Ông Vũ Viết Ngoạn: "Các ngân hàng phải đồng nhất chuẩn về nợ xấu"
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35 sẽ công khai nợ xấu theo các tiêu chuẩn quốc tế, từ 1/4/2012. Bên lề Quốc hội sáng ngày 15/11, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: "Một trong những nhiệm vụ quan trọng là từ nay đến 1/4/2012 là các ngân hàng phải đồng nhất hoặc không đồng nhất thì phải ghi rõ là nợ xấu áp dụng theo phân loại rủi ro gì và trích lập dự phòng như thế nào."
|
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn |
Nên minh bạch thông tin
Quan điểm của ông như thế nào về thông tin từ 1/4/2012 Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố công khai nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi cho rằng đây là lộ trình rất tốt, hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung trong tương lai là cần phải minh bạch thông tin. Bản thân nền kinh tế thị trường phải điều tiết, người dân họ phải được biết ngân hàng nào tốt, ngân hàng nào chưa tốt để họ còn gửi tiền hoặc có những giao dịch khác.
Ông đánh giá mức độ khả thi của chủ trương này như thế nào, về kỹ thuật thì chúng ta cũng chưa phân loại nợ theo các thông lệ quốc tế đồng nhất trong các ngân hàng và bản thân các ngân hàng cũng không muốn minh bạch thông tin, nhất là nợ xấu?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Đúng là như vậy, hiện nay cũng có nhiều người quan tâm là từ nay đến 1/4/2012, có vẻ thời gian hơi gấp, chúng ta phải áp dụng làm sao đồng nhất một chuẩn, nếu không đồng nhất được thì mỗi ngân hàng sẽ công bố một kiểu. Thực ra chuẩn cũng là do Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng hiện nay vẫn có hai kiểu chuẩn: một là áp dụng theo điều 6, hai là áp dụng theo điều 7 của Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín. Nếu áp dụng theo điều 7 thì nợ xấu thường cao hơn những ngân hàng áp dụng theo điều 6.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là từ nay đến 1/4/2012 là các ngân hàng phải đồng nhất hoặc không đồng nhất thì phải ghi rõ là nợ xấu áp dụng theo phân loại rủi ro gì và trích lập dự phòng như thế nào... Tôi nghĩ rằng chuẩn nợ xấu thì có thể đồng nhất được, bên cạnh đó là trích lập dự phòng rủi ro theo điều 6 và điều 7 cần phải có sự thống nhất.
Hỗ trợ ngân hàng nhỏ là rất tốt
Ông đánh giá thế nào về việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng nhỏ trong thời điểm hiện nay. Động thái này đã nói lên điều gì?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi nghĩ, trong lĩnh vực ngân hàng, sự phối hợp giữa các ngân hàng với nhau là rất cần thiết, khi mà dòng chảy liên ngân hàng bị đình trệ là hết sức nguy hiểm. Người ta vẫn nói “buôn có bạn, bán có phường”, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng thì lại càng quan trọng bởi vì bản chất tự nhiên của nó là tính liên thông. Không có một thị trường nào lại có quy mô lớn như thị trường liên ngân hàng. Người ta không nói thị trường liên xi măng, thị trường liên thép, nên cần phải kết cấu cho thị trường này gắn bó với nhau là rất cần thiết.
Trong điều kiện hiện nay có vai trò của ngân hàng lớn hỗ trợ cho ngân hàng nhỏ là rất tốt vì người dân sẽ nhìn thấy được ngân hàng này nhỏ nhưng lại được ngân hàng lớn hỗ trợ, được truyền lực thì tốt quá, như vậy sẽ tạo được niềm tin của người dân hơn.
Vấn đề là khả năng của các ngân hàng nhỏ làm thế nào để trả được vốn cho các ngân hàng đã hỗ trợ mình?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Đúng rồi, vấn đề là chỉ hỗ trợ về mặt thanh khoản thôi, chỉ những ngân hàng nào khó khăn thanh khoản tạm thời thôi.
Chúng ta phải phân biệt thanh khoản có nhiều yếu tố khác nhau, thanh khoản đây có thể do yếu tố tạm thời cân đối dòng tiền, tức là người ta không mất khả năng thanh toán, không mất khả năng chi trả, cân đối tài chính của họ vẫn tốt, thì đấy lại là câu chuyện khác. Ví dụ, trước đây tôi có tiền và đã cho vay 1 triệu đồng chưa thu hồi được, nhưng hiện tại tôi đang cần một khoản để đầu tư việc khác và tôi lại đi vay chỗ khác tạm thời 800.000 đồng rồi lấy 1 triệu đồng về trả sau. Đó là chuyện bình thường.
Còn mất khả năng thanh khoản do gốc gác của vấn đề là lỗ vốn, tổn thất về tài chính thì ngân hàng đó đã mất khả năng chi trả rồi.
Từ câu chuyện của BIDV, ta hình dung như thế nào về vai trò của các ngân hàng quốc doanh trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng không thưa ông?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi nên coi đó là một bước để tiến tới hình thành các ngân hàng lớn tham gia hỗ trợ các ngân hàng nhỏ. Khi đã có thời gian tìm hiểu nhau thì việc đi đến “kết duyên” với nhau là rất tốt.
Chúng ta có đưa ra những yêu cầu cụ thể về trách nhiệm của các ngân hàng quốc doanh trong việc tái cơ cấu này không?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Cái đó thì cần phải nghiên cứu tiếp, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý sẽ phải phân tích xem có cần thiết phải đặt vấn đề ấy ra không, nhưng tôi cho rằng, nếu đặt ra điều đó phát hiện thấy thực sự cần thiết thì cũng nên khuyến khích.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm lắm, tiếp tục phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, quản trị rủi ro… thì chúng ta mới có ngân hàng thực sự mạnh theo đúng nghĩa.
Năng lực cạnh tranh của ta so với các ngân hàng quốc tế thì cũng chưa thể đạt được, chúng ta vấn còn nhiều việc phải làm.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng cần phải cải cách khối ngân hàng giảm về số lượng và tăng về quy mô, vậy theo ông thời điểm nào tiến hành cải cách là phù hợp?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi, chúng ta cần phải xác định một lộ trình, đúng là có một số ngân hàng quá yếu kém kể cả năng lực tài chính và vấn đề quản lý. Có lẽ chúng ta cũng không nên để ngân hàng đó duy trì mãi. Tôi nghĩ là có nhiều cách, những ngân hàng khác có thể hỗ trợ, giúp đỡ bằng cách các ngân hàng phải hợp nhất với nhau. Chúng ta cũng phải hiểu, hợp nhất các ngân hàng là điều hết sức bình thường, các cổ đông làm thế nào để mang lại nhiều lợi nhuận, lợi tức cho mình nhất, có khi họ sáp nhập vào ngân hàng mạnh có khi họ lại phát triển mạnh hơn và có lợi tức nhiều hơn. Bản thân các nhà đầu tư cũng phải có suy nghĩ như vậy.
Theo tôi cũng không nên cứng nhắc đưa ra câu hỏi khi nào thì diễn ra việc đó, thay vào đó bằng cách chúng ta đưa ra một lộ trình phù hợp với tiêu chuẩn, rõ ràng và minh bạch. Bản thân các ngân hàng tự họ sẽ phải xem xét thích ứng, nếu đến một thời điểm nào họ không đáp ứng được, tôi nghĩ kinh nghiệm thế giới họ có nhiều rồi, Nhà nước có thể bỏ tiền ra đóng góp vào đó rồi chịu sự quản lý của Nhà nước cho đến khi nào thích hợp thì Nhà nước lại chuyển đổi... Tôi nghĩ có nhiều cách để chúng ta làm.
Vậy theo ông tái cơ cấu theo hướng nào là phù hợp và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia sẽ đóng góp như thế nào trong việc tái cơ cấu này?
Ông Vũ Viết Ngoạn: Tôi thì cho rằng, thứ nhất chúng ta phải hình dung thiết kế cho ngân hàng tương lai của chúng ta như thế nào, phải định dạng cho rõ. Thứ hai là phải xem xét xem từng ngân hàng đang ở mức độ nào để chúng ta hỗ trợ họ, giúp cho họ vượt qua được những khó khăn hiện tại, cũng như các doanh nghiệp cũng thế thôi, xem các doanh nghiệp này khó khăn ở đâu. Như vậy bản thân mỗi ngân hàng phải hoạch định xem mình có trách nhiệm gì và cần Nhà nước hỗ trợ gì.
Nhà nước hỗ trợ thì có nhiều cách, có thể là Nhà nước thông qua các ngân hàng khác, khuyến khích họ để họ hỗ trợ cho nhau, tôi cho rằng đó là cách rất tốt. Nhưng có điều là cơ quan quản lý Nhà nước phải phân tích kỹ và chỉ ra từng hạng mục hoạt động của ngân hàng có điểm gì tốt, điểm gì chưa tốt, điểm gì yếu kém và cần phải khắc phục như thế nào, mức độ khắc phục ra sao.
Ví vụ vốn của họ còn yếu, chỉ số an toàn thấp, thanh khoản, kỳ hạn của họ mất cân đối thì còn phải điều chỉnh, quản trị của họ yếu kém thì phải thay đổi phương thức quản trị, hệ thống giám sát nội bộ của họ cần phải tăng cường lên và phải có thời gian để họ điều chỉnh và xử lý thích hợp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quyết định 493 về phân loại nợ xấu ban hành năm 2005, ngân hàng có thể phân loại nợ theo hai cách:
Cách thứ nhất được hầu hết các ngân hàng áp dụng (theo Điều 6): Phân loại nợ dựa vào thời gian quá hạn và số lần cơ cấu khoản nợ, từ đó chia thành năm nhóm, từ mức đủ tiêu chuẩn cho tới mức nợ có khả năng mất vốn. Ví dụ, nợ quá hạn dưới 90 ngày thì đưa vào nợ cần chú ý, nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày đưa vào nhóm nợ nghi ngờ... Cách phân loại như vậy, theo các chuyên gia tài chính và kiểm toán, khi đối chiếu với chuẩn mực kế toán quốc tế, không phản ánh đầy đủ khả năng thu hồi vốn.
Cách thứ hai (theo Điều 7): Khi phân loại nợ, ngân hàng phải xây dựng được hệ thống đánh giá tín dụng doanh nghiệp nội bộ. Với cách xếp hạng này, ngân hàng sẽ chủ động đánh giá được doanh nghiệp trước khi cho vay. Chẳng hạn, nếu đối tượng doanh nghiệp được cho vay là thuộc nhóm có rủi ro cao, thì khoản cho vay đối tượng này cũng phải được xếp vào loại nợ có rủi ro cao, chứ không chờ đến khi rủi ro xảy ra. |
Minh Thúy
VIETNAM+
|