Dự báo lạm phát: Số “đẹp” và số thực
Năm 2010, tỷ lệ lạm phát của nước ta là 11,75%. Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn, nhưng cuối năm 2010, Quốc hội và Chính phủ vẫn thống nhất chỉ tiêu lạm phát năm 2011 là 7%. Tuy nhiên, chỉ tiêu trên đã dần dần được “điều chỉnh” cho phù hợp với thực tế: khống chế lạm phát ở mức “một con số”, dưới 17%, và bây giờ là 18%. Vào tháng 6-2011, đã có tổ chức kinh tế thế giới đánh giá lạm phát ở nước ta tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất châu Á và xếp thứ hai thế giới (sau Venezuela).
Bài học kinh nghiệm về dự báo lạm phát năm trước có vẻ như đang được lặp lại. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ lại đề ra chỉ tiêu lạm phát năm 2012 là một con số (dưới 10%) để Quốc hội xem xét. Một đại biểu là thành viên Chính phủ lý giải (đại ý): Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, chỉ tiêu trên là khả thi chứ không phiêu lưu (Người lao động, 29-10-2011).
Dự báo kinh tế là công việc có tính chất khoa học, phải dựa trên việc xem xét các điều kiện khách quan trong nước và thế giới chứ không tùy thuộc vào mong muốn chủ quan. Hiệu quả điều hành chỉ là một yếu tố chủ quan, không thể quyết định được việc kìm giữ lạm phát năm 2012 ở mức một con số, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước còn nhiều điều bất ổn như hiện nay.
Dự báo kinh tế đúng, hoặc ít sai số, thể hiện cái tầm đáng tin cậy của người điều hành. Do vậy, Quốc hội cần cân nhắc khi thông qua chỉ tiêu lạm phát năm 2012, tránh phải điều chỉnh liên tục như năm 2011 bởi mỗi lần điều chỉnh, uy tín của cấp điều hành cũng bị giảm sút.
Phan Trọng Hiền
tbktsg
|