Chủ Nhật, 13/11/2011 09:23

Tái cơ cấu kinh tế: Chặng đường chông gai

Việc tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được bàn tới bàn lui tại nhiều hội nghị, hội thảo. Nhưng trong bối cảnh mới, có lẽ nội hàm việc tái cấu trúc khu vực này không còn theo hướng như trước. Có lẽ đó là lý do vào cuối tháng 10 vừa qua, một hội thảo bàn về tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước đã bị hủy bỏ.

Công trường thi công lặp đặt cống thoát nước ở TPHCM.

Trong khi đó, đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì dự kiến hoàn thành trong tháng 11 này đã phải lùi thời hạn đến quí 2 năm sau. Lý do chính là cơ quan này không thể có số liệu để nhận diện thực trạng của khu vực kinh tế này. Dự thảo của đề án trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn 10 năm qua cho thấy một bức tranh “tươi sáng” về khu vực doanh nghiệp. Kết quả kinh doanh của DNNN có xu hướng tăng, số DNNN thua lỗ giảm, đa số DNNN có doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, kể cả trong giai đoạn chị tác động xấu của khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế… Những thông tin trên đẹp đến nỗi, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cơ quan xây dựng đề án cho rằng, “nếu đúng thế thì chẳng cần phải cải cách doanh nghiệp nhà nước nữa”.

Về phần mình, Bộ Tài chính đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Theo thông tin báo chí, Bộ trưởng đã ngay lập tức phê bình lãnh đạo Cục Quản lý Doanh nghiệp được phân công thực hiện đề án này vì chậm trễ. Một quan chức của cục này lý giải, cơ quan này cũng không dễ dàng tiếp cận thông tin tài chính của DNNN. Ông nói: “Hàng năm, các tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo một lần cho Cục, nhưng chúng tôi cứ như đi xin”. Bộ Tài chính thừa nhận, trong suốt 10 năm qua chưa kiểm tra tình hình tài chính của khu vực kinh tế này. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải lại đang đề nghị thành lập thêm hai tập đoàn mới.

Trong khi đó, câu chuyện tái cơ cấu đầu tư công cũng phức tạp không kém. Nghị quyết 11 ban hành đầu năm đặt trọng tâm vào mục tiêu này, nhưng diễn biến thực tế sau đó cho thấy khác. Theo đánh giá của CIEM, việc cắt giảm danh mục dự án đầu tư công và dự án của các doanh nghiệp nhà nước trên thực tế là cắt trên giấy, hay điều chuyển thay vì được cắt hẳn. Vẫn có 333 dự án sử dụng trái phiếu chính phủ được khởi công mới - đối tượng không được thực hiện trong năm theo Nghị quyết 11. Vốn đầu tư nhà nước tổng cộng 120.000 tỉ đồng được phân bố rất dàn trải cho hơn 17.700 dự án. Một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi tổ chức một cuộc họp gần đây về phân cấp đầu tư ở TPHCM nhằm tìm giải pháp khắc phục căn bệnh đầu tư dàn trải, thì nhận được nhiều ý kiến phản đối từ các địa phương, bộ, ngành. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng không thấy tinh thần tái cơ cấu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho năm 2012 mà Quốc hội đang xem xét. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải thích: “Nói là tái cấu trúc kinh tế, nhưng đó là mong muốn. Nó phải là quá trình, vì đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật, lao động có tay nghề cao, chứ không làm ngay được”.

Chỉ hai trong ba trụ cột được xác định tái cơ cấu nêu trên đã cho thấy nhiệm vụ trước mắt khó khăn như thế nào. Mười năm trước, Báo cáo chính trị tại Đại hội IX đã đề ra chủ trương tái cơ cấu kinh tế: “chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư dựa trên cơ sở phát huy các thế mạnh và lợi thế so sánh của đất nước,…”. Hội nghị Trung ương 3 tháng 10 vừa qua, một lần nữa thừa nhận: “yếu kém nội tại nền kinh tế với cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục”. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2009, Chính phủ khóa trước đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế, song rốt cuộc, đề án này đã không được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế 2011-2015.

Những diễn biến trên cho thấy, tái cấu trúc kinh tế sẽ còn là chặng đường rất dài và chông gai phía trước. Chính vì thế, mà kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội thành lập ủy ban tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch kèm với các thành viên là chuyên gia độc lập, và ra nghị quyết hoặc nghiên cứu ban hành luật về tái cơ cấu nền kinh tế là một bước khởi đầu cho con đường chông gai đó. Những biện pháp tương tự từ cấp cao nhất đã từng giúp Việt Nam vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trước đây. Liệu lần này ý chí đó sẽ được tiếp nối?

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Mở thêm nhiều kênh đầu tư vào hạ tầng (12/11/2011)

>   Tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng đến 2020 có thể vượt 300 tỷ USD (12/11/2011)

>   Khủng hoảng toàn cầu: Bộ mặt thật và những giải pháp (12/11/2011)

>   Về các khoản nợ công của Việt Nam: Vấn đề là trả nợ thế nào? (12/11/2011)

>   Giữa 2012 sẽ giám sát tối cao về đầu tư công (11/11/2011)

>   Việt Nam có chịu thiệt trong “bão nợ” châu Âu? (11/11/2011)

>   Dấu ấn 100 ngày hoạt động của Chính phủ mới (11/11/2011)

>   “Cảnh báo đỏ” dự án FDI chậm trễ (11/11/2011)

>   Phải biết nhà đầu tư cần gì (11/11/2011)

>   Dự án tỷ USD bị thu hồi nợ gần một triệu đô tiền thuê đất (10/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật