Rủi ro mới từ chạy đua huy động vốn bằng vàng và ngoại tệ khác USD
Lãi suất huy động vàng và các ngoại tệ ngoài USD đang có những biến động rất nóng trong những ngày qua tuỳ theo thế mạnh của từng ngân hàng.
Nếu hai ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đang niêm yết lãi suất huy động vàng ở mức ngất ngưởng 3,2%/năm thì Eximbank (EIB) ngoài việc tăng lãi suất vàng còn đưa lãi suất tiết kiệm EUR lên 3%/năm và CAD lên 1%/năm. HSBC cũng áp tới 4%/năm cho lãi suất huy động AUD. Các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn như ACB, Techcombank cũng bắt đầu bị cuốn vào cuộc đua tăng lãi suất vàng. Diễn biến này đang cho thấy những méo mó của thị trường tiền tệ và báo hiệu những rủi ro mới cho hệ thống NHTM.
Tìm mọi cách huy động vốn
Sau khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp trần lãi suất huy động VND 14% cho kỳ hạn trên 1 tháng cũng như 6% cho kỳ hạn ngắn hơn, tình hình thanh khoản tại các NHTM nhỏ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Dòng tiền gửi tiết kiệm đã ít nhiều chảy sang các NHTM lớn vốn được coi là an toàn hơn. Tiếp đến, tiền gửi uỷ thác bị chặn đứng, các NHTM thay nhau rút tiền gửi về thông qua các công ty con. Và khi các thông tin đồn đoán về khả năng một số ngân hàng nhỏ bị sáp nhập trong kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng lan truyền thì khả năng huy động vốn của các ngân hàng nhỏ lại càng trở nên khó nhọc. Nhiều người gửi tiền đã chia nhỏ khoản tiền của mình ra gửi tại nhiều NHTM khác nhau, do lo ngại luật Bảo hiểm tiền gửi chỉ bảo đảm cho các khoản nhỏ hơn hoặc 50 triệu đồng. Điều này không những khiến dòng tiền càng bất ổn mà còn khiến chi phí huy động tăng lên đáng kể.
Các NHTM nhỏ tất yếu phải tìm mọi phương cách để có thể huy động được vốn. Với việc NHNN mạnh tay trừng phạt các NHTM vượt trần, một số NHTM đã phải vay ngược lại từ phía các doanh nghiệp với tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá (trái phiếu). Cái giá cho việc đi vay này không hề rẻ, vì các công ty tài chính rủng rỉnh tiền cho các NHTM vay thường định giá giấy tờ có giá của các NHTM chỉ ở mức 50 – 60%, thậm chí 30% giá trị thực.
Đỉnh điểm cho hoạt động huy động vốn bằng mọi phương cách là việc các NHTM đồng loạt hâm nóng lãi suất huy động vàng và một loạt các ngoại tệ “ngoài USD”. Hành động này được coi là khá khôn khéo vì tránh được trần lãi suất 14% cho VND và trần 2% cho USD. Nó cũng giúp cho các NHTM đa dạng được nguồn tiền huy động. Tuy nhiên, do mục đích chính là thanh khoản nên các NHTM sẽ khó tránh khỏi rủi ro về tỷ giá, vì hầu hết các NHTM nhỏ đều thiếu kinh nghiệm trong quản lý các tỷ giá ngoại tệ ngoài USD.
Rủi ro tỷ giá lớn dần
Mục đích cuối cùng của các NHTM trong việc đẩy mạnh lãi suất huy động vàng và các loại ngoại tệ ngoài USD thực chất vẫn là huy động nguồn VND. Có hai cách để các NHTM chuyển nguồn huy động các ngoại tệ này thành VND. Cách thứ nhất là các NHTM bán các ngoại tệ này để có tiền đồng. Hay nói cách khác, NHTM sẽ tạm thời âm trạng thái ngoại tệ ngoài USD và sẽ chịu rủi ro về biến động tỷ giá. Bởi khi người gửi tiền rút tiền, các NHTM sẽ phải mua lại ngoại tệ đã bán trước đó trả cho người gửi tiền theo “tỷ giá tại thời điểm mua”. Cách thứ hai là đem thế chấp ở các NHTM lớn để vay trên thị trường liên ngân hàng. Tuy cách này giúp các NHTM giảm căng thẳng thanh khoản tránh được rủi ro tỷ giá nhưng lại phải trả một khoản lãi suất khá lớn lên đến 15 – 16%/năm trong thời gian gần đây trên thị trường liên ngân hàng.
Tỷ giá ngoại tệ khác so với tiền VND thông thường được các NHTM tính toán thông qua tỷ giá USD/VND. Tỷ giá của một đồng ngoại tệ so với VND sẽ bị phụ thuộc vào cả tỷ giá của ngoại tệ đó so với đồng USD trên thị trường quốc tế và tỷ giá USD/VND tại Việt Nam. Hiện tại, các NHTM đang có lý do để yên tâm vì NHNN cam kết đến cuối năm giữ tỷ giá USD/VND sẽ tăng không quá 1%. Nhưng tỷ giá các ngoại tệ khác so với USD trên thị trường quốc tế lại đang biến động hết sức thất thường.
Việc tìm mọi cách huy động vốn bằng vàng và ngoại tệ khác USD, không những khiến dòng tiền càng bất ổn mà còn khiến chi phí huy động tăng lên đáng kể. |
Có thể dễ dàng nhận thấy sự biến động rất mạnh của các ngoại tệ trong giai đoạn bất ổn gần đây. Tỷ giá EUR/USD giảm gần 10% chỉ trong tháng 9.2011 từ mức 1,4548 ngày 29.8.2011 về mức 1,3173 ngày 3.10.2011, hay như tỷ giá USD/JPY tăng hơn 5% từ mức 75,56 lên mức 79,52 trong ngày 31.10.2011. Giá vàng cũng có những bước nhảy ngoạn mục khi chỉ trong bốn phiên giao dịch đã giảm từ mức 1.816 USD/ounce ngày 21.9.2011 còn 1.532 USD/ounce ngày 26.9.2011. Điều này có nguồn gốc từ cuộc khủng hoảng nợ lan rộng tại châu Âu, sự hồi phục chậm chạp của kinh tế Mỹ, và nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc khó có thể hạ cánh an toàn. Nhiều quốc gia như Nhật Bản đã buộc can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối khiến tỷ giá biến động thất thường, thậm chí Thuỵ Sĩ còn bất ngờ ấn định tỷ giá tối thiểu cho cặp tỷ giá EUR/CHF.
Vì các loại ngoại tệ ngoài USD thường có biến động về tỷ giá lớn nên thông thường các NHTM chỉ chấp nhận huy động chúng với mức lãi suất thấp, thường dưới 1% tổng lượng tiền gửi. Những rủi ro về tỷ giá sẽ còn tăng lên gấp bội khi cam kết giữ vững tỷ giá USD/VND của NHNN không quá 1% sắp hết hạn. Vào thời điểm cuối năm 2011 và đầu 2012, đến thời điểm phải trả tiền cho người gửi, nếu các tỷ giá ngoại tệ và tỷ giá USD/VND có những biến động bất lợi thì các ngân hàng sẽ lại lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Những lo ngại mới
Việc NHTM An Bình báo cáo quý 3/2011 lỗ khoảng 18 tỉ đồng sau thuế, chủ yếu do trích dự phòng, dường như là tín hiệu cho biết các NHTM nhỏ đã bắt đầu không còn đủ sức chịu đựng. Trước tình hình căng thẳng thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện, những đơn vị thiếu thanh khoản không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tục huy động các ngoại tệ khác với lãi suất cao và tham gia vào thị trường ngoại hối đầy rủi ro.
Ngay cả những NHTM lớn, có kinh nghiệm kinh doanh ngoại tệ cũng đã phải gánh chịu thua lỗ trong những quý vừa qua. Chẳng hạn, tính trong chín tháng đầu năm 2011, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ khiến ACB thua lỗ 187,6 tỉ đồng, EIB thua lỗ 47,9 tỉ đồng, HBB thua lỗ 86,2 tỉ đồng, MBB thua lỗ 167,6 tỉ đồng, NVB thua lỗ 66,6 tỉ đồng, ABB thua lỗ 10 tỉ đồng. Cần lưu ý rằng các mức thua lỗ trên có thể không phản ánh đúng tình hình kinh doanh ngoại hối thuần tuý (trading) của các ngân hàng bởi vì các NHTM có thể bán trạng thái ngoại tệ lấy tiền VND rồi sau đó sử dụng VND để cho vay. Khi khách hàng trả tiền VND hoặc khi lựa chọn được thời điểm phù hợp, NHTM thường mua lại ngoại tệ. Do tỷ giá USD/VND trong suốt thời gian qua thường có xu hướng biến động tăng nên khi bán trạng thái ngoại tệ lấy VND để cho vay như vậy, các NHTM thường có xu hướng bị lỗ tỷ giá. Nhưng NHTM bù lại được bằng lợi nhuận từ hoạt động cho vay với chênh lệch lãi suất USD và VND.
Tuy nhiên, dù NHTM thực hiện hoạt động nào thì rủi ro cho việc thua lỗ từ kinh doanh ngoại hối vẫn rất lớn và chưa chắc đã có thể bù đắp được bằng hoạt động cho vay. Đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm khi tỷ giá còn có khả năng điều chỉnh thì hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM sẽ tiếp tục có thể hạch toán thêm các khoản thua lỗ mới. Đối với các NHTM thì khả năng thua lỗ liên quan thuần tuý đến kinh doanh ngoại tệ trong thời gian tới là điều có thể nhìn thấy trước. Có khả năng, không chỉ An Bình báo cáo lỗ trong quý 3, mà có thể sẽ có nhiều ngân hàng phải báo cáo lỗ trong quý 4 này.
Nguyên Minh Cường
sài gòn tiếp thị
|