong thời gian nhanh nhất. Cách nào cũng có một kết quả như nhau là chị không còn nợ NH nữa, không còn phải lo ngay ngáy thời gian quá hạn của khoản nợ. Dĩ nhiên là không phải khoản nợ nào chúng tôi cũng mua. Chỉ có các khoản nợ có tài sản thế chấp nằm trong mặt tiền phạm vi thành phố, giá thị trường tối thiểu là 4 tỷ đồng mới được chấp nhận. Chúng tôi không nhận tài sản thế chấp vùng ven!”.
Về các chào mời khách hàng với hình thức mua nợ kể trên, một chuyên gia Tài chính Ngân hàng nhận xét: “Việc các tổ chức tài chính trung gian tham gia mua bán nợ và tài sản nợ của các NH có thể là một lối thoát cho nhiều NH đang nặng nợ đang trong bảng cân đối tài sản. Tuy nhiên, với những cá nhân đơn lẻ hoặc một vài tổ chức không ra mặt nhưng nhanh chân đi trước thị trường thì để có chuyện “bắt tay” và “bắt tay” được với NH, họ hẳn phải một tiềm lực tài chính rất hùng mạnh, thậm chí là có sẵn những mối quan hệ và sự am hiểu sâu sắc thị trường vốn, biết NH nào khó, NH nào yếu, NH về bản chất có những khoản nợ cần được xóa bớt để giảm tải nợ xấu… Dĩ nhiên nếu họ làm được thì đây chính là lúc có thể thâu tóm tài sản giá rẻ một cách đơn giản nhất, với chi phí thấp nhất”. Ông cũng lưu ý yếu tố mà bên chào mua đưa ra là “mọi thủ tục pháp lý đều có NH hoặc Luật sư làm đại diện” đã cho thấy phần nào cơ sở của nhận định trên. Thông thường, luật sư có thể dễ dàng thuê, còn nếu có một NH nào chấp nhận làm đại diện cho các tổ chức, cá nhân mua bán nợ, thì chắc chắn đó phải là những NH đang rất gắn bó với những cá nhân, tổ chức này, thậm chí là đặt mục tiêu thông qua các tổ chức, cá nhân này để mua nợ,” nuôi nợ” mà không phải đàm phán trực tiếp hoặc đấu giá các khoản nợ từ các NH khác.
Nợ xấu, nợ quá hạn, nợ khó đòi càng lớn, nhu cầu tài chính của DN, người dân càng tăng lên để chỉ với mục đích trả nợ. Nợ xấu càng lớn, nhu cầu vốn để để tăng trích lập dự phòng và đảm bảo khả năng thanh toán của các NH luôn trong tình trạng thiếu thanh khoản càng cao. NH đảm bảo thanh toán đã khó, thì sẽ không dễ tìm được nguồn vốn cho trích lập dự phòng dồi dào nhằm xóa bớt nợ xấu. Nếu NHNN không giám sát chặt khâu quản lý nợ xấu của các NHTM, đặc biệt của các NHTM quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, thì với áp lực những NH nào có nợ xấu cao sẽ bị đưa ra “xử trảm”, bị bắt buộc tái cấu trúc, sáp nhập, hợp nhất vào các NH khác, có khả năng các NH cũng sẽ “làm liều” bằng mọi cách, thậm chí mua bán nợ xấu “phá giá” để đối phó với áp lực đó. Và như vậy, nền tảng của hệ thống tín dụng – niềm tin của khách hàng vào mạch huyết của nền kinh tế - đang có nguy cơ bị đe dọa bởi những kế hoạch mua bán nợ thiếu tường minh!
Tổng nợ xấu của hệ thống đến tháng 6/2011 vào khoảng 75.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng là 2,16% vào cuối năm 2010, hiện đã tăng lên 3,1% vào cuối tháng 6. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tới 47% tổng nợ xấu và chủ yếu là các khoản nợ BĐS.
Phát biểu của ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, trong một hội thảo tại TPHCM |
Lê Mỹ
Diễn đàn Doanh nghiệp
|