Chủ Nhật, 20/11/2011 10:10

‘Đại phẫu’ công ty CK: Ngòi nổ vẫn chưa được tháo?

Nếu con số vay mượn, không có khả năng thu hồi, nói trắng ra là thất thoát, mà người đàn bà có tên Huyền Như “chế tác” ra không phải là 5.000 tỷ, mà còn hơn thế, thậm chí vượt hơn nhiều, chẳng hạn như gấp vài ba lần con số ước tính, thì sự thể sẽ ra sao?

Hiệu ứng thị trường phục hồi tạm vào phiên giao dịch cuối tuần đã không còn được giữ được "truyền thống" trong tuần qua. Đầu tuần mở ra đã thấy đỏ, cuối tuần đóng lại cũng chẳng có gì khá hơn - toàn bộ chuỗi đung đưa của con lắc chỉ số trong tuần vẫn tiếp tục khiến cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mất phương hướng. Tiền lệ mới này đang mở ra khả năng trong những tuần tới đây, thị trường có thể sẽ dao động vô chừng, hoặc phiên phục hồi cứu vớt đôi chút hy vọng cho nhà đầu tư lại thuộc về... thứ Hai.

Không chỉ đầu tuần đỏ, phiên lao dốc cuối tuần - hình ảnh tâm lý mà Vietstock liên tưởng đến trạng thái tâm lý "bi quan cùng cực" - đã "giúp" cho cả hai chỉ số VNI và HNX tiếp tục phá vỡ đáy ngắn hạn. Với VNI, điều đặc biệt là sau hơn 3 tháng vận động theo đúng mô hình "Tăng trưởng - Hưng thịnh - Suy vong", chỉ số này đã chính thức bước vào chu kỳ dò dẫm đáy mới.

Phép thử gián tiếp cho TTCK, được nêu ra bởi một công văn ngày 14/11/2011 của Ngân hàng nhà nước về loại trừ 4 nhóm đối tượng bất động sản khỏi khu vực phi sản xuất, đã hầu như không có tác dụng gì đối với niềm tin còn rơi rớt của nhà đầu tư, cũng như đã chưa thể củng cố trạng thái khủng hoảng niềm tin trong thị trường bất động sản.

Nếu quả thực TTCK đã trải qua phép thử về cơ chế hạ lãi suất huy động - một liều thuốc được xem như bổ trợ trực tiếp cho dòng vốn vào cổ phiếu, và quá trình "siết" kênh kinh doanh vàng như một liều thuốc gián tiếp, mà không để lại dấu ấn nào minh chứng cho sự chuyển dịch dòng tiền từ thiên hạ vào chứng khoán... , thì chẳng có lý do gì một tác động gián tiếp của gián tiếp như văn bản của Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua lại có thể làm cho chứng khoán ngẩng mặt lên được.

Sự an ủi còn lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ còn là những cổ phiếu nhỏ mà họ nắm giữ đã không bị giảm quá mạnh so với nhóm cổ phiếu lớn trong tuần qua. Tương quan khá "ổn" - với độ sụt giảm khoảng 3-3,5% của tất cả các nhóm cổ phiếu cho thấy viễn cảnh gì trong ngắn hạn?

Có thể hy vọng vào một vài phiên phục hồi trong tuần này, với một số cổ phiếu nhỏ được hồi phục từ động lực làm giá hơn là sức cầu có thật của người tiêu dùng.

Cơ sở về tương quan sụt giảm trên cũng có thể "vẽ' ra đồ thị gần như đi ngang của thị trường trong tuần này. Nhưng tất nhiên, chỉ là đi ngang trong ngắn hạn, và trên hết là dao động ngang trong xu hướng giảm - một xu hướng rất khó chịu, luôn được điểm xuyết bởi những phiên giảm - tăng xen kẽ.

Sau khi tất cả thông tin tốt đã bị bỏ qua, tình hình vĩ mô của khối công ty chứng khoán lại chìm vào không khí bế tắc, không khác gì tâm thế của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Một cách nào đó, tình hình hiện thời khá giống với thời gian cuối của năm 2008, khi tất cả các cổ phiếu lớn nhỏ thi nhau lao dốc, còn thị trường hết chịu cơn hoảng loạn này đến cơn hoảng loạn khác.

Nhưng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đã không có công ty chứng khoán nào bị "dẹp tiệm". Bất chấp tỷ lệ lỗ cao, hiện tượng đóng cửa văn phòng giao dịch và cho nghỉ việc nhân viên vẫn chưa là gì so với thời buổi bây giờ. Đó cũng là sự khác biệt cơ bản giữa hai thời kỳ lịch sử mà cho thấy trạng thái "bi quan cùng cực" như hiện nay vẫn có thể còn tiếp diễn trong một thời gian khá dài nữa.

Trong khi chiến lược dài hơi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn chưa được nhìn rõ bóng dáng, thì trước mắt Đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán sẽ phải được thực hiện. Hàng loạt công ty chứng khoán sẽ nằm trong danh sách phải "làm việc" với cơ quan quản lý nhà nước, mà nếu không cẩn thận thì không ít khối u lâu ngày sẽ bị lộ ra.

Khối u đó, được tích tụ trong từng công ty chứng khoán và được cộng dồn giữa một số công ty với nhau, là một nguy hiểm chết người mà cho tới giờ chỉ có những cơ quan điều tra việc vi phạm pháp luật kinh tế mới có thể hình dung.

Con số vay mượn thực mà người đàn bà nổi tiếng Huỳnh Thị Huyền Như làm xiếc tại những doanh nghiệp, công ty chứng khoán và ngân hàng là bao nhiêu? Điều ngạc nhiên là cho tới nay vẫn chưa có kết luận hoặc một số liệu nào được công bố chính thức. Thế nên vẫn râm ran đồn đoán, khi thì 500 tỷ, lúc lại đến 5.000 tỷ.

Thực ra, chỉ cần con số trên đạt đến 500 tỷ đồng thì đã đủ làm cho khá nhiều công ty chứng khoán khốn đốn, cho dù chẳng công ty nào tự nhận là mình có thể chạm vào lằn ranh lao lý. Còn với 5.000 tỷ, đó là giả thuyết khó tưởng tượng, một con số mà hoàn toàn có thể khiến cho một ngân hàng thương mại nào đó đắm chìm trong viễn cảnh phá sản, nhất là khi khối ngân hàng đang bước vào trào lưu "tái cấu trúc".

Song nếu con số vay mượn, không có khả năng thu hồi - nói trắng ra là thất thoát - mà người đàn bà có tên Huyền Như "chế tác" ra không phải là 5.000 tỷ, mà còn hơn thế, thậm chí vượt hơn nhiều, chẳng hạn như gấp vài ba lần con số ước tính, thì sự thể sẽ ra sao?

Hàng chục ngàn tỷ đồng hoặc hơn là con số tương đương với vốn điều lệ của một ngân hàng cỡ trung bình, đồng thời có thể đủ làm sập khoảng 2-3 ngân hàng thương mại cùng hàng chục công ty chứng khoán...

Trở lại với nhịp sống thường ngày của thị trường, nhiều người có cảm giác hình như ngòi nổ vẫn chưa được tháo gỡ. giải chấp của một số công ty chứng khoán vẫn còn rải rác ở đâu đó. Nhưng tiềm ẩn hơn là tự thân những vấn đề đau đầu của khối công ty này, trong mối liên quan với ngân hàng, vẫn chưa được cơ quan nào và bản thân họ giải quyết một cách thấu đáo.

Với quá nhiều "vướng mắc", lại cộng thêm với nguy cơ trên, thị trường không còn cách nào khác là phải tiếp tục suy giảm.

Trong nhận định vào tuần trước, chúng tôi đã lần đầu tiên nêu ra dự báo trung hạn về thị trường: chỉ số chứng khoán có nhiều khả năng sẽ trượt dần theo kiểu mà TTCK Hy Lạp đã biểu hiện từ tháng 5/2011 đến nay. Quá trình này mang đặc thù là góc trượt nhỏ nhưng kéo dài, thời gian suy giảm trong giai đoạn tới có thể mất ít nhất 6-8 tháng.

Tất nhiên, TTCK Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với TTCK Hy Lạp. Nhưng dạng đồ thị suy giảm của tương lai có thể được cấu tạo bởi sự trùng lắp tương đối về dạng đồ thị giữa hai thị trường trong quá khứ. Quá khứ đó được thể hiện gần nhất là từ đầu năm 2011 đến nay. Và nếu tái diễn, hình ảnh của một "con đường đau khổ" nữa sẽ tái hiện. Vô số chữ W và sau đó là chữ M sẽ hiện lên trên từng đoạn giằng dai của con đường ấy, đưa nhà đầu tư liên tục chuyển trạng thái tâm lý từ cực tả sang cực hữu.

Việt Thắng

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Dẹp bớt CTCK, thị trường đỡ 'bấn loạn' (19/11/2011)

>   Cổ phiếu quỹ: Quyền lợi dành cho ai? (18/11/2011)

>   STB: Em ruột Thành viên HĐQT bị phạt do chậm công bố việc bán cổ phiếu (18/11/2011)

>   “Ve chai đồng nát” chứng chỉ quỹ! (17/11/2011)

>   Quỹ đầu tư là nguồn giải cứu đối với doanh nghiệp (17/11/2011)

>   Bài 1: Những sàn chứng khoán dần biến mất… (16/11/2011)

>   Công ty Chứng khoán gồng mình vượt khó (15/11/2011)

>   Tháng 2/2012: Sàn HOSE sẽ giao dịch thêm buổi chiều (15/11/2011)

>   Bước thoái lui của doanh nghiệp niêm yết (15/11/2011)

>   Xác định thời điểm ra vào thị trường - Market Timing (14/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật