Thứ Hai, 14/11/2011 08:12

Vay nợ với lãi suất cao!

Báo chí ngày 4-11 đưa tin: “Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng vượt mức 7%, chính phủ nước này khó có khả năng trả nợ với lãi suất cao như vậy!”. Thật ra lãi suất cao trên 7% đó đâu xa lạ gì!

Từ năm 2005, Việt Nam đã phát hành trái phiếu đầu tiên lên đến 750 triệu USD, lãi suất thực trả là 7,125%. Đợt phát hành trái phiếu đó được đánh giá là thành công với những dẫn chứng như “lệnh đặt mua tới 4,5 tỉ USD, gấp sáu lần giá trị phát hành”. Trong đó, phát biểu của một thứ trưởng Bộ Tài chính ít được để ý: “Đây là thời điểm tốt để phát hành trái phiếu quốc tế vì kinh tế VN đang lên, chờ đến lúc thiếu tiền mà phát hành thì áp lực lãi suất sẽ rất lớn. Dự báo đến sau năm 2010, vốn ODA rót cho VN không còn nhiều”.

Phát biểu đó rất sát với tình hình dự kiến là VN đang rất gần ngưỡng thu nhập trung bình, từ đó sẽ không còn cơ hội vay ODA với lãi suất ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế nữa, song cũng phản ánh xu hướng chủ đạo: bây giờ vay được thì cứ vay đi!

Từ đó, việc vay nợ với lãi suất 7% trở thành chuyện rất bình thường. Bản tin nợ nước ngoài số 7 Bộ Tài chính công bố tháng 7-2011 cho thấy nợ được Chính phủ bão lãnh mới từ 750 triệu USD đầu tiên năm 2005 ấy, đến cuối năm 2006 đã là 1,031 tỉ USD, và đến cuối năm ngoái lên đến 4,642 tỉ USD. Trong đó nợ vay với lãi suất 6-10% là 1,890 tỉ USD, còn vay với lãi suất 3-6,99% cũng đã là 2,152 tỉ USD. Để tiện tham khảo: lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD hiện ở VN là 2%, còn của FED từ năm 2009 là 0-0,25%!

Trên bình diện khác, vay một ngoại tệ quá mạnh cũng là nguy cơ một khi tỉ giá đồng tiền đó cứ ngày càng tăng, quy đổi ra USD để chi tiêu ngày càng thấp, ngược lại đến khi trả nợ sẽ phải gom thật nhiều USD về để bù lại trượt giá tỉ giá USD so với đồng tiền đó. Điều này đã từng thấy qua trượt giá của dự án metro Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) vay bằng tiền yen Nhật ban đầu quy đổi chưa đầy 1 tỉ USD, đến tháng 7 năm ngoái trượt thành 2,3 tỉ USD. Trong góc độ đó, gói nợ bằng tiền yen là 38,83% tổng nợ nước ngoài, tính đến 31-12 năm ngoái, chưa kể số nợ mới vay 92,65 tỉ yen Nhật, tương đương 1,2 tỉ USD, là một bất trắc có thể nhìn thấy trước!

Khi phải trả bằng ngoại tệ kiếm được từ xuất khẩu, vậy sẽ phải xuất khẩu bao nhiêu triệu tấn dầu, bôxít, gạo, cá, tôm, cà phê, cao su... dưới dạng thô, xuất khẩu bao nhiêu công nhân lao động “tay chân”, may gia công bao nhiêu triệu cái áo, cái quần, đôi giày cũng như đóng thuê bao nhiêu con tàu, cho thiên hạ đem bán và hưởng giá trị thặng dư vô kể...?

Đây là một câu hỏi tự đáy lòng, càng tự đáy lòng hơn khi việc sử dụng nợ vay đó lại là một thực tế đo được bằng hệ số ICOR (chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sử dụng vốn) ngày càng cao cho thấy kém hiệu quả đầu tư.

Danh Đức

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Đầu tư công: Chuyện cũ, kỳ vọng mới (14/11/2011)

>   Cơ hội vàng trôi tuột qua Việt Nam (14/11/2011)

>   Khu kinh tế ven biển phải có nét riêng (13/11/2011)

>   Tái cơ cấu kinh tế: Chặng đường chông gai (13/11/2011)

>   Mở thêm nhiều kênh đầu tư vào hạ tầng (12/11/2011)

>   Tổng nhu cầu đầu tư hạ tầng đến 2020 có thể vượt 300 tỷ USD (12/11/2011)

>   Khủng hoảng toàn cầu: Bộ mặt thật và những giải pháp (12/11/2011)

>   Về các khoản nợ công của Việt Nam: Vấn đề là trả nợ thế nào? (12/11/2011)

>   Giữa 2012 sẽ giám sát tối cao về đầu tư công (11/11/2011)

>   Việt Nam có chịu thiệt trong “bão nợ” châu Âu? (11/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật