Dẹp bớt CTCK, thị trường đỡ 'bấn loạn'
Tại sao không tái cấu trúc khi số lượng CTCK còn chưa đạt đến con số 105 - mà như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là "quá nhiều"? Ai đã cấp phép cho cái "quá nhiều" ấy?
Vào giữa tháng 11/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK NN) đã tổ chức buổi họp báo triển khai các giải pháp đối với thị trường chứng khoán. Có lẽ đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, UBCK NN thực hiện động tác "minh bạch hóa thông tin" một cách khá chi tiết cho giai đoạn tới. Hiện tượng này khác hẳn với thái độ "im lặng trung hạn" của cơ quan này trong suốt chiều dài con sóng giảm của thị trường chứng khoán từ cuối năm 2010 đến gần đây.
Một số công việc đáng chú ý của UBCKNN trong thời gian tới là Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020 (đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý IV/2011), chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK (đã được trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ; dự kiến ban hành trong quý IV/2011), Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán được xây dựng dựa trên Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2012, triển khai trong năm 2012 và đầu năm 2013), xây dựng Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, triển khai từ năm 2012 đến 2015).
Những bước đi được cụ thể hóa về thời gian của UBCK NN và bảng tiến độ công việc có lẽ chỉ mới khởi sắc trong vài tháng gần đây, tiếp sau những buổi làm việc chi tiết của tân bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ. Cuộc làm việc vào cuối tháng 9/2011 là một minh họa khá rõ rệt.
Bởi thế, không quá ngạc nhiên khi mới đây UBCKNN đã đẩy cao tiến độ thực hiện nhiệm vụ khi chuẩn bị cho công việc tái cấu trúc một cách "mạnh tay" đối với khối công ty chứng khoán (CTCK) trong thời gian tới.
Theo những báo cáo tài chính gần nhất, có khá nhiều CTCK Việt Nam, đặc biệt là các CTCK nhỏ, đang có tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn ở mức thấp. Các quy định tỷ lệ an toàn vốn mà UBCK đưa ra cũng còn nhiều CTCK chưa đáp ứng được. Tính đến đầu tháng 10/2011, số liệu các CTCK báo cáo về UBCKNN cho thấy có 12 CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%.
Vào giữa năm 2011, đã có đến 61/105 CTCK chịu lỗ. Hết quý III năm nay, con số lỗ còn cao hơn - 80 công ty, chiếm gần 80% tổng số CTCK đang hoạt động.
Đến lúc này, như quá nhiều thông tin phản ánh từ các báo cáo tài chính lẫn trong thực trạng, khối CTCK đã lâm vào tình thế bĩ cực chưa từng thấy, vượt xa cả trạng thái năm khủng hoảng 2008 mà đã bị xem là "chết lâm sàng".
Chỉ riêng từ đầu năm 2011 đến nay, đã có tới 54 chi nhánh, phòng giao dịch của hơn 30 CTCK đã đóng cửa, trong khi chỉ có 28 chi nhánh, phòng giao dịch của 20 CTCK được mở mới. Dẫn đầu làn sóng này là CTCK Thăng Long (TLS) khi đóng cửa tới 6 phòng giao dịch và chuyển trụ sở chính, tiếp theo là CTCK Phố Wall (WSS) với việc đóng cửa 5 chi nhánh, phòng giao dịch...
Vậy tại sao lại không tái cấu trúc các CTCK vào giữa năm 2011 hay ngay từ quý 1/2011, khi đã xuất hiện những dấu hiệu xấu trong hoạt động của một số công ty? Tại sao cho đến nay, khi vụ Huỳnh Thị Huyền Như đã nổ ra, tạo nên một cơn địa chấn trong làng chứng khoán và cảnh báo vẫn còn nhiều núi lửa âm ỉ có thể phun trào, UBCK NN mới bắt đầu thực hiện nhiệm vụ muộn màng?
Cũng tại sao không tái cấu trúc khi số lượng CTCK còn chưa đạt đến con số 105 - mà như UBCKNN là "quá nhiều"? Ai đã cấp phép cho cái "quá nhiều" ấy?
Nếu ngay từ đầu năm nay, TTCK nhận được sự quan tâm của UBCK NN, ít ra cũng về tiến độ các công việc trọng tâm như hiện nay, thì có lẽ chỉ số thị trường không hẳn đã quá tệ, nhà đầu tư nhỏ lẻ không hẳn đã quá thê thảm, các CTCK không hẳn đã quá tan nát.
Chưa xét đến khái niệm và nội dung của tái cấu trúc khối CTCK vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi, dư luận đang tự hỏi hoạt động tái cấu trúc CTCK trong thời gian tới là một hành động mang tính thực chất hay chỉ là sự tiếp nối của các hoạt động khác - tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc ngân hàng?
Nếu chỉ thiên về những từ ngữ mang tính hình thức, tự thân việc tái cấu trúc CTCK sẽ không khác gì quá trình sắp xếp, hay chính xác hơn là "thanh lý" một số CTCK không còn đủ sức hoạt động hay góp phần làm nhiễu loạn thị trường chứng khoán.
Còn nếu tái cấu trúc CTCK quả đúng mang tầm chiến lược và xứng đáng với ý nghĩa nội hàm của nó, thì đã quá trễ để làm công việc này, khi phần lớn các CTCK đã không còn khả năng tự sắp xếp, trước khi cần tới sự sắp xếp của UBCKNN.
Hơn nữa, lộ trình tái cấu trúc CTCK, như Đề án của UBCK NN, diễn ra trong giai đoạn 2012-2015 có thể tác động đến sự vận hành của điểm số chứng khoán. Sau khi UBCKNN đưa ra hàng loạt nhiệm vụ sẽ thực hiện trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư lại một lần nữa mong ngóng về khả năng thị trường sẽ có thể hồi phục, ít nhất với liều thuốc "minh bạch hóa thông tin".
Tất nhiên, vẫn có thể xem kế hoạch hoạt động và những "giải pháp" của UBCK NN như một phép thử đối với thị trường. Nếu từ phép thử này, chỉ số chứng khoán bật dậy, hoặc ít ra cũng lao xao đi lên, thì có thể bắt đầu một kỳ vọng nho nhỏ cho những nhà đầu tư nho nhỏ.
Nhưng nếu việc tái cấu trúc khối CTCK vẫn chỉ thể hiện như một lời hứa hẹn mà thiếu chiều sâu của trí tuệ, cũng như dự thảo cho Chỉ thị về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK mà UBCK NN đã mất công đề nghị và soạn thảo từ tháng 6/2011 đến nay, vẫn không được Chính phủ phê duyệt, hẳn điều đó sẽ ảnh hưởng không ít đến tâm lý nhà đầu tư, kể cả khối quỹ nước ngoài về triển vọng hoàn toàn chưa sáng sủa của TTCK Việt Nam.
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế việt nam
|