Những giải pháp căn cơ giúp hạ nhiệt lãi suất
“Để đạt được mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết là phải tạo môi trường thông thoáng, và những điều kiện, phương tiện thuận lợi cho phát triển, trong đó có vấn đề kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời cũng phải điều tiết lưu lượng tiền tệ, cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế hoạt động ổn định, không nhiều quá để gây ra lạm phát, mà cũng không ít quá để gây ra thiểu phát”.
Đó là một trong những ý kiến vừa được ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp đưa ra, trước bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu mức lãi suất khá cao, cùng với đó là khả năng lạm phát có dấu hiệu tăng cao.
Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hồi đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 11, và đề ra 6 giải pháp cơ bản và các chi tiết thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay lạm phát vẫn chưa được giảm mà ở mức cao và có khả năng tiếp tục gia tăng. Tình hình kinh tế vĩ mô chẳng những chưa được cải thiện mà còn có chiều hướng đình đốn, bất ổn, đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn, một tỷ lệ không nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy cần phải có những điều chỉnh gì để Nghị quyết 11 phát huy tác dụng?.
Giải quyết vấn đề này, theo ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp, để đạt được mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết là phải tạo môi trường thông thoáng, và những điều kiện, phương tiện thuận lợi cho phát triển, trong đó có vấn đề kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời cũng phải điều tiết lưu lượng tiền tệ. Cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế hoạt động ổn định, không nhiều quá để gây ra lạm phát, mà cũng không ít quá để gây ra thiểu phát.
Việc quản lý không tốt, đầu tư giàn trải, điều hành lỏng lẻo, giám sát không nghiêm, làm rò rỉ đầu tư công, đẩy ra trong nền kinh tế quá nhiều phương tiện bất minh, không định hướng, là một tác nhân tạo ra lạm phát. Vì vậy, việc này Chính phủ cần quyết liệt thanh tra, giám sát, và nghiêm túc áp dụng các biện pháp chế tài để đầu tư công được có hiệu quả, giảm lãng phí ngân sách và giảm áp lực lạm phát, ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, để hạ lãi suất vai trò của ngân hàng trung ương (NHTW) là nhanh chóng chấm dứt tình trạng hổn loạn các ngân hàng thương mại (NHTM) thi đua lãi suất để huy động vốn trong nhân dân. NHTW sẽ cung ứng lượng tiền cần thiết. NHTW sẽ cho NHTM vay vốn với lãi suất hợp lý để NHTM không còn nhu cầu tranh đua huy động vốn. Lãi suất trên thị trường sẽ tức khắc hạ nhiệt.
Với một nguồn tín dụng ổn định, lãi suất vay hợp lý, doanh nghiệp sẽ phát triển ổn định, chi phí đầu vào giảm, giá thành sản phẩm thấp, giá thành dịch vụ thấp, giá bán ra giảm sẽ dẫn đến hạ chỉ số giá tiêu dùng, giảm áp lực lạm phát, ông Thành khẳng định.
Với một nền kinh tế phát triển ổn định, hàng hóa nội địa dồi dào, chất lượng cao sẽ dẫn đến tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá, và dần dần nâng cao hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới, tạo đà cho Việt Nam tiếp cận nguồn vốn quốc tế với lãi suất hợp lý, điều kiện cốt yếu đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầng cao mới, hội nhập kinh tế thế giới, ông Thành nói.
Một khi tình trạng lạm phát được khống chế, lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế được ổn định và đầy đủ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh phát triển, NHTW sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất và từng bước thu hồi lượng tiền cung ứng cho hệ thống NHTM, phù hợp với nhu cầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Minh Hường
vnmedia
|