“Hiến kế” ngăn khả năng CTCK trục lợi tiền gửi của NĐT
Theo một số CTCK lớn, nếu UBCK giám sát được việc thực thi nghiêm túc báo cáo của tất cả các CTCK cứ 2 lần/tháng và có chế độ kiểm tra bất thường thì các CTCK rất khó lạm dụng được tiền của NĐT.
Để giám sát hoạt động của CTCK, từ 1/4/2011, thời điểm Thông tư 226/2011/TT-BTC về an toàn tài chính của CTCK có hiệu lực, UBCK đã có văn bản yêu cầu tất cả các CTCK phải thực hiện báo cáo tài khoản tiền gửi của NĐT định kỳ 2 lần/tháng. CTCK phải báo cáo tên ngân hàng nơi CTCK mở tài khoản tiền gửi cho NĐT, số lượng tài khoản của NĐT, số dư tiền gửi trên tài khoản giao dịch của NĐT.
Cũng về an toàn tiền gửi của NĐT, đầu tháng 10/2011, UBCK tiếp tục có công văn gửi các CTCK cho biết, qua kiểm tra, giám sát, UBCK đã phát hiện và xử lý một số trường hợp CTCK không tách bạch quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT. Vì vậy, UBCK yêu cầu CTCK phải nghiêm túc tuân thủ quy định về việc tách biệt tài khoản tiền gửi của NĐT theo Quyết định 27/2007/QĐ - UBCK. UBCK cũng yêu cầu CTCK phải đảm bảo tài khoản tiền gửi của NĐT là tài khoản chuyên dùng để thực hiện việc gửi, giữ tiền và thanh toán các giao dịch chứng khoán cho khách hàng; phải báo cáo danh sách các tài khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của NĐT do CTCK mở tại các ngân hàng kèm bản sao các hợp đồng mở tài khoản này.
Ngày 4/11, UBCK lại tiếp tục có công văn gửi các CTCK yêu cầu thực thi nghiêm việc tách bạch tiền gửi của NĐT. Trao đổi với ĐTCK, một số CTCK lớn cho biết, nếu thực hiện đúng quy định báo cáo định kỳ của UBCK như trên, CTCK không thể lạm dụng được tiền của NĐT. Nếu UBCK giám sát được việc thực thi nghiêm túc báo cáo của tất cả các CTCK cứ 2 lần/tháng và có chế độ kiểm tra bất thường để răn đe các ý định trục lợi thì khoản tiền gửi của NĐT là an toàn. Trong trường hợp cần thiết, UBCK có thể nâng tần suất báo cáo của những CTCK có nghi vấn lên 4 lần/tháng.
P.Oanh
đầu tư chứng khoán
|