Khối CTCK chờ một cuộc tái cấu trúc
Bài 1: Những sàn chứng khoán dần biến mất…
TTCK giảm giá nhiều năm liền khiến một lượng lớn trong số 105 CTCK gần như bị lãng quên do không có hoạt động nào đáng chú ý. Để đảm bảo an toàn cho thị trường và tài sản của NĐT, một cuộc tái cấu trúc lại khối CTCK là không thể chần chừ.
Theo quy định hiện hành, CTCK phải có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng nếu muốn có đủ 4 nghiệp vụ kinh doanh là môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, trong 105 CTCK, hiện mới chỉ có 43 công ty (40,95%) có vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên, trong khi có tới 28 CTCK có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng. Xét về vốn điều lệ, dẫn đầu là CTCK SSI với hơn 3.511 tỷ đồng, còn nhỏ nhất là TC Capital Việt Nam với vỏn vẹn 10,82 tỷ đồng.
Những CTCK không có sàn giao dịch
Nhắc đến CTCK, hình ảnh đầu tiên người ta thường nghĩ tới là những sàn giao dịch, nơi rất đông NĐT chăm chú theo dõi những con số nhảy múa trên bảng điện tử. Nhưng hình ảnh đó giờ đã trở nên hiếm hoi khi các sàn giao dịch bị thu hẹp, thậm chí biến mất.
Theo danh sách công bố trên hai Sở GDCK, chỉ có 102/105 CTCK là thành viên. Như vậy, có 3 CTCK hiện không cung ứng dịch vụ môi giới chứng khoán là TC Capital Việt Nam, CTCK Hamico và CTCK CIMB-Vinashin.
CTCK Hamico thực chất là CTCK Gia Anh (GASC), được đổi tên từ ngày 10/3/2011. Đầu năm 2009, GASC là CTCK đầu tiên rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán, chỉ giữ lại nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán. Tài khoản của khách hàng mở tại GASC sau đó được chuyển sang CTCK An Phát (HNX: APG). Theo địa chỉ Công ty ghi trên website là số 7, ngõ 2, đường 80, tổ 80, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên ĐTCK đã tìm đến. Nhưng sau hơn 2h sục sạo trong các ngõ ngách, địa chỉ trên lại dẫn đến một căn nhà kín cổng cao tường, không có biển hiệu cũng như những chỉ dấu để chứng tỏ đó là trụ sở một công ty chứ không phải nhà dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó tổng giám đốc CTCK Hamico cho biết, hoạt động chủ yếu của Công ty hiện nay là tư vấn niêm yết, quản lý cổ đông cho các khách hàng tổ chức trong Tập đoàn Hamico. Địa chỉ ghi trên website là địa chỉ đăng ký kinh doanh, thực tế Công ty đã chuyển hoạt động về văn phòng tại số 10 D7 Khu đô thị Đại Kim.
Cũng giống như Hamico, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư chứng khoán TC Capital Việt Nam nằm trong danh sách 105 CTCK được UBCK cấp phép thành lập ngày 29/4/2008, chỉ với hoạt động duy nhất là tư vấn đầu tư. Từ khi được thành lập đến nay, Công ty vẫn hoạt động tại một văn phòng nhỏ tại tầng 6 tòa nhà Tungshing, số 2 Ngô Quyền. Không có website, không có hoạt động nổi bật, công ty này khiến nhiều người phải “ngạc nhiên” khi được nhắc đến như một CTCK. Đại diện Công ty cho biết, Công ty chỉ thực hiện tư vấn cho các tổ chức, chứ không cung cấp dịch vụ tư vấn cho cá nhân.
Một trường hợp khác khá đặc biệt, được cấp phép thành lập ngày 12/08/2008 với vốn điều lệ 333,34 tỷ đồng, Công ty TNHH Chứng khoán CIMB-VINASHIN được phép thực hiện tất cả các nghiệp vụ của CTCK. Tuy nhiên, đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện kết nối với 2 Sở GDCK. Theo địa chỉ của Công ty đăng trên Website của UBCK, phóng viên ĐTCK đã thử gọi vào số điện thoại (04.22210483) và truy cập trang web (cimb-vinashin.com), nhưng số điện thoại không tồn tại, còn trang web thì chưa xây dựng.
Thu hẹp sàn, đóng cửa chi nhánh
Thống kê từ đầu năm 2011 đến nay, có tới 54 chi nhánh, phòng giao dịch (PGD) của hơn 30 CTCK đã đóng cửa, trong khi chỉ có 28 chi nhánh, PGD của 20 CTCK được mở mới. Dẫn đầu làn sóng này là CTCK Thăng Long (TLS) khi đóng cửa tới 6 PGD và chuyển trụ sở chính, tiếp theo là WSS với việc đóng cửa 5 chi nhánh, PGD.
Theo điều 3, Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK ban hành kèm theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC, CTCK phải có quyền sử dụng trụ sở làm việc tối thiểu trong vòng 1 năm, trong đó diện tích sàn giao dịch phục vụ NĐT tối thiểu là 150 m2. Theo Điều 17 quy chế này, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu không duy trì các điều kiện trên. Tuy nhiên, có một thực tế là diện tích sàn giao dịch tại nhiều CTCK đang ngày càng hẹp lại. Tại nhiều sàn chứng khoán, diện tích dành cho NĐT được quây lại sao vừa đủ chiều rộng của 2 màn máy chiếu bảng điện tử, chiều dài đủ khoảng 4 - 5 hàng ghế, diện tích còn lại để tận dụng cho các hoạt động dịch vụ khác.
Đơn cử như CTCK VNS có trụ sở tại phố Đào Duy Anh, trước kia bảng điện tử treo kín diện tích sàn tầng 1 của Tòa nhà VCCI, nay thì phần lớn được dùng để hợp tác với một số đối tác ngân hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính. NĐT chỉ tập trung ở vài chục m2 phía trong. Tương tự, CTCK VISE cũng thu gọn diện tích sàn, để nhường chỗ cho nhân viên ngồi, thay vì phải thuê riêng một tầng làm việc như trước kia... Diện tích chỗ ngồi dành cho NĐT tại CTCK VNDirect (HNX: VND) cũng thu hẹp chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, mặc dù bên ngoài tòa nhà vẫn treo biển CTCK Woori CBV rất hoành tráng, nhưng thực tế bên trong lại khác hẳn. Thấy phóng viên ĐTCK ngỡ ngàng trước việc bảng điện tử biến mất, hàng ghế dành cho NĐT bị xếp chỏng chơ, nhân viên bảo vệ của ngân hàng bên cạnh cho biết, công ty này đã chuyển đi từ lâu, nhưng biển hiệu bàn ghế cũng chẳng buồn dọn dẹp.
Nguyễn Quang
Đầu tư chứng khoán
|