Thứ Hai, 14/11/2011 09:24

Hết thời của “hiệu ứng tự doanh”

Ngay sau thông tin CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng tự doanh được lan truyền, thị trường đã có nhiều ý kiến trái chiều. Đâu là sự thật? Và thông tin về tự doanh CTCK có còn là "cây đũa thần" hấp dẫn NĐT quay trở lại thị trường?

KLS: Tự doanh vẫn đứng ngoài thị trường

Trong Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành tăng vốn điều lệ lên 2.025 tỷ đồng công bố ngày 11/11/2011 của CTCP Chứng khoán Kim Long (mã KLS), Kim Long cho biết, tổng doanh số đầu tư kể từ thời điểm hoàn tất việc thu tiền trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng là 1.161,5 tỷ đồng.

Thông tin này đã làm xôn xao NĐT, với rất nhiều bình luận. Một số ý kiến cho rằng, việc giải ngân của KLS là tín hiệu cho thấy các CTCK đã dần tin tưởng hơn vào sự hồi phục của thị trường. Có ý kiến lại cho rằng, với việc này, Kim Long chắc chắn sẽ phải chịu khoản lỗ lớn thể hiện ở BCTC cuối năm, do trong thời gian qua, thị trường liên tục sụt giảm. Nhiều NĐT lại đưa ra ý kiến, khoản lỗ có thể không lớn, vì cuối tháng 9, Báo cáo tài chính của Kim Long vẫn còn rất nhiều tiền. Thậm chí, có ý kiến còn đặt nghi vấn: Kim Long đã giải ngân để mua lại cổ phiếu bị "kẹp" của người có liên quan. Vậy, sự thật là gì?

Lần giở Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành tăng vốn điều lệ lên 2.025 tỷ đồng của Kim Long cách đây 6 tháng (ngày 14/4/2011), NĐT sẽ nhận được thông tin như sau: "Tổng doanh số đầu tư kể từ thời điểm hoàn tất việc thu tiền trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho hoạt động này (tự doanh) đến hết năm 2010 là trên 1.100 tỷ đồng". Một ghi chú được lặp lại trong cả hai Báo cáo tình hình sử dụng vốn nói trên là, tổng doanh số đầu tư được xác định bằng tổng số tiền đầu tư của tất cả các đợt tham gia góp vốn, mua cổ phần của hoạt động tự doanh, tính từ thời điểm hoàn tất việc thu tiền đợt chào bán ra công chúng đến thời điểm báo cáo.

Điều này có nghĩa là, trong 6 tháng qua, giao dịch tự doanh của Kim Long chỉ rơi vào khoảng 60 tỷ đồng (con số chênh lệch giữa 2 lần báo cáo). Điều này cũng là hợp lý, khi thống kê giao dịch tự doanh trên HSX rất khiêm tốn trong suốt tháng 10 (khoảng thời gian mà Kim Long có thể giải ngân).

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Vĩnh Thành, Tổng giám đốc Kim Long khẳng định điều tương tự, Công ty vẫn chưa thực hiện giải ngân tự doanh trong thời gian vừa qua. Theo ông Thành, thị trường vẫn chưa đủ vững chắc để có thể giải ngân vào lúc này. Trong cơ cấu tài sản lúc này, KLS vẫn chủ yếu duy trì tiền mặt mà chưa thực hiện giải ngân.

Liên quan đến việc tài trợ vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, ông Thành cho biết: "Giai đoạn đầu, Công ty chỉ triển khai một cách thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó, số tiền chúng tôi dự kiến tài trợ cho hoạt động này lúc đầu khoảng 100 - 200 tỷ đồng". Sau giai đoạn này, nếu việc thực hiện được thuận lợi, Công ty có thể sẽ dành nhiều tiền hơn cho cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, con số bao nhiêu lại là vấn đề khác.

Thông tin giao dịch tự doanh "mất thiêng"

Ngay sau thông tin Kim Long đã giải ngân 1.161,5 tỷ đồng tự doanh được công bố rộng rãi, với sự hiểu lầm là Kim Long đã giải ngân với số dư hiện tại hơn 1.100 tỷ đồng, thị trường đã xuất hiện những luồng thông tin trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, thận trọng như Kim Long mà chỉ trong có hơn 1 tháng đã giải ngân số tiền lớn như vậy thì chắc chắn đó là tín hiệu tích cực, thị trường có thể sắp chạm đáy. Tuy nhiên, số đông NĐT lại có ý kiến khác. Một NĐT tại CTCK TP. HCM (HSC) đã phát biểu: "Lúc thông tin tự doanh chưa giải ngân thị trường cũng giảm. Giờ ra tin Kim Long đã giải ngân cả hơn 1.000 tỷ đồng, thị trường cũng giảm. Giờ thì tin giải ngân của tự doanh CTCK 'mất thiêng' rồi".

Trên thực tế, BCTC quý III của nhiều CTCK có thống kê giao dịch tự doanh cho thấy, hoạt động tự doanh của các CTCK vẫn rất khiêm tốn. Những giao dịch (nếu có) chủ yếu là giao dịch chiều bán. Chính vì vậy, NĐT đã quen với việc miễn nhiễm thông tin từ giao dịch tự doanh. Bên cạnh đó, thông tin (được hiểu nhầm) về giao dịch tự doanh của KLS diễn ra lúc thị trường đang gặp khó khăn, xuất hiện thông tin vĩ mô xấu liên quan đến nợ của Vinashin… khiến tác động của nó đến thị trường không lớn.

"Lúc này, thông tin tự doanh giải ngân chỉ có giá trị khi đi kèm với thông tin vĩ mô tích cực, nếu không sẽ chỉ giống như 'ném đá ao bèo'", NĐT tên Thịnh tại CTCK Thăng Long nói. Thậm chí, nhiều NĐT đang nắm giữ cổ phiếu Kim Long còn bi quan cho rằng, nếu Kim Long đã giải ngân thật thì đó chỉ là tin xấu, chứ không phải tin tốt vào lúc này, bởi vì vị thế tiền mặt đã không còn.

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cuối năm, sếp chứng khoán vẫn ra đi hàng loạt (12/11/2011)

>   CTCK “bó tay” trước vi phạm của nhà đầu tư (11/11/2011)

>   CTCK mất thanh khoản: UBCK cần khuyến khích NĐT lên tiếng (10/11/2011)

>   TAS, SME phải giải trình giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp (09/11/2011)

>   CTCK cầm cự đến… bao giờ? (09/11/2011)

>   Sáp nhập sở giao dịch, cần ý tưởng đột phá (08/11/2011)

>   "Ôm" cổ phiếu OTC, NĐT gần như mất trắng (08/11/2011)

>   Đòn tự vệ của 2 "ông lớn" (08/11/2011)

>   Vietstock.vn dành cho Máy tính bảng - Hoàn toàn miễn phí (07/11/2011)

>   “Hiến kế” ngăn khả năng CTCK trục lợi tiền gửi của NĐT (04/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật