Thứ Hai, 14/11/2011 11:08

Việt Nam “vạ lây” từ “bão” nợ công

Cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng không chỉ đe dọa các nền kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản mà còn khiến nhiều nước có quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực này, trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

** Mỹ, EU, Nhật Bản đều là những đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam. Vậy ông có thể đánh giá tình hình nợ công ở các nước này có ảnh hưởng trên những bình diện nào đối với nước ta?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô: Trong thời gian gần đây, các trụ cột của nền kinh tế thế giới là Mỹ, EU, Nhật Bản tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn, trong đó có vấn đề nợ công. Nợ công tiếp tục tăng cao buộc Mỹ phải nâng trần ngày 2/8 để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu ngày càng trầm trọng, Hy Lạp có khả năng vỡ nợ buộc EU phải tăng Quỹ cứu trợ EFSF lên 1.000 tỷ USD, các chủ nợ tư nhân chấp nhận xoá 50% nợ cho Hy Lạp và dự báo khủng hoảng nợ công khu vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng và về lâu dài vẫn rất ảm đạm.

Bên cạnh đó, kinh tế Nhật Bản phục hồi yếu sau thảm hoạ động đất đòi hỏi Chính phủ phải tăng cường huy động vốn cho tái thiết đất nước, điều đó có thể thúc đẩy gia tăng nợ công của Nhật Bản cao.

Với diễn biến tình hình nợ công bất ổn và tăng cao của các nước này sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam trên một số bình diện chủ yếu như: việc thu hút các luồng vốn bên ngoài cho đầu tư như vốn ODA, vay tín dụng, vốn FDI… sẽ bị ảnh hưởng, xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường này sẽ gặp khó khăn hơn, thu nhập từ nước ngoài giảm và có thể tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với kinh tế trong nước, đồng thời thúc đẩy gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế, đặc biệt là các khu vực doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng và chứng khoán.

** Theo ông, các nhà quản lý, điều hành và hoạch định chính sách Việt Nam cần phải chủ động làm gì giảm nhẹ ảnh hưởng? Ông có khuyến cáo gì đối với giới doanh nghiệp?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô: Trước tác động bất lợi nêu trên, cần khẩn trương, quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Hội nghị Trung ương 3, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015, trong đó tập trung chính vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Trong lĩnh vực quản lý nợ công cần phải rà soát, đánh giá lại năng lực trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn của các chủ thể sử dụng nợ công; Điều tra nhu cầu và xác định cụ thể danh mục các chương trình, dự án ưu tiên sử dụng vốn vay mới trên cơ sở các chỉ tiêu giới hạn về nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đến năm 2015 đã được Quốc hội phê chuẩn (nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia không vượt quá 50% GDP); Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công (lãi suất, tỷ giá, tín dụng, tái cấp vốn, hoạt động) để đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.

** Tại hội thảo quốc tế mới đây, ông cảnh báo về rủi ro tỷ giá như đồng yên đã làm cho số nợ của Việt Nam tăng thêm. Ông có thể ước tính số tăng thêm là bao nhiêu và thời gian tới chúng ta nên có những công cụ, biện pháp gì để phòng ngừa, hạn chế rủi ro này?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô: Rủi ro tỷ giá là khả năng xảy ra tổn thất về trị giá của các khoản nợ bằng ngoại tệ trong danh mục nợ công do biến động tỷ giá trên thị trường tài chính. Nguyên nhân chủ yếu tạo nên rủi ro về tỷ giá là do tác động của kinh tế thế giới và khu vực, biến động của thị trường vốn quốc tế, quá trình tự do hoá tài chính, tiền tệ và hội nhập quốc tế, điều chỉnh cơ chế, chính sách tiền tệ làm thay đổi quy mô và nghĩa vụ nợ công bằng ngoại tệ quy đổi sang đồng tiền nội tệ của mỗi quốc gia.

Hiện tại, trong cơ cấu nước ngoài của Chính phủ tập trung chủ yếu vào các đồng tiền chủ chốt như: đồng yên Nhật Bản chiếm khoảng 39%, bằng SDR khoảng 27%, bằng USD khoảng 22%, đồng EUR khoảng 9%. Vì vậy khi có sự biến động tăng, giảm về tỷ giá các đồng tiền này sẽ làm tăng, giảm dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bằng đồng nội tệ.

Do tác động của tỷ giá đồng yên trong năm 2011 (tỷ giá đồng yên tăng từ 1USD=84,12 JPY ngày 31/12/2010 lên 1USD=76,72 JPY hiện nay) cùng với việc điều chỉnh tỷ giá giữa đồng VND so với USD vào tháng 2/2011 (khoảng 9,3%) đã làm cho dư nợ nước ngoài của Chính phủ quy USD tăng khoảng 800 triệu USD và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trong năm 2011 bằng đồng Việt Nam so với dự toán tăng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bù đắp lại cho rủi ro tỷ giá này là hiện nay đang có trên 75% khoản nợ trong danh mục nợ của chính phủ là các khoản vay ODA dài hạn với lãi suất rất ưu đãi.

Để chủ động phòng ngừa cho các rủi ro có thể xảy ra, hiện nay Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng Quy chế quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công và sẽ trình thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới với việc áp dụng các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu nợ công, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với mức chi phí phát sinh hợp lý.

** Là chuyên gia về tài chính, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của yếu tố “niềm tin” trong hoạt động kinh tế - tài chính? Theo ông Việt Nam có cần xây dựng và coi trọng “chỉ số niềm tin”?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô: Niềm tin có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội và đặc biệt hơn là trong các hoạt động kinh tế, tài chính, tiền tệ đối với mỗi quốc gia. Nhận thức được điều đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng đề án tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia để cải thiện chỉ số niềm tin, tăng cường minh bạch, đồng thời góp phần giảm chi phí vay trên thị trường vốn trong nước và quốc tế./.

Xuân Nhân (thực hiện)

vov

Các tin tức khác

>   Gỡ bom nổ chậm nợ nước ngoài (14/11/2011)

>   Vay nợ với lãi suất cao! (14/11/2011)

>   Đầu tư công: Chuyện cũ, kỳ vọng mới (14/11/2011)

>   Cơ hội vàng trôi tuột qua Việt Nam (14/11/2011)

>   Khu kinh tế ven biển phải có nét riêng (13/11/2011)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Chặng đường chông gai (13/11/2011)

>   Mở thêm nhiều kênh đầu tư vào hạ tầng (12/11/2011)

>   Tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng đến 2020 có thể vượt 300 tỷ USD (12/11/2011)

>   Khủng hoảng toàn cầu: Bộ mặt thật và những giải pháp (12/11/2011)

>   Về các khoản nợ công của Việt Nam: Vấn đề là trả nợ thế nào? (12/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật