Thứ Tư, 16/11/2011 17:18

Tái cấu trúc ngân hàng: Nên lựa chọn cả nhà băng ngoại

Trao đổi với ĐTCK về chủ đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Thị trường vốn và tiền tệ, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, việc sử dụng các ngân hàng nước ngoài để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nên là một lựa chọn. Số lượng các ngân hàng nước ngoài cũng không nên tăng thêm.

Với quan điểm của người làm việc tại ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam, theo ông, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang tồn tại vấn đề gì?

Số lượng ngân hàng hiện ở tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Thừa do có quá nhiều ngân hàng cho nền kinh tế và thiếu do không có đủ các ngân hàng hoạt động hiệu quả giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các ngân hàng mới thành lập sẽ chịu áp lực rất lớn để giành thị phần và tạo lợi nhuận trong thời gian ngắn nhất. Điều này sẽ dẫn đến việc có thể chấp nhận quá nhiều rủi ro (đặc biệt rủi ro tín dụng) so với khả năng hoặc cung ứng sản phẩm với giá không đủ bù đắp chi phí.

Bên cạnh đó, các ngân hàng mới thành lập thường gặp rất nhiều khó khăn về thanh khoản do lượng khách hàng gửi tiền còn nhỏ trong khi tăng trưởng tín dụng nhanh để giành thị phần. Khi các ngân hàng này có khó khăn thanh khoản, gây nên tâm lý bất ổn cho người gửi tiền, cả hệ thống ngân hàng có thể bị ảnh hưởng.

Đồng thời, với sự phát triển rất nhanh của các ngân hàng trong thời gian vừa qua cũng như việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, các ngân hàng không có đủ lực lượng quản lý được đào tạo bài bản về quản trị ngân hàng. Điều này đã dẫn đến hàng loạt các vụ lừa đảo gần đây, gây thất thoát tài sản của ngân hàng.

Trong khi đó, tốc độ phát triển của hệ thống ngân hàng không thể phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, tình trạng thiếu minh bạch trong BCTC của nhiều ngân hàng, bao gồm giấu hoặc chuyển lỗ, không hạch toán đúng chi phí dự phòng tín dụng, đúng các khoản chi phí và thu nhập… Nếu không sàng lọc và tái cấu trúc sớm, các vụ đổ vỡ hàng loạt trong hệ thống tổ chức tín dụng có thể xảy ra và sẽ khó kiểm soát.

Theo tôi, hiện nay, chúng ta không có lựa chọn có nên tái cấu trúc hay không. Chúng ta chỉ được lựa chọn cách thức tái cấu trúc như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và không gây xáo trộn cho hệ thống ngân hàng,

Trong quá trình tái cấu trúc, hệ thống ngân hàng sẽ gặp phải những thách thức gì? Đâu là thách thức lớn nhất mà hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đối mặt?

Nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được đặt ra từ vài năm trước đây nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do các vấn đề sau: Thứ nhất, các ngân hàng nhỏ vừa được thành lập trong một vài năm gần đây. Nếu ép buộc sáp nhập ngay với các ngân hàng lớn hơn, các cổ đông lớn (có thể bao gồm các DN lớn) của các ngân hàng này sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Các nhóm lợi ích này sẽ tìm mọi cách để cản trở/trì hoãn quá trình sáp nhập. Thứ hai, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không chỉ sáp nhập các ngân hàng nhỏ với các ngân hàng lớn mà còn phải làm lành mạnh hóa các ngân hàng lớn bởi bản thân các ngân hàng lớn cũng có rất nhiều vấn đề phải giải quyết ngay. Thứ ba, sự minh bạch hóa các BCTC và sổ sách vẫn là một vấn đề. Nếu thiếu sự minh bạch, NHNN sẽ rất khó chuẩn đoán bệnh một cách chính xác của từng ngân hàng và biết được ngân hàng nào đang có vấn đề cần được xử lý. Chuẩn mực kế toán cũng cần được nâng lên để xác định đúng nợ xấu của các ngân hàng nhằm tránh trường hợp các ngân hàng dùng các thủ thuật khác nhau để giấu lỗ hay chuyển lỗ tạm thời qua các tổ chức kinh tế không thuộc sự giám sát của NHNN. Thứ tư, kích cỡ các ngân hàng nhỏ cũng đã tăng lên rất nhiều so với vài năm trước đây. Do đó, việc một ngân hàng lớn sát nhập một ngân hàng nhỏ hơn không còn dễ dàng như trước đây nữa. Trong các vấn đề trên, vấn đề đầu tiên là nan giải nhất, đòi hỏi sự nhất quán, kiên định trong quá trình tái cơ cấu.

Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, liệu có cần phải đưa cả các ngân hàng nước ngoài vào tái cấu trúc?

Việc sử dụng các ngân hàng nước ngoài để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nên là một lựa chọn. Nếu NHNN chỉ yêu cầu các ngân hàng quốc doanh hoặc các ngân hàng cổ phần lớn tham gia việc sát nhập và mua lại, việc này có thể tạo áp lực rất lớn lên các ngân hàng này về vốn và khả năng tạo lợi nhuận.

Một ngân hàng mạnh kết hợp với một ngân hàng yếu hơn nhiều chưa chắc sẽ tạo nên một ngân hàng mạnh. Việc lựa chọn cách thức tái cấu trúc như thế nào nên được dựa trên quan điểm lợi ích của quốc gia (sử dụng ít nguồn vốn của quốc gia nhất mà đạt được hiệu qủa cao nhất trong việc lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng) thay vì dựa vào lợi ích của bất kỳ tổ chức nào.

Ngoài ra, số lượng các ngân hàng nước ngoài cũng không nên tăng thêm vì hơn 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài hiện nay đã là quá nhiều cho nền kinh tế.

Những ngân hàng nước ngoài vốn được nhìn nhận là mạnh, quản trị tốt... phải chăng với quá trình tái cấu trúc các ngân hàng này có nhiều lợi thế hơn?

Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm quản trị (đặc biệt trong việc điều hành sau sáp nhập/mua lại) sẽ có lợi thế rất lớn trong việc tham gia tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian ngắn nhất.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt vấn đề về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bởi rất nhiều các quốc gia trong khu vực châu Á đã trải qua thời kỳ này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Do đó, các ngân hàng nước ngoài có mạng lưới rộng trên thế giới có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Tôi tin rằng, các ngân hàng này sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với NHNN và các ngân hàng tại Việt Nam trong việc thực hiện tái cấu hệ thống ngân hàng, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng hết sức khó khăn.

Ông nhận định như thế nào về cơ hội tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết. Một nền kinh tế chỉ có thể khỏe mạnh khi được sự hỗ trợ của một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Trước diễn biến của khủng hoảng tài chính tòan cầu và các khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, đây là thời cơ để tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng một cách toàn diện nhất.

Tại Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng khóa XI, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được xem một trong 3 nhiệm vụ hàng đầu cần thực hiện để tái cấu trúc nền kinh tế.

Hiện tại, NHNN đang dự thảo nghị định buộc các ngân hàng có vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Khi nghị định này được ban hành, nhiều ngân hàng không thể đáp ứng được. Điều này sẽ buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc, sáp nhập để trở thành những ngân hàng mạnh. Do đó, về mặt chủ trương, chính sách và hoàn cảnh thị trường đã rất thuận lợi cho sự cải tổ về cơ bản hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều quan trọng là sự kiên định trong quá trình thực hiện.

Hồng Dung thực hiện

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dự báo mới cho xu hướng giảm lãi vay (16/11/2011)

>   'Độ mở van tín dụng bất động sản quá hẹp' (16/11/2011)

>   Đừng quá khắt khe với ngân hàng nhỏ (16/11/2011)

>   Khi ngân hàng phải thế chấp để vay tiền doanh nghiệp (16/11/2011)

>   Tín dụng bất động sản: Có “vé” thì qua… (16/11/2011)

>   Tiến sĩ Trần Du Lịch: NHNN đang điều hành linh hoạt (16/11/2011)

>   Ngân hàng và ‘cuộc chiến’ địa bàn (16/11/2011)

>   Ngân hàng phải báo cáo về cho vay doanh nghiệp FDI trước 30/11 (15/11/2011)

>   'Không nên hạn chế tín dụng phi sản xuất kiểu máy móc' (15/11/2011)

>   Kiểm soát lãi suất, tỉ giá bằng luật (15/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật