Kinh tế, tài chính 24h: IMF và Fed chuẩn bị đối phó với cú sốc tiềm ẩn từ châu Âu
(Vietstock) – Khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục nóng với việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha vọt lên mức cao nhất trong 14 năm, IMF quyết định đưa ra công cụ cho vay mới còn Fed yêu cầu 31 ngân hàng lớn nhất nước thử nghiệm kịch bản suy thoái sâu và xảy ra cú sốc từ châu Âu.
* Vàng trở lại trên mốc 1,700 USD/oz, bạc nhảy vọt gần 6%
* Tăng lần đầu trong 4 phiên, dầu lên trên 98 USD/thùng
* Chứng khoán Mỹ mất hơn 5% sau 5 phiên giảm điểm liên tiếp
|
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde |
IMF sửa đổi hạn mức tín dụng cho các quốc gia đối mặt với cú sốc từ khủng hoảng nợ châu Âu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cải cách chương trình hạn mức tín dụng để khuyến khích các quốc gia đối mặt với các cú sốc bên ngoài nhờ đến sự giúp đỡ của tổ chức này với rất ít điều kiện ràng buộc. IMF đưa ra công cụ cho vay mới trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu không thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng tại khu vực. Theo đó, các quốc gia có nền kinh tế khỏe mạnh hiện đối mặt với nhu cầu thanh khoản ngắn hạn là đối tượng có thể nhờ đến công cụ mới của IMF.
Fed yêu cầu 31 ngân hàng lớn nhất nước đệ trình kế hoạch vốn
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) yêu cầu 31 ngân hàng lớn nhất nước kiểm tra danh mục cho vay và giao dịch trong kịch bản suy thoái sâu và xảy ra cú sốc từ thị trường châu Âu. Hai tình huống xấu nhất trong kịch bản này mà các ngân hàng cần phải tính đến là tỷ lệ thất nghiệp ở mức 13% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm 8%. Các tập đoàn ngân hàng với tài sản ít nhất 50 tỷ USD phải dự báo doanh thu, thua lỗ và tình hình vốn đến cuối năm 2013 thông qua việc sử dụng 4 kịch bản khác nhau, trong đó hai kịch bản của Fed và hai kịch bản của các ngân hàng.
FDIC: Số ngân hàng “có vấn đề” giảm
Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), số tổ chức tài chính có vấn đề trong quý 3 giảm quý thứ 2 liên tiếp và lợi nhuận của ngành công nghiệp này tăng quý thứ 9 liên tiếp. Tính đến cuối quý 3, có 844 tổ chức có vấn đề, thấp hơn so với mức 865 vào cuối quý 2 và mức 888 trong quý 1. Các tổ chức được FDIC bảo hiểm đạt lợi nhuận ròng 35.3 tỷ USD trong quý 3, tăng 11.5 tỷ USD (tương đương 49%) so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng trong danh sách có vấn đề của FDIC là những ngân hàng đang gặp khó khăn về mặt tài chính dựa trên nguồn vốn, thanh khoản và chất lượng tài sản.
Fitch kết thúc quá trình xem xét xếp hạng tín nhiệm Mỹ vào cuối tháng 11
Fitch cho biết sẽ kết thúc quá trình xem xét xếp hạng tín nhiệm Mỹ vào cuối tháng 11 sau khi ủy ban đặc biệt của Quốc hội không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm nợ liên bang. Fitch nhắc lại nhận định trong thông báo tháng 8 của tổ chức này rằng: “Sự thất bại của ủy ban đặc biệt có thể dẫn đến hành động tín nhiệm tiêu cực, rất có thể là hạ triển vọng tín nhiệm từ “ổn định” xuống “tiêu cực” và điều này cho thấy 50% khả năng nước này bị hạ bậc tín nhiệm trong hai năm tới.
Tăng trưởng GDP quý 3 của Mỹ bất ngờ bị điều chỉnh giảm xuống 2%
Theo số liệu điều chỉnh của Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 tăng 2%, thấp hơn so với mức ước tính trước đó là 2.5% do các doanh nghiệp cắt giảm lượng hàng lưu kho và không đầu tư nhiều. Trong quý 3, lượng hàng lưu kho giảm 8.5 tỷ USD sau khi tăng vọt 39.1 tỷ USD trong quý 2, lợi nhuận doanh nghiệp cũng giảm từ 61.2 tỷ USD xuống còn 39.8 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách tháng 10 của Anh thu hẹp
Thâm hụt ngân sách của Anh thu hẹp trong tháng 10 khi Bộ trưởng Tài chính George Osborne cắt giảm chi tiêu tại các văn phòng Chính phủ. Vay mượn ròng bao gồm khoản hỗ trợ cho các ngân hàng giảm xuống 6.5 tỷ bảng Anh (tương đương 10.2 tỷ USD) từ mức 7.7 tỷ bảng Anh trong cùng kỳ năm ngoái. Mức thâm hụt trong tháng qua khớp với dự báo của các nhà kinh tế.
Lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Tây Ban Nha nhảy vọt
Bộ Tài chính Tây Ban Nha phải trả mức lợi suất cao nhất trong 14 năm để phát hành 2.98 tỷ EUR (tương đương 4 tỷ USD) tín phiếu kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng. Lợi suất bình quân đối với số tín phiếu 3 tháng tăng hơn gấp đôi lên 5.11% từ mức 2.29% cách đây một tháng, mức cao nhất kể từ khi số tín phiếu này được giới thiệu vào năm 2003. Lợi suất đối với số tín phiếu kỳ hạn 6 tháng nhảy vọt lên 5.23% từ mức 3.3% trong cuộc đấu giá trước.
Vòng quanh các thị trường
Diễn biến của các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới ngày 22/11:
|
Nguồn: VietstockFinance |
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ 1.96% xuống 1.94%.
Trên thị trường Mỹ, đồng USD giảm so với đồng EUR, đồng JPY nhưng tăng so với bảng Anh.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York cộng 23.80 USD/oz (1.4%) lên 1,702.40 USD/oz.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn NYMEX tăng 1.09 USD/thùng (1.1%) lên 98.01 USD/thùng.
Sơ lược các chỉ báo kinh tế công bố ngày 23/11:
Eurozone
- 15h28: PMI dịch vụ, PMI sản xuất
- 17h00: Sản lượng công nghiệp
Anh
- 16h30: Biên bản cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE)
Mỹ
- 19h00: Thu nhập cá nhân
- 20h30: Số đơn đặt hàng lâu bền
- 20h30: Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp
- 20h30: Số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua
- 21h55: Chỉ số niềm tin tiêu dùng
|
Phạm Thị Phước
|