Cổ phiếu quỹ: Quyền lợi dành cho ai?
Nhiều công ty niêm yết thời gian qua mua cổ phiếu quỹ theo phương thức thỏa thuận với bên bán là những nhà đầu tư có quan hệ mật thiết với cổ đông nội bộ.
Trong bài viết "STB: Nghi vấn về quyết định mua cổ phiếu quỹ" trên ĐTCK số trước, chuyên gia tài chính Phạm Kinh Luân tỏ ý nghi ngờ việc mua lại cổ phiếu quỹ của STB có thể là giải pháp "bất đắc dĩ" để giúp một số đối tượng thoát hàng và có tiền để xử lý nhu cầu tài chính đang cấp thiết. Nghi ngờ này không phải không có cơ sở, bởi trên thực tế, ở nhiều trường hợp mua cổ phiếu quỹ của các công ty niêm yết thời gian qua, cổ phiếu quỹ được mua thỏa thuận với bên bán là những nhà đầu tư có quan hệ mật thiết với cổ đông nội bộ.
Trên những bản công bố thông tin của công ty niêm yết đăng ký mua cổ phiếu quỹ, một số công ty đăng ký mua theo hình thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Giao dịch thỏa thuận chính là kẽ hở để các cá nhân lợi dụng. Khi một hay nhiều cổ đông lớn muốn thoái vốn trong thị trường giá xuống, thanh khoản giảm thì việc tìm được một người mua thỏa thuận vài trăm nghìn cổ phiếu là rất khó. Và thực tế phát sinh là HĐQT có thể quyết định mua cổ phiếu quỹ và giao dịch thỏa thuận với “người quen” khi họ có nhu cầu thoái vốn.
Sự lắt léo ở đây là ranh giới giữa tư lợi và không tư lợi rất mong manh. Nếu thanh khoản thấp, giá cổ phiếu lại thấp so với giá trị thực tế, HĐQT quyết định mua cổ phiếu quỹ từ cổ đông lớn có nhu cầu bán ra, ngăn chặn cổ đông này bán ra thị trường làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, thì hoạt động mua bán này là không tư lợi. Nhưng nhiều trường hợp, chính cổ đông nội bộ thấy thị trường giảm nên lợi dụng tư cách công ty thực hiện mua lại chính lượng cổ phiếu của mình (đứng dưới tên người khác). Hoặc người có quyền quyết định giao dịch thỏa thuận mua cổ phiếu quỹ có thể lựa chọn mua cổ phần của nhà đầu tư này, thay vì mua của nhà đầu tư kia.
Nhiều trường hợp, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ không có khả năng bình ổn giá khớp lệnh trên sàn, bởi thực chất là mua thỏa thuận số lượng lớn với đối tượng nhất định. Giá giao dịch trên sàn vẫn rơi và cổ đông nhỏ không được hưởng lợi.
Với mục đích là mua bình ổn giá cổ phiếu thì có nhiều kiểu, nhiều cách lập luận hợp lý hóa cho hoạt động mua thỏa thuận giữa những người có quyền quyết định và bên bán. Người ngoài chỉ có thể nghi ngờ chứ khó có thể chứng minh bản chất của hoạt động mua bán thỏa thuận cổ phiếu quỹ là nhẹ quyền lợi công ty mà nặng quyền lợi cá nhân.
Theo chuyên gia Huy Nam, thực chất của việc mua cổ phiếu quỹ là giảm vốn tạm thời nhằm tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu. Trong trường hợp công ty có nguồn tiền mặt nhàn rỗi trong 6 tháng hay 1 năm mà xét thấy không có cơ hội đầu tư hiệu quả trên thị trường, thì nên mua cổ phiếu quỹ để giảm vốn chủ sở hữu.
Nhưng thực tế thời gian qua, ông Nam đánh giá, một số công ty có cổ phiếu quỹ nhưng vẫn phát hành cổ phiếu mới. “Trong hoàn cảnh hiện nay, nền kinh tế đang thiếu vốn, doanh nghiệp thiếu vốn mà lại mua cổ phiếu quỹ thì có hợp lý hay không?”, ông Nam đặt câu hỏi.
"Theo tôi, nên giới hạn bớt lý do, mục đích mua cổ phiếu quỹ. Công ty niêm yết cần đưa ra lý do mua cổ phiếu quỹ thuyết phục hơn là lý do mua cổ phiếu quỹ để bình ổn giá cổ phiếu", ông Nam nói.
Theo bà Trần Thị Hải Lý, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP. HCM, trên thế giới cũng có giao dịch mua cổ phiếu quỹ theo phương thức thỏa thuận, nhưng họ quy định rõ đối tượng cấm giao dịch thỏa thuận là các đối tượng có liên quan.
Mặt khác, khi công bố mua cổ phiếu quỹ, công ty niêm yết cần công khai mức giá dự kiến mua vào và cơ sở đưa ra mức giá đó để cổ đông biết, chứ không phải muốn mua giá nào cũng được, hoặc giá mua là do ông chủ tịch quyết định. Hiện nay, một số công ty cũng đã định ra mức giá để mua vào cổ phiếu quỹ nhưng mức giá này không buộc phải công khai.
Sự khác biệt quan trọng hơn là các quy định ở Việt Nam hiện nay chỉ quy định công ty niêm yết mua cổ phiếu quỹ có nguồn tiền để mua, chứ không phải chứng minh tiền mua cổ phiếu quỹ là tiền nhàn rỗi trong thời gian 6 tháng đến 1 năm. Theo bà Lý, nhìn trên sổ sách, doanh nghiệp có thể có nguồn mua cổ phiếu từ lợi nhuận để lại hay thặng dư vốn nhưng trên thực tế, tiền mặt lại không có nhiều, thậm chí công ty đang phải vay vốn lãi suất cao để hoạt động kinh doanh.
Nhìn lại các công ty đã mua cổ phiếu quỹ vừa qua, không khó để thấy một số công ty vay vốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng vẫn mua vào cổ phiếu quỹ.
Cuối cùng, mua cổ phiếu quỹ có nên và có thực sự đạt mục đích bình ổn giá cổ phiếu, mang lại lợi ích cho cổ đông hay chỉ là bình phong cho các mục đích khác là một câu hỏi đầy nghi vấn trước cách công bố thông tin “nửa kín, nửa hở” của các DN hiện nay.
Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|