FDIC: Lợi nhuận ngân hàng Mỹ cao nhất trong hơn 4 năm
(Vietstock) – Theo Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 năm vào quý 3 vừa qua trong khi số ngân hàng gặp khó khăn giảm quý thứ 2 liên tiếp.
* S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Mỹ bất chấp thất bại của ủy ban lưỡng đảng
FDIC cho biết ngành ngân hàng đạt lợi nhuận 35.3 tỷ USD trong quý 3, tăng 49% so với mức 23.8 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 60% ngân hàng công bố lợi nhuận cải thiện.
Bên cạnh đó, FDIC cho biết có khoảng 844 ngân hàng nằm trong danh sách “có vấn đề” của tổ chức này trong quý 3, tương đương gần 11.5% tổng số ngân hàng được FDIC bảo hiểm. Con số trên thấp hơn so với mức 865 trong quý 2 và mức 888 trong quý 1.
Các ngân hàng trong danh sách “có vấn đề” của FDIC là những ngân hàng đang gặp khó khăn về mặt tài chính dựa trên nguồn vốn, thanh khoản và chất lượng tài sản.
Lợi nhuận cao hơn và ít ngân hàng gặp khó khăn hơn cho thấy lĩnh vực này đang dần cải thiện từ vực thẳm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ông Martin Gruenberg, quyền Chủ tịch FDIC cho biết: “Bảng cân đối kế toán ngân hàng khả quan hơn trên một số khía cạnh và nhìn chung lĩnh vực này làm ăn có lãi nhưng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn”.
Các ngân hàng với tài sản cao hơn 10 tỷ USD là động lực đem lại phần lớn đà tăng trưởng cho lĩnh vực này. Dù chỉ chiếm 1.4% về mặt số lượng nhưng các ngân hàng này lại đạt lợi nhuận tới 29.8 tỷ USD trong quý vừa qua.
Đó là những ngân hàng lớn nhất như Bank of America, Citigroup, JPMorgan và Wells Fargo. Hầu hết những ngân hàng này đều phục hồi nhờ tiền giải cứu của Chính phủ và lãi suất vay mượn thấp kỷ lục.
Các quan chức FDIC cho rằng phần lớn đà tăng trưởng trong quý vừa qua là vì các ngân hàng, đặc biệt là các công ty thẻ tín dụng, trích lập dự phòng thua lỗ ít hơn. Cụ thể, các ngân hàng đã trích lập 18.6 tỷ USD, mức thấp nhất trong 4 năm.
Tuy nhiên, lĩnh vực này tiếp tục vật lộn với đà tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Trong quý 3, dư nợ cho vay của các ngân hàng tăng 21.8 tỷ USD. Đây là mức tăng tương đối nhẹ và đánh dấu quý thứ hai liên tiếp trong 3 năm dư nợ cho vay tăng.
Ông Gruenberg cho biết: “Sau 3 năm sụt giảm của dư nợ cho vay, bất kỳ sự tăng trưởng tín dụng nào cũng là thông tin tích cực đối với lĩnh vực tài chính và nền kinh tế. Dù vậy, dư nợ cho vay vẫn còn thấp hơn các mức khỏe mạnh".
Được biết từ đầu năm đến nay, đã có 90 ngân hàng phá sản, thấp hơn so với mức 157 trong năm ngoái – mức cao nhất trong một năm kể từ thời điểm đen tối nhất cuộc khủng hoảng cho vay và tiết kiệm năm 1992 - và mức 140 trong năm 2009.
Một số cơ quan xếp hạng tín nhiệm đã và đang cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu có thể tác động xấu đến các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Hòa chung xu hướng của thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty tài chính lao dốc mạnh trong các tháng gần đây.
Phạm Thị Phước (Theo AP)
|