WB: Châu Á có khả năng chống chọi với các cú sốc từ châu Âu
(Vietstock) – Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đa số các quốc gia châu Á đều có khả năng sử dụng các gói kích thích tài chính để bảo vệ nền kinh tế trước sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
* Khủng hoảng nợ công đang lan tới trung tâm châu Âu
Các quốc gia đang phát triển Đông Á (trừ Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ) sẽ tăng trưởng 7.8% trong năm 2012 sau khi tăng 8.2% trong năm nay, WB cho biết trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương công bố ngày 22/11.
Các nhà làm chính sách châu Á đã chuyển sang mục tiêu bảo vệ đà tăng trưởng thay vì ngăn chặn lạm phát giữa bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu và những khó khăn của nền kinh tế Mỹ gia tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kép toàn cầu. Trong tháng 11, Australia và Indonesia đã hạ lãi suất còn trước đó vào tháng 10, Philippines công bố gói kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
WB nhận định trong báo cáo: “Nhà đầu tư vẫn chưa chiết khấu đầy đủ khả năng tái cấu trúc nợ công tại các nền kinh tế phát triển. Nếu điều này xảy ra, châu Âu có thể rơi vào suy thoái và tác động lên các nền kinh tế Đông Á là rất lớn, bao gồm thương mại, đòng chảy tài chính, kiều hối, và tâm lý nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng”.
Theo WB, dù các quy định mới về nguồn vốn đang được châu Âu áp dụng sẽ hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng khu vực đối với châu Á nhưng dự trữ ngoại hối và thặng dư tài khoản vãng lai cao tại hầu hết các quốc gia Đông Á sẽ bảo vệ những nước này khỏi tác động tiềm tàng của một đợt căng thẳng tài chính mới.
Tổ chức này cho biết trong báo cáo: “Dòng chảy tín dụng ngân hàng vẫn còn ổn định trong nửa đầu năm 2011 nhưng bộc lộ rủi ro rất lớn nếu các ngân hàng châu Âu bắt đầu sử dụng thanh khoản. Thậm chí khi hoạt động thanh toán tại Eurozone được thực hiện thành công, các ngân hàng châu Âu có thể cần phải trả bớt nợ nần và hạn chế cho vay đối với các thị trường mới nổi”.
Được biết hiện các ngân hàng châu Âu đã cho các doanh nghiệp châu Á vay 427 tỷ USD. Theo số liệu của WB, các ngân hàng quốc tế đã cắt giảm khoản vay dành cho các doanh nghiệp Đông Á bớt khoảng 36 tỷ USD trong giai đoạn từ giữa năm 2008 đến quý 1/2009.
Các quốc gia mới nổi châu Á bắt đầu cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vào tháng 9 khi đồng nội tệ rớt giá mạnh so với đồng USD. Do đó, các nước này buộc phải sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để hạn chế tác động. WB cho rằng kho dự trữ ngoại hối cần phải đủ để chống chọi với các cú sốc mạnh hơn”
Số liệu của WB cho thấy giá trị bình quân của kho dự trữ ngoại hối của các quốc gia Đông Á tương đương với 50.4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào giữa năm 2011, đủ để đảm bảo cho 8.9 tháng nhập khẩu.
WB dự báo các nhà làm chính sách khu vực có thể ngừng thắt chặt chính sách và sẵn sàng hành động nếu xảy ra các cú sốc tiêu cực đối với đà tăng trưởng hoặc trong trường hợp tồi tệ nhất là một giải pháp kém hiệu quả đối với vấn đề nợ Eurozone”.
Phạm Thị Phước (Theo Bloomberg)
|