Thứ Hai, 21/11/2011 14:32

70% ngân hàng TPHCM có dư nợ phi sản xuất cao

Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 10/2011 dư nợ cho vay phi sản xuất trên địa bàn tuy đã giảm xuống còn 18,57% tổng dư nợ; song vẫn còn hơn 10 ngân hàng trên 16 TCTD có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất cao.

Quy định mới của NHNN về cho phép các ngân hàng loại trừ 4 nhóm đối tượng vay vốn khi tính dư nợ cho vay phi sản xuất, như tháo một gánh nặng cho nhiều ngân hàng không thể giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 16%.

Dồn dập thu nợ

Trước khi có quy định mới, các ngân hàng đang chạy đôn chạy đáo thu hồi nợ từ các khoản vay phi sản xuất, trong đó phần lớn là dư nợ bất động sản, để giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống còn 16% vào thời điểm cuối năm.

Áp lực thúc nợ từ các ngân hàng là rất lớn, song thị trường lại ảm đạm khiến không ít chủ đầu tư đã phải bỏ của chạy lấy người, chấp nhận “bán lúa non” để thu hồi vốn, trả nợ. Có lẽ vì thế nên thời gian qua bùng nổ làn sóng mua "lúa lon" của các công ty bất động sản nước ngoài. Thậm chí công ty nước ngoài sẵn tay chi hoa hồng cho nhân viên ngân hàng nếu giới thiệu dự án nào cần vốn thanh toán nợ. Nhiều công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính còn mua đứt cả dự án bất động sản và cả giá trị thương hiệu doanh nghiệp nhiều năm gây dựng.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, những tổ chức nước ngoài nhiều tiền nhảy vào mua dự án bất động sản của những công ty trong nước hiện nay giá nào cũng có lợi nhuận. Chẳng hạn một mặt bằng khoảng 5.000 m2 khu vực cận trung tâm TP. Hồ Chí Minh xây dựng một cao ốc trên 30 tầng, căn hộ đã ra hàng nhưng không bán được. Doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm chỉ cần bán diện tích đất đã thu lời to cho dù phải bao thủ tục lo giấy phép xây dựng. Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, số doanh nghiệp làm sổ đỏ cho đất nền và ra hàng căn hộ may ra còn vớt vát lại chút ít lợi nhuận, chứ doanh nghiệp nào vay tiền ngân hàng từ nền móng kể như thua.

70% ngân hàng TP. Hồ Chí Minh dư nợ phi sản xuất cao

Do các khoản cho vay phi sản xuất phần nhiều là đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trong khi thị trường này thời gian qua gần như “đóng băng” nên dù các ngân hàng rất nỗ lực đốc nợ, song cũng chẳng thu được bao nhiêu. Và để giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất, nhiều ngân hàng đang nỗ lực làm tăng mẫu số, tức tổng dư nợ. Hệ quả là, dù tỷ trọng dư nợ phi sản xuất có giảm, song số tuyệt đối thì chẳng giảm bao nhiêu.

Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 10/2011 dư nợ cho vay phi sản xuất trên địa bàn tuy đã giảm xuống còn 18,57% tổng dư nợ; song vẫn còn hơn 10 ngân hàng trên 16 TCTD có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất cao. Điển hình: NamABank 19,68% trên hơn 4 ngàn tỷ đồng tổng dư nợ; Sacombank (STB) 19,6% trên 78 ngàn tỷ đồng; SCB 19,32% trên 42 ngàn tỷ đồng; Eximbank (EIB) 17,2% trên hơn 73 ngàn tỷ đồng; HDBank 18,8% trên 13 ngàn tỷ đồng; ABBank 18,95% trên 17 ngàn tỷ đồng; DongABank 17% trên 47 ngàn tỷ đồng; NaviBank (NVB) 17,2% trên 12 ngàn tỷ đồng; GiaĐinhBank hơn 17% trên 4 ngàn tỷ đồng; OCB (Oricombank) 16,68% trên 12 ngàn tỷ đồng.

Các chuyên gia ngân hàng nhìn nhận chỉ thống kê theo tỷ lệ, song con số nợ xấu ngân hàng cũng từ đây đẻ ra, do hơn 90% dư nợ phi sản xuất là cho vay bất động sản. Cán bộ nguồn vốn các ngân hàng cho biết, một số doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề "lẩn" nợ vay bất động sản vào một lĩnh vực sản xuất kinh doanh của công ty sau đó trả dần. Đối với những doanh nghiệp thuần kinh doanh bất động sản đến thời điểm này chưa thu hồi được nợ chỉ còn cách chuyển loại tín dụng đó sang công ty quản lý nợ trực thuộc ngân hàng và nợ xấu từ đây đi ra.

Lan tỏa cho thị trường

Việc NHNN cho phép các ngân hàng loại trừ 4 nhóm đối tượng vay vốn khi tính dư nợ cho vay phi sản xuất chẳng những tháo gỡ gánh nặng cho các NHTM có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất cao, mà còn thổi một luồng sinh khí mới cho thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, từ việc tháo áp lực thu hồi nợ vay phi sản xuất cho các ngân hàng, việc nới rộng cho vay mua nhà để ở sẽ lan tỏa sang bất động sản, giảm bớt khó khăn cho thị trường. Bởi thực tế người mua nhà ở bằng thu nhập tiền lương hiện phải dựa một phần quan trọng vào vốn vay ngân hàng, những khoản tín dụng nhà ở thực chất này mang lại lợi nhuận cho ngân hàng bằng thu lãi vay vốn dài hạn.

Bên cạnh đó, động thái này còn có thể ngăn chặn được các cơn bán tháo bất động sản. Bởi các ngân hàng còn dư địa tín dụng có thể cấp thêm vốn cho những dự án xây dựng nhà ở khả thi, đặc biệt các ngân hàng không phải đốc thúc doanh nghiệp bất động sản trả nợ vay bằng mọi giá trong năm 2011.

Theo đó nhiều công trình nhà ở đang chờ vốn có cơ hội tái khởi động trở lại, kéo thị trường thị trường vật liệu xây dựng, trang thiết bị, nội thất ấm dần theo. Thị trường bất động sản sẽ không chỉ là thị trường của người bán và chủ đầu tư sẽ lắng nghe thị trường hơn khi phát giá bán sản phẩm nhà ở.

Tuy nhiên, sẽ  không có chuyện các ngân hàng phải mở tín dụng cho vay tiêu dùng, bất động sản dồn dập vào cuối năm, do nhiều ngân hàng mấy tháng nay đã khóa van tín dụng, vì hết hạn mức tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo một số ngân hàng lớn cho biết, sẽ chọn những dự án tốt, khách hàng tốt cho vay bất động sản. Chủ tịch HĐQT một NHTMCP khu vực phía Nam cho biết, cần phải thanh tra kiểm soát chắt chẽ các đối tượng được phép vay vốn mua nhà ở đích thực.

Hiện một số ngân hàng huy động vốn cho chính những công ty thành viên trực thuộc kinh doanh bất động sản, theo đó những chủ ngân hàng loại này có thể sẽ lẩn phần vay bất động sản vào diện vay nhà ở. Một chuyên gia kinh tế thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong số dư nợ phi sản xuất đến cuối tháng 10/2011 có nhiều khoản vay bất động sản được đảo nợ nhiều lần từ năm 2008. Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2012 sẽ chạy xung quanh mức 10-12%, dư nợ cho bất động sản sẽ không còn lớn như những năm qua. Giới kinh doanh bất động sản những năm tới phải tìm một kênh vốn khác trên thị trường vốn, không thể dựa hết vào hệ thống ngân hàng để đầu tư bất động sản.

Theo báo cáo của NHNN, hết tháng 10/2011 vẫn còn nhiều ngân hàng cho vay phi sản xuất có tỷ trọng từ 17-19% trên tổng dư nợ hàng chục ngàn tỷ đồng trong mỗi ngân hàng. Tổng giám đốc một NHTMCP có tỷ trọng cho vay phi sản xuất đến 17,2% trên tổng dư nợ 73.000 tỷ đồng, cho rằng ngân hàng ông sẽ giảm 50% tỷ trọng dư nợ phi sản xuất theo cách tính mới.

Hải Bình

SBV

Các tin tức khác

>   GiaDinhBank lập Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản  (21/11/2011)

>   Rủi ro mới từ chạy đua huy động vốn bằng vàng và ngoại tệ khác USD (21/11/2011)

>   Từ biện pháp hành chính đến rủi ro đạo đức (20/11/2011)

>   Nuông chiều ngân hàng yếu? (20/11/2011)

>   Cái giá của cam kết tỷ giá (20/11/2011)

>   'Chùn tay' với... thẻ thanh toán quốc tế (19/11/2011)

>   Lãi suất ở VN cao hàng đầu khu vực (19/11/2011)

>   Hơn nửa tháng, bơm ròng vốn gần 10.000 tỉ đồng (18/11/2011)

>   ‘Trần lãi suất 14% là giải pháp tạm thời’ (18/11/2011)

>   Lãi suất huy động 'xì' qua vàng, ngoại tệ (18/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật