EU muốn kiểm chặt ngân sách quốc gia Eurozone
Ngày 23/11, Liên minh châu Âu (EU) đề nghị được trao nhiều quyền hơn để kiểm soát ngân sách của các quốc gia Khu vực đồng euro, đồng thời đề xuất phát hành trái phiếu chung của khu vực như một giải pháp nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành, và ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng tương tự, trong khu vực này.
|
Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Quy định mới đòi hỏi các nước thành viên Khu vực đồng euro phải công bố dự thảo ngân sách quốc gia tại cùng một thời điểm trong năm. Ủy ban châu Âu (EC) có quyền đánh giá và đưa ra quan điểm nếu dự thảo ngân sách quốc gia vi phạm cam kết về chính sách trong Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng dành cho Khu vực đồng euro.
Toàn bộ quá trình này sẽ được tiến hành công khai nhằm đảm bảo sự minh bạch triệt để. Qui định mới cũng yêu cầu các nước thành viên Khu vực đồng euro lập hội đồng tài chính độc lập và dự thảo ngân sách phải dựa trên những dự báo độc lập.
EU cũng muốn thể chế hóa các hoạt động kiểm toán tại những nước gặp khó khăn về tài chính, như Hy Lạp và Italy, trước khi đưa ra quyết định cứu trợ vỡ nợ. Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso còn đề xuất những kế hoạch mạnh mẽ cho phép ông và Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên Khu vực đồng euro.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngay sau khi công bố những đề xuất trên, ông Barroso cho biết những đề xuất này được đưa ra dựa trên Điều 136 trong Hiệp ước châu Âu, cho phép EC đưa ra những quy định cụ thể nhằm tăng cường sự hội nhập trong Khu vực đồng euro. Ông Barroso cho rằng nếu không quản lý Khu vực đồng euro một cách chặt chẽ hơn thì EU khó, nếu không nói là không thể, duy trì được sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu.
Cả ông Barroso và ông Rehn đều khẳng định các quyền hạn mới là điều kiện tiên quyết để phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro như một công cụ đảm bảo trong tương lai. Theo kế hoạch, lãnh đạo EU sẽ thảo luận các đề xuất mới của EC và những ý tưởng liên quan tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này vào đầu tháng 12 tới.
Liên quan tình hình kinh tế Khu vực đồng euro, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cùng ngày cho rằng khu vực này đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế và tình hình đang xấu đi một cách nhanh chóng.
Theo IIF, tình hình tại Khu vực đồng euro đang khoét rộng thêm mức thâm hụt ngân sách và làm suy yếu chất lượng tài sản của các ngân hàng. Số liệu kinh tế khu vực trong quý 3 và đầu quý 4 năm nay ảm đạm hơn dự báo ban đầu. GDP trong quý 4 giảm 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái và chiều hướng này sẽ kéo dài trong 3 tháng đầu năm tới. GDP cả năm 2012 sẽ giảm 1,0% so với năm nay. IIF cảnh báo sự yếu kém trong Khu vực đồng euro sẽ lan sang phần còn lại của thế giới qua một số kênh khác nhau, đặc biệt là khu vực ngân hàng.
Trong khi đó, đợt phát hành trái phiếu trong ngày 23/11 ở Đức đang thổi bùng lên những quan ngại rằng khủng hoảng nợ công bắt đầu đe dọa nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng euro, vốn được xem là miễn dịch với "virus" nợ công này. Cơ quan quản lý nợ công của Đức không thể tìm được nhà đầu tư cho gần một nửa trong tổng số trái phiếu trị giá 6 tỷ euro vừa được phát hành.
Ngân hàng trung ương Đức trở nên suy sụp, khi lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm tăng 14,5 điểm cơ bản lên 2,056%, lần đầu tiên lên cao hơn phí tổn vay mượn của Mỹ kể từ tháng 10 vừa qua.
Bộ trưởng Tài chính Đức khẳng định diễn biến mới không đồng nghĩa Berlin gặp khó khăn trong việc tái huy động vốn, song một nhà kinh tế cao cấp ở Anh nhận xét đây thực sự là một thảm họa đối với nước Đức.
Theo nhiều nhà kinh tế, kết quả đợt phát hành trái phiếu mới ở Đức là một dấu hiệu cho thấy nước này từng bước sẽ phải chịu sức ép tài chính nếu cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng euro trở nên nghiêm trọng hơn./.
Vietnam+
|