Khó khăn của hệ thống ngân hàng không phải do WTO
Đó là phát biểu của ông Trương Đình Tuyển trong buổi tọa đàm “Thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng Việt Nam hậu gia nhập WTO” do CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học (YRC) - trường Đại học Ngoại thương tổ chức vào ngày 9/11.
Bà Nguyễn Thị Quy, nguyên Hiệu phó, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng trường Đại học Ngoại thương cho rằng, sau gần 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang bộc lộ một số tồn tại như trình độ công nghệ chưa cao, năng lực quản trị, điều hành còn yếu kém và đặc biệt là năng lực tài chính chưa đảm bảo. Bà Quy dẫn chứng, cuối năm 2010 tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vào khoảng 2,5%. Tính đến hết quý III/2011, 3 trong số 8 ngân hàng đang niêm yết có tỷ lệ nợ xấu từ 2,8% trở lên.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - MSB) còn bảy tỏ những lo ngại về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng hiện nay. “Nếu chỉ đánh giá CAR của các ngân hàng đạt trên 8% hay 9% là chưa đủ. Thực tế cho thấy, việc tính CAR theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam (VSA) còn chênh lệch rất nhiều so với việc tính CAR theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và điều này gây ra không ít khó khăn cho vấn đề quản lý”, ông Quang Anh chia sẻ.
Chia sẻ về thách thức của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi gia nhập WTO, ông Trương Đình Tuyển cho biết, những thách thức hiện tại với hệ thống tài chính - ngân hàng không phải do WTO mang lại mà xuất phát từ những yếu kém nội tại của các ngân hàng Việt Nam. Việc gia nhập WTO đã nhanh chóng chỉ ra những yếu kém đó. Vì vậy theo ông Tuyển, đó chính là cơ hội để các ngân hàng tìm cách khắc phục.
Theo các chuyên gia, để đứng vững trong môi trường cạnh tranh quyết liệt, nhất là trong sân chơi như WTO, đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam phải nỗ lực đổi mới và cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác quản trị, kiểm soát và điều hành.
Cường Việt
đầu tư chứng khoán
|