Thứ Bảy, 12/11/2011 08:09

Khủng hoảng toàn cầu: Bộ mặt thật và những giải pháp

Kỳ 1: Lòng tham và những hệ lụy

Khủng hoảng toàn cầu là hậu quả của mô thức phát triển kinh tế bóc lột quá mức sức lao động, tài nguyên và mất cân đối trong phân chia lợi nhuận.

Hội thảo “Khủng hoảng toàn cầu và giải pháp của cánh tả” Kêu gọi G20 giải quyết khủng hoảng nợ Nợ công - Cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng

Từ năm 2002, trên thế giới đã có nghiên cứu cảnh báo về nguy cơ nhãn tiền một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp xảy ra. Nhưng các tổ chức tài chính, tiền tệ thế giới, chính phủ các nước không tin vì thực tế các dự báo của các chính phủ, các tổ chức tài chính, kinh tế, thương mại quốc tế đều khả quan.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (thứ nhất từ trái), Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, tham gia hội thảo về Khủng hoảng toàn cầu và giải pháp của Đảng Cánh tả, tại Hà Nội

Do đó, họ không có biện pháp đề phòng nên từ năm 2008, khủng hoảng tài chính như một “trận bão lớn” khởi đầu từ Mỹ và nhanh chóng lan ra toàn cầu. Nó đã, đang và sẽ còn gây ra nhiều hệ lụy cho con người trên khắp hành tinh.

Khi các “ông lớn” đổ vỡ...

Nhìn lại thời kỳ đầu, cuộc khủng hoảng bắt đầu từ nước Mỹ, giới truyền thông liên tục đưa tin về sự sụp đổ của nhiều tập đoàn. Trong đó, phải kể đến “cú ngã ngựa” gây chấn động nền tài chính thế giới khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae buộc phải được Chính phủ tiếp quản (từ 7/9/2008) để tránh nguy cơ phá sản.

Làn sóng đổ vỡ tiếp tục lan rộng qua hàng loạt các “ông lớn” trong môi trường tài chính thế giới. Đơn cử, Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers (phá sản ngày 15/9/2008), rồi Washington Mutual (phá sản ngày 26/9/2008). Tiếp theo đến Ngân hàng Trung ương Mỹ, Anh, Nhật, EU và nhiều quốc gia khác liên tục phải cắt giảm lãi suất hàng loạt để khơi thông dòng vốn.

Đến cả ngân hàng đầu tư số một nước Mỹ - Merill Lynch- cũng bị Bank of America thâu tóm. Chính phủ Mỹ đã phải bơm 85 tỷ USD vào tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới – AIG- để tránh cho thị trường tài chính nước này gặp một kết cục tồi tệ hơn…

Song hành với sự phá sản hoặc rơi vào thế cùng đường của hàng loạt các công ty, tập đoàn là vấn đề nợ công của hàng loạt quốc gia trở thành điểm nóng trên chính trường thế giới. Từ giữa năm 2011, vấn đề nợ công của các nước châu Âu thành trung tâm của sự chú ý và nó diễn ra hết sức phức tạp. Hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra tại Pháp, Anh, Hy Lạp, Bồ Đào Nha,... Đặc biệt là phong trào chiếm phố Wall gần đây càng cho thấy một bộ mặt thật của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trước hết là nền tài chính, đang vào thế bi đát.

Hệ quả không thể tránh nữa của cuộc khủng hoảng này là nhân loại phải chứng kiến và chịu hậu quả của liên tiếp các cơn sốt tăng, giảm thất thường ở biên độ lớn của các sản phẩm dầu mỏ, lương thực, vàng, và lạm phát gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Thủ phạm là lòng tham

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, kinh tế tri thức phát triển nhanh, mạnh, trong đó thương mại và đầu tư tài chính giữ vai trò chủ đạo, thậm chí chi phối đời sống kinh tế thế giới.

Vì thế, mọi hoạt động trên thị trường thế giới đang lệ thuộc vào mấu chốt là đồng tiền. Khi dòng vốn bị bế tắc, khủng hoảng trên quy mô rộng khắp, thị trường thế giới đang như một con bệnh cần được “bắt mạch” tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Tiến sĩ John Smith

Có rất nhiều lý giải khác nhau, song đa số các học giả, nhà nghiên cứu tiếp cận vấn đề đều vỡ ra rằng, “nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng bắt nguồn từ bản chất của chủ nghĩa tư bản (CNTB), còn chủ nghĩa tư bản thì còn khủng hoảng” – Tiến sĩ John Smith, nhà nghiên cứu tại Đại học Kingston, Anh.

Trong Hội thảo về “Khủng hoảng toàn cầu và các giải pháp của Đảng cánh tả” diễn ra tại Hà Nội, từ 10-11/11/2011, các học giả đến từ nhiều quốc gia đánh giá đây là cuộc khủng hoảng toàn diện của nền văn minh tư sản. Nó là cuộc khủng hoảng hệ thống, khủng hoảng cơ cấu, khủng hoảng mô hình phát triển theo “chủ nghĩa tự do mới”, khủng hoảng mang tính chu kỳ của CNTB trên quy mô toàn cầu.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo khủng hoảng năng lượng, lương thực, sinh thái và biến đổi khí hậu... Giống các cuộc đại suy thoái trước đây, khủng hoảng lần này cũng bùng nổ từ trung tâm của CNTB, do kết quả của hiện tượng sản xuất thừa và quá trình tập trung hóa tư bản, quá trình tài chính hóa và đặc biệt là hiện tượng đầu cơ quá mức.

Theo Tiến sĩ John Smith: Mặc dù cuộc khủng hoảng toàn cầu ban đầu chỉ hiện hữu trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nhưng những gì đang bao trùm thế giới ngày nay còn hơn cả một cuộc khủng hoảng tài chính. Đó là một hệ quả không thể tránh khỏi và cũng không thể trì hoãn từ những mâu thuẫn của chính nền sản xuất tư bản.

Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, nền sản xuất tư bản và những mâu thuẫn nội tại của nó đã được chuyển hoàn toàn từ một sự chuyển dịch sản xuất toàn cầu rộng khắp tới các nước có mức lương thấp (một tỷ lệ rất lớn và đang gia tăng lực lượng lao động toàn cầu hiện đang nằm tại các nước đang phát triển). Kết quả là lợi nhuận, sự phồn thịnh và yên ổn xã hội tại các nước đế quốc đã phải phụ thuộc vào doanh thu của sự bóc lột quá mức lao động sống tại nhiều nước đang phát triển. Kết quả đó là sự tiếp nối không chỉ có khủng hoảng của CNTB mà là khủng hoảng của chủ nghĩa đế quốc.

Tiến sĩ John Smith nhấn mạnh: “Nguồn gốc của mọi tài sản xã hội có được là nhờ vào quá trình lao động sản xuất có sự tác động giữa con người và thiên nhiên. Nhưng khi những chủ thể điều khiển các quá trình lao động sản xuất đó lạm dụng, vì lòng tham đã vắt kiệt cả sức lao động của con người và tận thu tài nguyên trong khai thác thiên nhiên thì tất yếu sẽ dẫn đến không chỉ một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng mà còn gây ra những thảm hoạ về môi trường sinh thái”.

Lòng tham của CNTB còn được biểu hiện rõ trong cuộc chạy đua vào các phi vụ đầu cơ trên quy mô lớn, ngốn nhiều vốn như chứng khoán, bất động sản, khai thác tài nguyên, cho vay tín dụng không theo chuẩn,...

Về điểm này, ông Francisco Saucedo, thành viên sáng lập Đảng Cánh tả Mexico PRD, cựu nghị sĩ Quốc hội Mexico, cho rằng: “Cuộc khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng của nền văn minh tư bản chủ nghĩa. Đó là lòng tham vô độ về lợi nhuận đưa sự sinh tồn rơi vào hiểm hoạ”.

Bà Sabine Leidig

Bên cạnh đó, bà Sabine Leidig, nghị sĩ Đảng Cánh tả CHLB Đức, đưa ra những con số: “Từ giữa thế kỷ XX đến nay, kinh tế toàn cầu đã tăng gấp 5 lần. Giả định dân số thế giới đến 2050 đạt 9 tỷ người và những người này sống với mức sống vật chất như ngày nay thì nền kinh tế thế giới lúc đó phải tăng gấp 15 lần so với hiện nay. Nhưng ngay hiện nay, mỗi ngày đã có khoảng 75 triệu tấn CO2 được phát thải ra môi trường; biển cả bị khai thác cá quá mức, với khoảng 350.000 tấn; khoảng 100 loài bị tuyệt chủng; 50.000 ha rừng bị chặt hạ gỗ; 20.000 ha đất nông nghiệp bị phá huỷ; 30% dân số thế giới sống thiếu nước sinh hoạt...”.

Trong khi đó, như ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam, đưa ra dẫn chứng: “Theo Viện chính sách kinh tế (EPI), từ 1983 - 2009, có 40,2% của cải nước Mỹ vào tay 1% những người giàu nhất. 4% người tiếp theo chiếm được 41,5%, cộng lại là 5% những người giàu nhất chiếm tới 81,7% của cải cả nước. Đó là số liệu năm 2009, còn nay theo Robert Borosage (thành viên Ban lãnh đạo Viện nghiên cứu chính sách, Chủ tịch Viện Tương lai Mỹ), 1% người giàu nhất thu nhập 60% tổng thu nhập và tài sản của họ bằng 90% lớp người bên dưới”.

Những dẫn chứng tiêu biểu nêu trên chứng tỏ CNTB và các mô hình kinh tế kiểu tư bản chủ nghĩa đang từng ngày vì mục đích lợi nhuận đã phá huỷ thiên nhiên và ngấm ngầm sát hại con người. Do đó, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng của CNTB mà còn là một cuộc khủng hoảng sống còn đối với loài người, không riêng ai hay quốc gia nào./.

Kỳ 2: “Cú đấm lò xo” và giải pháp phát triển bền vững

Xuân Thân

VOV

Các tin tức khác

>   Về các khoản nợ công của Việt Nam: Vấn đề là trả nợ thế nào? (12/11/2011)

>   Giữa 2012 sẽ giám sát tối cao về đầu tư công (11/11/2011)

>   Việt Nam có chịu thiệt trong “bão nợ” châu Âu? (11/11/2011)

>   Dấu ấn 100 ngày hoạt động của Chính phủ mới (11/11/2011)

>   “Cảnh báo đỏ” dự án FDI chậm trễ (11/11/2011)

>   Phải biết nhà đầu tư cần gì (11/11/2011)

>   Dự án tỷ USD bị thu hồi nợ gần một triệu đô tiền thuê đất (10/11/2011)

>   Ngành công nghiệp VN đang tăng thu hút nhà ĐTNN (10/11/2011)

>   Năm 2012: Đầu tư thận trọng, đánh nhanh rút gọn (10/11/2011)

>   Mục tiêu CPI 2012: Thiếu sáng kiến sẽ là kỳ vọng ảo! (10/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật