Ẩn số Trung Quốc trong phương trình châu Âu
Nếu thị trường bất động sản nổ bong bóng, nó có thể làm giảm đến 2,5% GDP của Trung Quốc. Sau Hy Lạp và Ý, ẩn số Trung Quốc có lẽ cần được quan tâm nhiều hơn là tình trạng đã lộ diện của nền kinh tế Tây Ban Nha.
Dường như Buffett đang dồn sức cho một canh bạc mới - đánh cược 24 tỷ USD mà quỹ đầu tư của ông dồn và cổ phiếu trong suốt quý III/2011, với đối thủ nợ công châu Âu.
"Warren Buffett đã nhận thấy một điều gì đó, và đó hẳn phải là một chuyện lớn", ông Thomas Russo - người đứng đầu công ty Gardner Russo & Gardner, một công ty đầu tư vào cổ phiếu của Berkshire Hathaway - nhận xét.
Bất chấp một số khoản lỗ đáng kể, Buffett vẫn đang là một cái gương chiếu hậu cho phần lớn nhà đầu tư trong thị trường chứng khoán Mỹ. Quý III vừa qua lại là quãng thời gian mà chỉ số chứng khoán lao dốc mạnh nhất, sau đó hình thành vùng đáy tạm.
Chưa có những con số thông báo mới nhất cho lượng mua vào của quỹ Warren Buffett trong tháng 10 và tháng 11/2011. Nhưng ít nhất trong con sóng tăng tháng 10 vừa qua, độ phục hồi 15% của chỉ số Dow Jones và 17% của chỉ số Nasdaq cũng đã làm cho Buffett gỡ lại được một phần mất mát của ông.
Bây giờ thì toàn bộ các thị trường chứng khoán Mỹ đang nhìn vào châu Âu, còn cả thế giới lại đang nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ. Rõ là chưa có động lực nào đáng kể cho sự phục hồi nhanh chóng của thị trường này, nhưng thế đi ngang của nó đang nhắc cho các nhà đầu tư nhớ lại dự đoán của Buffett vào quý II/2011: năm 2012 có thể là thị trường giá lên.
Thực ra, sau khi cựu thủ tướng Papandreou của Hy Lạp phải ra đi, vấn nạn nợ công của đất nước này đã lắng đọng phần nào, tuy giá trị nợ công vẫn còn nguyên đó. Nhưng dù sao, các nhà đầu tư lớn của khối Eurozone, những người đã phải chấp nhận xóa 50% nợ cho Hy Lạp ngay trước sự rút lui của Papandreou, cũng cảm thấy được an ủi lòng tự ái của họ.
Lý do chính cho đợt giảm điểm khá mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ trong những ngày qua không còn được nại ra bởi vấn đề Hy Lạp nữa. Bản chất của chứng khoán là hoài nghi, một sự hoài nghi vô hạn. Không phải Hy Lạp thì tất yếu phải là Ý, và sau Ý phải là Tây Ban Nha. Nếu không phải là Ý và Tây Ban Nha thì chắc chắn phải là... Pháp.
Sẽ không cần phải quá bi quan về tình trạng của chỉ số Dow Jones. Ngay từ tháng 10/2011, chỉ số này đã hình thành được thế đi ngang, điều có thể làm cho các nhà đầu tư trung hạn yên tâm phần nào. Ít nhất, chỉ số này cũng sẽ không giảm quá mạnh.
Vì thế, đợt giảm điểm đang diễn ra của chứng khoán Mỹ có dáng vẻ gần giống với một dạng điều chỉnh kỹ thuật. Vẫn chưa có tin tức nào đủ xấu làm cho thị trường giảm mạnh hơn. Cái mà người ta có thể đánh giá được là ngưỡng 10.600 điểm của Dow Jones. Nếu trong vài tuần đến một tháng nữa, chỉ số này được giữ cao hơn vùng điểm đó và sau đó đi lên thì có thể mang lại nhiều hy vọng cho một đợt tăng điểm mới.
Ngay cả trường hợp Dow Jones giảm dưới ngưỡng 10.600 điểm thì cũng chưa phải là tai họa. Thật đơn giản, bởi người bạn lá mặt lá trái của nó là giá vàng cũng xuôi chiều giảm điểm vào bất cứ khi nào chỉ số chứng khoán Mỹ không tăng được nữa. Khi đó, liên thị trường lại chứng kiến làn sóng bán vàng của các quỹ để bù lỗ cho sự mất mát về giá trị cổ phiếu.
Có thể nói, xu thế đồng hành tăng và giảm của giá vàng so với giá chứng khoán là một dấu hiệu khá thuận lợi cho thị trường chứng khoán, đặc biệt khi đồ thị kỹ thuật của vàng đã phát ra nhiều tín hiệu đi xuống.
Ngay trước mắt, người thay thế cho cựu thủ tướng Berlusconi ở Ý - một nhà kỹ trị có uy tín - sẽ phải mất một khoảng thời gian để sắp xếp lại hiện tình rối ren của đất nước này, làm cho người dân tạm lãng quên những vụ scandle tình dục mà Berlusconi gây ra, đồng thời đưa cả đất nước vào chế độ thắt lưng buộc bụng cần thiết.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone không cần gì hơn thế. Sự ổn định tạm thời ở Ý lẫn tình trạng chưa tái phát cơn giận dữ của đám đông ở Hy Lạp là liều thuốc an thần giứp cho tỷ lệ thất nghiệp lên tới 23% ở Tây Ban Nha không trở thành một cái gì đó gây áp lực cho toàn châu Âu.
Thậm chí trong vài tháng gần đây, dù tốc độ phục hồi GDP ở Mỹ vẫn ậm ạch 2%, nhưng ngay tại quốc gia này đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu đầu tiên về sự chuyển động của thị trường bất động sản. Số lượng nhà khởi công mới tăng lên, trong khi số nhà phải bán cầm cố giảm xuống, đồng thời chỉ số xây dựng nhà ở cũng theo chiều hướng khả quan hơn...
Phải chăng sau 4 năm trượt dài và nằm im, màu sắc u ám trên thị trường nhà đất Mỹ đã dần phai nhạt? Hãy còn quá sớm để nói đến một sự hồi phục trung hạn cho thị trường nhà đất Mỹ, nhưng ít gì mặt bằng giá cả của nó đã không còn giảm tiếp. Đây chính là một nhân tố mới, thậm chí là rất mới, đang hiện ra. Nếu thị trường nhà đất Mỹ phục hồi, đó sẽ là yếu tố tốt đẹp nhất thúc đẩy cho sự phục hồi bền vững của nền kinh tế đầu tàu thế giới, và do đó vực dậy cả châu Âu đang có nguy cơ kiệt lực.
Mọi chuyện vẫn khá ổn, cho tới giờ phút này. Nếu như không phát sinh mối đe dọa từ Bắc Á...
Lời phát ngôn mới đây nhất của phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đã làm cho giới đầu tư ít nhiều lo lắng. Chưa bao giờ lãnh đạo của một đất nước có truyền thống khép kín về thông tin như Trung Quốc lại cởi mở đến thế, khi cho rằng thế giới đang trong nguy cơ suy thoái.
Trong quan hệ ngoại thương, Trung Quốc vẫn chưa phải đã chiếm lĩnh toàn châu Âu, do đó chưa có gì phải quá lo ngại. Nhưng điều mà nhà kinh tế học đoạt giải Nobel là Roubini liên tục nhắc đi nhắc lại là nền kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ phải "hạ cánh cứng" từ năm 2013 trở đi. Khả năng ấy đang bắt đầu từ thời điểm này, bắt đầu từ chính thị trường bất động sản với tình trạng tồn ứ thành phẩm cao nhất trong lịch sử tồn tại của nó.
Nếu thị trường bất động sản nổ bong bóng, nó có thể làm giảm đến 2,5% GDP của Trung Quốc. Nhưng hơn thế, hậu quả ấy còn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ về trái phiếu và tín dụng giữa Trung Quốc với các ngân hàng, kể cả chính phủ Mỹ và một số nước châu Âu. Mà những tín hiệu giảm mạnh giá nhà đất lại đang hình thành tại hàng chục thành phố lớn ở Trung Quốc.
Sau Hy Lạp và Ý, ẩn số Trung Quốc có lẽ cần được quan tâm nhiều hơn là tình trạng đã lộ diện của nền kinh tế Tây Ban Nha.
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|