Tiền đầu tư chảy về đâu?
Một lượng tiền đã chảy vào bất động sản, chứng khoán, vàng và USD. Nhưng một số vốn khác đang treo lơ lửng chờ đợi, nghe ngóng những diễn biến mới từ nền kinh tế.
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng ở TP.HCM, với trần lãi suất tiền gửi là 14%, nhiều ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn về việc huy động vốn. Những ngân hàng nhỏ hiện nay mỗi một ngày lượng tiền huy động giảm từ 5 tỉ đến 20 tỉ đồng mỗi ngày.
Kênh đầu tư tiết kiệm giảm mạnh
Điều đáng nói là không chỉ các ngân hàng nhỏ bị hụt lượng tiền huy động mà một số ngân hàng lớn cũng giảm. Tính từ đầu tháng 9 đến nay số tiền huy động toàn bộ hệ thống ngân hàng đã giảm đi 0,26%, tương đương với khoảng 6.500 tỉ đồng.
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngày 7-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra văn bản siết các ngân hàng không được huy động vượt trần 14%/năm thì nhiều người đã đi rút tiền không gửi nữa. Trước đây nhiều ngân hàng huy động ở mức 18%-19% mà vẫn thiếu vốn, nay siết lãi suất huy động không quá 14% ngân hàng càng khát vốn hơn.
“Trong bối cảnh lạm phát, không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng đã phải hy sinh vì mục tiêu chung. Trong tình hình lãi suất tiền gửi 14% mà lạm phát vẫn gần 20% thì tiền lời từ gửi tiết kiệm vẫn không bù lại được so với lạm phát. Đồng tiền ngày càng mất giá, người dân như đang ăn mòn vào tiền của mình” - bà Thu nói. “Người ta vẫn hay nói lãi suất thực âm hay thực dương là bởi so sánh lãi suất với lạm phát. Hiện nay tiền đồng đã mất giá 15% thì sức hút vào kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước nữa cũng là điều dễ hiểu” – GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, nhận định.
|
Hiện nay sức hút vào kênh gửi tiết kiệm không còn như trước nữa. |
Chứng khoán ấm lên
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, sự liên thông giữa các nền kinh tế với nhau đang tác động mạnh đến diễn biến ở mỗi quốc gia. Chính vì thế diễn biến kinh tế Việt Nam thực sự rất khó lường. Không chỉ người dân mà các nhà đầu tư đang dè chừng hơn là nhảy vào lựa chọn.
“Theo tôi, khi chứng khoán giảm, bất động sản chững lại thì một lượng tiền đã chảy vào bất động sản và chứng khoán. Một lượng tiền cũng đã chảy vào vàng và USD. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng vốn đang nằm “án binh bất động” chờ đợi, nghe ngóng những diễn biến tiếp theo” - TS Nguyễn Ngọc Ảnh, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận định.
Theo số liệu Sở Giao dịch Chứng khoán của TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán HN, tổng giao dịch tháng 9 tăng khoảng 10.000 tỉ đồng so với tháng 8. Tuy nhiên, sau đó đến cuối tháng 9 đầu tháng 10, lượng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân thứ nhất là do giới đầu tư làm động tác chốt lời. Thứ hai, thời điểm này giá vàng có đợt giảm mạnh nên có thể một dòng tiền đã đổ qua kênh đầu tư vàng.
Mấy ngày vừa qua, tỉ giá biến động rõ rệt. Cụ thể USD tự do cao hơn USD trong ngân hàng 500-600 đồng. Theo nhiều chuyên gia, đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người dân đã rút tiền mua USD. Vì tâm lý chung của người dân là cái gì tăng là chạy theo.
Tạo môi trường cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng
Lượng tiền huy động của một số ngân hàng giảm có thể chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác cũng là điều dễ hiểu. Bởi với mức lãi suất ngang nhau, các ngân hàng phải tự chăm chút để dịch vụ của mình tốt hơn mới thu hút được khách hàng. Nhiều ngân hàng cho biết họ còn cảm thấy việc siết lãi suất đã tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống ngân hàng.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Tái cấp vốn để can thiệp thị trường
Khi siết chặt lãi suất tiền gửi NHNN đã lường trước được vấn đề giảm lượng tiền gửi ở một số ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là NHNN đã chuẩn bị biện pháp kể cả giải pháp giúp các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong điều kiện này. Trong những tuần qua, NHNN cũng đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ các ngân hàng thanh khoản tốt hơn. Chẳng hạn như việc tái cấp vốn để can thiệp vào thị trường…
TS Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank (EIB) |
Yên Trang
Pháp luật TPHCM
|