Chủ Nhật, 20/11/2011 21:48

Từ biện pháp hành chính đến rủi ro đạo đức

Rủi ro đạo đức phát sinh từ những biện pháp hành chính mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng trong vài năm nay là “dạng chung” của những yếu kém trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Đó dường như là điều ai cũng biết nhưng tránh đề cập đến.

Rủi ro đạo đức thể hiện dưới rất nhiều hình thức, thường thấy nhất là những hành vi nhận hối lộ khách hàng để cấp tín dụng đảo nợ, cho vay dự án nhiều rủi ro; lợi dụng lòng tin khách hàng để vay ké, vay kèm; cố ý gây khó với khách hàng để nhận “bồi dưỡng”… Chuẩn mực đạo đức của nhân viên trong các ngân hàng xuống rất thấp khi điểm lại các vụ việc vi phạm gần đây, hầu hết đều có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo đó là cho vay quá mức, lợi nhuận thấp, dòng tiền hạn chế và kết cục là phát sinh các khoản nợ xấu.

Không chỉ dừng lại ở đó, hàng loạt quy định hành chính mà NHNN sử dụng làm công cụ điều tiết thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã không phát huy được tác dụng mong muốn. Những quy định này không được các ngân hàng áp dụng nghiêm minh, tạo ra tình trạng méo mó trong hoạt động của hệ thống tín dụng và thị trường ngoại hối... Quy định về trần lãi suất chỉ là một ví dụ trong hàng loạt quy định hành chính khác không phát huy được hiệu quả.

Các ngân hàng cứ đua nhau cho vay nhiều dự án rủi ro, đánh cược bằng tiền của người gửi tiền vào những dự án đầy rủi ro đó với hy vọng đem về lợi nhuận cao, nếu gặp rắc rối thì kêu cứu với NHNN. Cấu trúc kỳ hạn mất cân bằng, nợ xấu tăng cao, dư nợ cho vay lớn, thả lỏng đối với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, cũng là những biểu hiện của rủi ro đạo đức.

Hiệu lực và hiệu quả

Trong vài năm trở lại đây, nền kinh tế nước ta trải qua nhiều biến động và thị trường tiền tệ cũng gặp nhiều khó khăn. Để điều tiết thị trường, NHNN đã sử dụng rất nhiều công cụ hành chính và một số đã giúp ổn định thị trường trong từng giai đoạn. Năm 2011 cũng không phải là lần đầu tiên các biện pháp hành chính được coi là “ưu việt”, bởi một số biện pháp hành chính đã có hiệu lực tương đối trong những năm 2008-2009.

Trong giai đoạn bất ổn vĩ mô năm 2008, công cụ quy định trần lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản đã được sử dụng để ngăn chặn cuộc đua lãi suất trong hệ thống ngân hàng đã có hiệu quả nhất định, và hiện nay công cụ trần lãi suất vẫn đang được sử dụng tuy thiếu hiệu lực cho gần suốt năm 2011 (quí 2 và 3). Năm 2009 được xem là một năm khá thành công của chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Bằng những biện pháp hành chính can thiệp kịp thời và có hiệu lực, thanh khoản của ngân hàng, an toàn hệ thống tài chính được giữ vững, ngoài ra cũng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GDP 5,3% và mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7%.

Trong những tháng đầu năm 2011, những biện pháp NHNN đưa ra đã làm cho thị trường ngoại tệ tự do bớt lũng đoạn, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại phản ánh khá sát với quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường tự do. Nhiều ngân hàng thương mại đã có điều kiện mua được ngoại tệ của doanh nghiệp và giá vàng dần ổn định, rồi lên xuống theo sự biến động của giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, việc chấp hành cơ chế, chính sách luôn khiến các doanh nghiệp phải đau đầu và hệ quả của nó là rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng tăng cao, vượt sức chịu đựng của bản thân hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Do đó, đã đến lúc cần phải xem lại đâu là nguyên nhân chính của những bất ổn xuất hiện trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Bởi vì, hiệu lực không phải lúc nào cũng đi cùng với hiệu quả, một quyết định hành chính có thể đạt được mục tiêu - tức là có hiệu lực, nhưng với cái giá quá lớn cho nền kinh tế - tức là không có hiệu quả kinh tế (economic efficiency).

Những hệ lụy

Các biện pháp hành chính thường có tính áp đặt chứ không xuất phát từ ý chí của các bên tham gia thị trường. Do đó, tất yếu sẽ dẫn đến hoặc là không thể thực hiện giao dịch; hoặc là có sự thiệt hại của một hay nhiều bên; hoặc các bên sẽ cùng bắt tay nhau để lách luật. Và trường hợp thứ ba là trường hợp phổ biến hiện nay ở các ngân hàng. Sự không tương thích giữa các biện pháp hành chính và các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường sẽ tạo ra tình trạng giá cả và các tín hiệu thị trường khác bị bóp méo, không còn là cơ sở hay cho tín hiệu chính xác để các tác nhân kinh tế ra quyết định. Kinh nghiệm của bản thân nền kinh tế Việt Nam cho thấy bất kỳ khi nào tồn tại cơ chế hai giá thì một số người sẽ tìm đủ mọi cách để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá không lành mạnh này. Tình trạng “hai giá” trong lãi suất và tỷ giá đã khiến các tổ chức tín dụng và khách hàng mệt mỏi, thị trường tiền tệ không minh bạch, và sau cùng nền kinh tế thiếu hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực lệch lạc.

Các chiêu để lách trần lãi suất trong gần suốt năm 2011 không còn là điều mới lạ nữa khi tình hình xảy ra giữa năm 2009 và năm 2011 gần như tương tự nhau, có lẽ không cần nhắc lại ở đây. Trong khi đó, các biện pháp can thiệp có tính hành chính như cấm mua bán đô la trên thị trường tự do chỉ khiến hoạt động này tạm yên ắng trong vài tháng sau khi Nghị quyết 11 của Chính phủ được ban hành vào tháng 2-2011, và rồi hoạt động trở lại tinh vi hơn trước.

Nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá nóng, NHHN có quy định một số tỷ lệ về vốn và sử dụng vốn trên cả hai thị trường, nhưng lại thiếu kiểm soát cụ thể. Thực tế này gây áp lực, buộc các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư bằng mọi giá, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh và lãi suất tiết kiệm cao. Hiện nay nhiều tổ chức tín dụng thừa vốn, song không thể cho các tổ chức tín dụng khác vay vì vướng các tỷ lệ quy định như trên. Họ cũng không dám hạ lãi suất tiền gửi vì e ngại bị rút vốn, giảm thị phần.

Kết quả là nền kinh tế sẽ gánh chịu những hậu quả của sự méo mó thị trường này. Cho nên vấn đề đặt ra là NHNN cần và có thể sử dụng các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế trong sự kết hợp và hỗ trợ nhau. Nếu biện pháp hành chính không đủ hiệu lực thì đã có biện pháp kinh tế hỗ trợ hoặc ngược lại.

Đề xuất các biện pháp kinh tế

Trong điều kiện hiện tại, NHNN cũng có thể tăng thêm dự trữ bắt buộc cho tài khoản tiền đồng đi liền với trả lãi suất cho khoản dự trữ bắt buộc ở mức hợp lý để hút tiền về để chống lạm phát nhưng lại tránh tác động đẩy chi phí đó vào lãi suất cho vay. Hàng tháng, các ngân hàng phải lên NHNN nộp tiền dự trữ bắt buộc và nếu không có thì phải vay. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ thiết lập được quan hệ tín dụng với các ngân hàng, ngân hàng nào yếu thanh khoản sẽ lộ ra ngay và như vậy NHNN sẽ kịp thời điều chỉnh. NHNN sẽ rút một lượng tiền lớn từ các tổ chức tín dụng, đồng thời sử dụng nguồn vốn này để tái cấp vốn cho những ngân hàng đang thiếu vốn và còn dư địa để tăng trưởng tín dụng. Biện pháp này sẽ không gây áp lực lên lãi suất đầu vào của các tổ chức tín dụng. Nói cách khác, NHNN có thể điều hòa vốn mà không cần phải tăng thêm tiền trong lưu thông, không làm tăng lãi suất.

NHNN cần phải sử dụng công cụ thị trường mở một cách linh hoạt để điều hòa vốn từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu để đảm bảo mặt bằng thanh khoản ổn định. Chỉ cần vậy thôi là lãi suất đã có thể giảm từ 1-2 điểm phần trăm. Hoặc có thể phát hành tín phiếu NHNN với lãi suất thích hợp để mua lại lượng vốn thừa của một số ngân hàng, dùng nó tái cấp vốn cho các ngân hàng thiếu vốn.

Sử dụng biện pháp hành chính chỉ nên trong thời gian ngắn, nếu không kịp thời điều chỉnh hoặc tháo gỡ thì bất cập ngày càng lan rộng. Hậu quả của những biện pháp can thiệp hành chính sẽ gây những hậu quả khó lường về dài hạn đối với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế. Do đó, NHNN cần phải sử dụng những công cụ, biện pháp của thị trường để không làm mất đi những thành quả của cải cách từ trước tới nay trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Đồng thời, đó cũng là tiền đề cho công cuộc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được giới hữu trách nghiên cứu.

TS. Phạm Đỗ Chí

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nuông chiều ngân hàng yếu? (20/11/2011)

>   Cái giá của cam kết tỷ giá (20/11/2011)

>   'Chùn tay' với... thẻ thanh toán quốc tế (19/11/2011)

>   Lãi suất ở VN cao hàng đầu khu vực (19/11/2011)

>   Hơn nửa tháng, bơm ròng vốn gần 10.000 tỉ đồng (18/11/2011)

>   ‘Trần lãi suất 14% là giải pháp tạm thời’ (18/11/2011)

>   Lãi suất huy động 'xì' qua vàng, ngoại tệ (18/11/2011)

>   Người mua nhà vẫn khó tiếp cận vốn vay (18/11/2011)

>   “Dọn nợ” ngân hàng nhìn từ Hàn Quốc (17/11/2011)

>   Quảng cáo cho vay siêu tốc 'tấn công' ATM (17/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật