Công khai kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng là cần thiết
Một việc quan trọng như tái cấu trúc ngân hàng cần được lấy ý kiến của các chuyên gia tài chính, ngân hàng trong nước và thế giới, càng nhiều càng tốt.
Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2011 ban hành ngày 9/11, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2011.
Trao đổi về vấn đề này, ông Sameer Goyal - Chuyên gia tài chính cao cấp, điều phối viên về tài chính và phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam của WB Việt Nam, cho rằng: Việc công khai một đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là điều tối cần thiết và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Nhận diện khó khăn
Thời gian qua, đã có những lo ngại về hệ thống ngân hàng Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, thị trường bất động sản có thể gặp rủi ro, hoạt động không hiệu quả của các DNNN gây tốn kém cho nền kinh tế. Những lo ngại này đang gây sức ép lên nền kinh tế, buộc chính phủ phải tìm cách tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thông qua tái cơ cấu các ngân hàng và các định chế tài chính.
Theo ông Sameer Goyal, việc tái cấu trúc ngân hàng hay bất kỳ một hệ thống nào cũng cần nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, cần trả lời được câu hỏi tại sao phải tái cấu trúc, tái cấu trúc khía cạnh nào, các ngân hàng sẽ hoạt động như thế nào sau quá trình tái cấu trúc, các ngân hàng sẽ xử lý các khoản nợ xấu như thế nào…
Khi nói đến cụm từ “tái cấu trúc hệ thống ngân hàng” cần hiểu hệ thống ngân hàng đang gặp những vấn đề gì, đâu là những rủi ro chính và rủi ro lớn nhất đối với ngân hàng để có những kế hoạch hợp lý giải quyết các rủi ro đối với hệ thống. Từ việc nhận diện được những vấn đề và những rủi ro này, chính phủ có thể đưa ra những kế hoạch tổng quát và chi tiết đối với việc tái cấu trúc. Không chỉ đơn thuần là làm tăng vốn cho các ngân hàng mà chính phủ có thể đứng sau lưng hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng, theo từng lĩnh vực của nền kinh tế.
Bước đầu tiên, quan trọng là nhận diện những rủi ro của hệ thống, nhận diện từng ngân hàng đang rơi vào vòng nguy hiểm, ngân hàng nào thật sự cần được hỗ trợ, ngân hàng nào cần được tái cấu trúc, sau đó mới xem xét cách làm.
Điều quan trọng được ông S. Goyal đưa ra với hệ thống ngân hàng là nguồn vốn. “Các ngân hàng sẽ bị buộc phải đáp ứng một tỷ lệ vốn nhất định tại thời hạn cần thiết. Đó không phải là điều dễ dàng nhưng cần thực hiện. Cũng cần phải đảm bảo là các ngân hàng không bị sụp đổ trong quá trình tái cấu trúc và khả năng thanh khoản của ngân hàng vẫn được duy trì”.
Không phải cứ sáp nhập là mạnh lên
Khi thực hiện quá trình này, ông S. Goyal cho rằng, đừng kỳ vọng việc sáp nhập một ngân hàng mạnh với một ngân hàng yếu có thể biến thành một ngân hàng mạnh. Mà ngược lại, trong một số trường hợp có thể biến ngân hàng mạnh trở nên yếu hơn. Cũng không nên cho rằng các ngân hàng nhỏ là những ngân hàng yếu. Do đó, quá trình mua bán hoặc sáp nhập cũng đều cần được tính toán kỹ lưỡng.
Ông S. Goyal cho rằng, Chính phủ nên đóng vai trò định hướng về cách thực hiện, phải làm việc gì, vào thời điểm nào. Hiện tại, trên thị trường ngân hàng Việt Nam có các loại ngân hàng khác nhau. Thách thức lớn nhất đối với quá trình tái cơ cấu chính là nhìn rõ và nắm chắc được những gì thực tế đang diễn ra trên thị trường.
“Nên bật đèn xanh cho hoạt động nào, đèn vàng cho hoạt động nào và đèn đỏ để dừng những hoạt động không hợp lý. Cần đảm bảo cho những lĩnh vực kinh doanh cần tiền có thể tiếp cận đến nguồn vốn và người muốn cho vay cũng cảm thấy yên tâm khi bỏ tiền vào hệ thống ngân hàng” – ông S. Goyal nhấn mạnh.
Việc tái cấu trúc hệ thống cũng đã diễn ra ở nhiều nước. Sự thành công của quá trình này có thể được đong đếm bằng nhiều thước đó khác nhau. Trong một số trường hợp, cái giá phải trả có thể là thấp. Một số trường hợp khác, cái giá phải trả của nền kinh tế lại khá cao. Do đó, việc quan trọng nhất là cần phân tích thật kỹ trước khi tiến hành và làm từng bước một.
“Sự thành công của quá trình tái cơ cấu có thể đến sau 2 năm hoặc cũng có thể sau 5 năm. Do đó, để giảm thiểu tốn kém của nền kinh tế, tăng hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, việc phân tích kỹ các yếu tố liên quan là tối quan trọng. Việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước là rất cần thiết. Quá trình tái cơ cấu cần được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng” – ông S. Goyal khẳng định.
Về việc chọn ra nhóm 12 ngân hàng thương mại mạnh, ông S. Goyal cho rằng, điều này không tránh khỏi cảm giác của một số người cho rằng đó là những ngân hàng được ưa thích hơn. Do đó, cũng có lo ngại về khả năng các ngân hàng này sẽ thiên vị trong các ý kiến đóng góp của mình khi được SBV tham khảo.
Ngân hàng Nhà nước đã công bố quan điểm và nguyên tắc cơ bản đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng, trong đó khẳng định: Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền; Quá trình tái cơ cấu được triển khai thận trọng trên nguyên tắc tự nguyện với lộ trình và bước đi cụ thể, thích hợp.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu nhằm tạo ra một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và có khả năng cạnh tranh tốt; Chuẩn bị tốt cơ sở pháp lý cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; xây dựng phương án tổng thể xác định nhu cầu bổ sung vốn điều lệ cho tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước./. |
Vũ Hạnh
VOV
|